Bị phạt vì đem hàng 'mù' nguồn gốc lên mạng bán

Một doanh nhân bị Cục QLTT TP.HCM xử phạt hơn 30 triệu đồng do kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ trên môi trường mạng.

Vừa qua, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 15 đã ban hành Quyết định xử phạt đối với Công ty F, địa chỉ tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. Doanh nghiệp bị phạt 32 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là thực phẩm và hành vi kinh doanh hàng hóa là thực phẩm quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa.

Lực lượng QLTT kiểm tra bắt quả tang hàng kinh doanh vi phạm.

Lực lượng QLTT kiểm tra bắt quả tang hàng kinh doanh vi phạm.

Theo hồ sơ, sau khi nắm tình hình về đơn vị chuyên bán hàng trên nền tảng mạng xã hội Youtube, tổ công tác Đội Quản lý thị trường số 15 tìm hiểu xác minh và phát hiện Công ty F. trên đường Quách Điêu, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh là chủ thể tổ chức bán hàng. Tuy nhiên, hoạt động này có dấu hiệu đang kinh doanh hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tổ công tác đã đề xuất Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 15 ban hành Quyết định kiểm tra và tiến hành kiểm tra đối với Công ty này vào ngày 22/7/2024.

Kiểm tra thực tế tại địa chỉ nêu trên, Đoàn kiểm tra phát hiện và tạm giữ hàng hóa là thực phẩm gồm: 600 hộp trà xanh túi lọc, không hiệu, loại 2g/gói, 25 gói/hộp, NSX: 04/03/2022, HSD: 04/03/2024 sai phạm. Các sai phạm gồm sản phẩm chưa qua sử dụng, không có hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có tài liệu chất lượng kèm theo, không có nhãn hàng hóa theo quy định, trên sản phẩm không thể hiện xuất xứ hàng hóa, quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa.

Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 15 đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là thực phẩm và hành vi kinh doanh hàng hóa là thực phẩm quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa; đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa.

Có thể thấy rằng, hiệu quả từ thương mại điện tử đã được khẳng định trong thời gian qua. Với sự tiện lợi, nhanh chóng, thương mại điện tử đã, đang phát triển mạnh mẽ và dần trở thành xu hướng kinh doanh then chốt được nhiều cá nhân, tổ chức chọn lựa.

Tuy nhiên, môi trường thương mại điện tử cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ…trên các nền tảng thương mại điện tử hiện đã và đang trở thành thách thức không hề nhỏ với cơ quan chức năng nói chung và lực lượng quản lý thị trường nói riêng.

Văn Kỳ

Nguồn CL&XH: https://xahoi.congly.vn/bi-phat-vi-dem-hang-mu-nguon-goc-len-mang-ban-442747.html