Đề nghị doanh nghiệp bảo hiểm tạm ứng, bồi thường thiệt hại do bão số 3

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) yêu cầu, chậm nhất ngày 12/9, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, các doanh nghiệp bảo hiểm báo cáo tình hình thiệt hại sau bão số 3 và giải quyết quyền lợi bảo hiểm.

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) vừa có công văn đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xác định thiệt hại về người và tài sản sau bão số 3 của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; thực hiện ngay việc tạm ứng bồi thường, bồi thường và trả tiền bảo hiểm nhanh chóng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm, người thụ hưởng theo thỏa thuận tại hợp đồng và quy định pháp luật.

Theo Công văn số 1202/QLBH-PNT của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, chậm nhất ngày 12/9, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, các doanh nghiệp bảo hiểm báo cáo tình hình thiệt hại và giải quyết quyền lợi bảo hiểm.

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) yêu cầu các doanh nghiệp tạm ứng ngay, bồi thường thiệt hại do bão số 3

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) yêu cầu các doanh nghiệp tạm ứng ngay, bồi thường thiệt hại do bão số 3

Đại diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Phó Cục trưởng Phạm Văn Đức nêu Bão số 3 (Yagi) đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản tại các tỉnh phía Bắc. Cục đề nghị Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam phối hợp với các doanh nghiệp bảo hiểm tổ chức thực hiện hỗ trợ nhân đạo theo quy chế nội bộ và quy định pháp luật có liên quan.

Theo quy định pháp luật hiện hành, bão và các hiện tượng thiên tai là trường hợp bất khả kháng, không thể dự đoán và phòng ngừa hoàn toàn.

Đối với những chủ xe có tham gia bảo hiểm vật chất ôtô sẽ có phạm vi bồi thường cho chủ xe những thiệt hại về vật chất xảy ra do những tai nạn bất ngờ, ngoài sự kiểm soát của chủ xe trong những trường hợp như: Đâm va, lật, đổ, rơi; hỏa hoạn, cháy, nổ; những tai họa bất khả kháng do thiên nhiên; mất cắp, mất cướp toàn bộ xe. Mỗi gói bảo hiểm sẽ có mức độ bảo vệ và điều khoản bồi thường khác nhau.

Còn nếu chủ xe chỉ tham gia loại hình bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc, phương tiện đó bị hư hỏng, thiệt hại sẽ không được công ty bảo hiểm bồi thường.

Hiện có một số doanh nghiệp bảo hiểm đã phát thông báo và chủ động vào cuộc ngay, cử cán bộ, nhân viên tới các địa bàn trọng điểm mà bão số 3 (siêu bão Yagi) đi qua để xác định thiệt hại về người và tài sản của khách hàng tham gia bảo hiểm. Nhiều doanh nghiệp cũng đang tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan để tiến hành hỗ trợ nhân đạo, tiến hành xác định thiệt hại để tạm ứng và bồi thường cho các khách hành bị thiệt hại do bão số 3 để lại.

Điều 52. Hình thức bồi thường

1. Bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có thể thỏa thuận một trong các hình thức bồi thường sau đây:a) Sửa chữa tài sản bị thiệt hại;b) Thay thế tài sản bị thiệt hại bằng tài sản khác;c) Trả tiền bồi thường.

2. Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và bên mua bảo hiểm không thỏa thuận được về hình thức bồi thường thì việc bồi thường được thực hiện bằng tiền.

3. Trường hợp bồi thường quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có quyền thu hồi tài sản bị thiệt hại sau khi đã thay thế hoặc bồi thường toàn bộ theo giá thị trường của tài sản.

Minh Ngọc

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/de-nghi-doanh-nghiep-bao-hiem-tam-ung-boi-thuong-thiet-hai-do-bao-so-3-169240909125901718.htm