Viện trưởng VKSND TP Hải Dương thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa
Vừa qua, VKSND TP Hải Dương đã phối hợp với TAND cùng cấp tổ chức phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm đối với các bị cáo Phạm Văn Đoàn, Phạm Quốc Khánh về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy quy định tại khoản 2 Điều 255 Bộ luật hình sự. Vụ án do Kiểm sát viên trung cấp Nguyễn Thị Băng Tâm - Viện trưởng trực tiếp thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa.
Theo Cáo trạng truy tố: Khoảng 19 giờ 50 phút ngày 28/4/2024, tại phòng 303 tầng 3, số nhà 130 Bà Triệu, phường Phạm Ngũ Lão, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương, Phạm Quốc Khánh chuẩn bị chất ma túy, Phạm Văn Đoàn cung cấp địa điểm, dụng cụ và trực tiếp “xào” ma túy để Khánh, Đoàn cùng anh Phan Đình Thế Anh sử dụng thì bị tổ công tác Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TP Hải Dương phối hợp với Công an phường Phạm Ngũ Lão, TP Hải Dương kiểm tra, bắt quả tang, thu giữ vật chứng.
Quá trình xét xử, Kiểm sát viên đã tích cực tham gia xét hỏi, làm rõ nội dung của vụ án, kiểm sát chặt chẽ việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử, những người tham gia tố tụng. Trên cơ sở đề nghị của Viện kiểm sát, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, nhân thân của các bị cáo; Hội đồng xét xử đã tuyên phạt: bị cáo Phạm Văn Đoàn 7 năm 5 tháng tù và bị cáo Phạm Quốc Khánh 7 năm 3 tháng.
Kết thúc phiên tòa, VKSND TP Hải Dương đã tổ chức họp rút kinh nghiệm về những ưu điểm và tồn tại của Kiểm sát viên trong quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa. Với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, các đồng chí tham dự phiên tòa đã phát biểu ý kiến, tập trung phân tích, làm rõ những ưu điểm và hạn chế, thiếu sót của Kiểm sát viên trong quá trình THQCT và KSXX cũng như công tác chuẩn bị trước phiên tòa.
Kiểm sát viên Nguyễn Thị Băng Tâm đã tiếp thu các ý kiến góp ý, nhận xét của các đồng chí tham dự phiên tòa, tiếp tục nghiên cứu, khắc phục những hạn chế, thiếu sót đã nêu trên để hoàn thiện bản thân, nâng cao trình độ năng lực, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ của Ngành và nhiệm vụ chính trị của địa phương. Việc Lãnh đạo Viện trực tiếp thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa không chỉ nêu cao vai trò, trách nhiệm của người lãnh đạo, còn là một trong những phương pháp đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ có hiệu quả, thiết thực để các Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chuyên viên trong đơn vị học tập, rút kinh nghiệm, góp phần nâng cao kỹ năng xét hỏi, tranh luận của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự.