Bị phạt vì lái xe sau uống rượu, bia: Người chống đối, người viện lí do bị 'ép' nhậu

Nhằm hưởng ứng đợt ra quân cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông, CSGT TP. HCM đã và đang tăng cường tuần tra khắp các tuyến đường trên địa bàn.

Thời gian gần đây, tình hình tai nạn giao thông (TNGT), nhất là các vụ TNGT rất nghiêm trọng diễn biến phức tạp trên địa bàn TP. HCM, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản và sức khỏe của nhân dân.

Vì thế, CSGT TP. HCM sẽ tăng cường lực lượng tuần tra kiểm soát, tập trung vào đối tượng là người điều khiển xe mô tô, ô tô thực hiện các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến TNGT nghiêm trọng, gồm: vi phạm nồng độ cồn, chất kích thích, chất ma túy khi điều khiển phương tiện giao thông; vi phạm tốc độ trên đường bộ; đi vào đường cấm; vi phạm về “cơi nới” thùng xe, chở hàng quá trọng tải, quá khổ trên đường bộ;…

Bài liên quan

Tài xế có say xỉn, chống đối CSGT sau khi gây tai nạn

CSGT TP. HCM phối hợp chặn bắt xe chở thuốc tân dược giả

Tạm giữ tài xế say rượu chở quá khổ, rút dao đâm CSGT

CSGT TP. HCM cảnh báo hành vi giả danh CSGT, lợi dụng phạt nguội để lừa đảo

Cụ thể, đối với các hành vi vi phạm về nồng độ cồn, chất kích thích, chất ma túy, CSGT sẽ thực hiện điều tra cơ bản xác định tuyến, địa bàn (tập trung bến xe, bến cảng, nhà hàng, quán bar, vũ trường, khu du lịch…) để xây dựng kế hoạch tập trung xử lý vi phạm về nồng độ cồn, chất kích thích, chất ma túy.

Tối 30/6, tại đoạn giao đường Lý Chính Thắng - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3, TP. HCM), phóng viên báo Nhà báo & Công luận theo chân đội CSGT Bàn Cờ, lập chốt kiểm tra, phát hiện hàng loạt trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi lái xe.

Theo đó, chỉ trong 1 giờ tuần tra, tổ công tác đã lập biên bản xử phạt 5 trường hợp, tạm giữ 5 xe máy.

Cụ thể, khoảng 22h cùng ngày, lực lượng CSGT đã ra hiệu dừng kiểm tra đối với hàng loạt phương tiện. Các tài xế sẽ được kiểm tra GPLX, giấy đăng ký xe và đo nồng độ cồn thông qua thiết bị đo.

Sau khi kiểm tra, đối với những tài xế không vi phạm, CSGT sẽ cảm ơn, ghi lại thông tin và mời tài xế lái xe ra khỏi khu vực làm nhiệm vụ.

Lúc này, tổ công tác phát hiện anh H.Q.H. (sinh năm 1977) lái xe máy (BS 59V2 – 460.XX) với nồng độ cồn đo được là 0,576 mg/lít khí thở, không xuất trình được GPLX hay giấy đăng ký xe.

Khi được CSGT lập biên bản xử phạt, người này tỏ ra không hợp tác, liên tục tự xưng là “bác sĩ một bệnh viện” và nài nỉ lực lượng chức năng không giam xe. Tuy nhiên, sau khi được tổ công tác dùng các biện pháp mềm dẻo lẫn cứng rắn để thuyết phục, người này đồng ý ký tên vào văn bản.

Tiếp đó, lực lượng CSGT ra hiệu dừng kiểm tra đối với anh P.Q.H. (sinh năm 1973) điều khiển xe máy (BS 59S2 – 868.XX) đi trên đường có dấu hiệu nghi vấn.

Tại đây, thông qua thiết bị đo, tổ công tác xác định anh H. vi phạm nồng độ cồn mức “kịch trần” là 1,026 mg/lít.

Không đồng ý ký tên vào văn bản, người này liên tục rời khỏi khu vực làm việc và cuối cùng là “vứt” xe, đi bộ về nhà.

Đối với những trường hợp này, tổ công tác vẫn lập biên bản xử phạt, tạm giữ phương tiện và thêm biên bản có chữ ký của người chứng kiến sự việc.

Ngay sau đó, lực lượng CSGT liên tục phát hiện nhiều trường hợp người dân vi phạm nồng độ cồn khi lái xe. Trong đó, không ít người viện lí do: “Vừa đi đám ma về, uống có 3 lon thôi. Chúng tôi biết uống rượu bia khi lái xe là sai nhưng cũng vì bị ép quá, khó lòng từ chối”.

Được biết, lỗi vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển xe máy sẽ có 3 mức xử phạt: nếu nồng độ cồn chưa vượt quá 0,25mg/lít khí thở, phạt tiền 2,5 triệu đồng, tước GPLX 11 tháng; vượt quá 0,25mg/lít khí thở, xử phạt 4,5 triệu đồng, tước GPLX 17 tháng; vượt quá 0,4mg/lít khí thở, phạt tiền 7 triệu đồng, tước GPLX 23 tháng.

Một cán bộ CSGT cho biết, tình trạng người dân lái xe sau uống rượu, bia vẫn đang là vấn đề nhức nhối và chưa giải quyết triệt để. “Một tháng đi tuần 30 ngày, ngày nào cũng phát hiện người dân say xỉn khi lái xe”, cán bộ này nói.

Thúy Vy

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bi-phat-vi-lai-xe-sau-uong-ruou-bia-nguoi-chong-doi-nguoi-vien-li-do-bi-ep-nhau-post201983.html