Ngày 22/6/1941 là một dấu mốc quan trọng trong Chiến tranh thế giới 2 khi phát xít Đức bất ngờ tấn công xâm lược Liên Xô với chiến dịch Barbarossa.
Chiến dịch xâm lược Liên Xô được phát xít Đức thực hiện trong bối cảnh hai nước ký hiệp ước không xâm lược lẫn nhau vào năm 1939.
Chính vì vậy, Liên Xô không ngờ rằng sẽ bị Đức quốc xã tấn công xâm lược. Thêm nữa, trước khi tấn công Liên Xô, trùm phát xít Hitler không hề tuyên chiến. Những điều này khiến quân đội Liên Xô rơi vào thế bị động thời gian đầu cuộc chiến nên chịu tổn thất lớn.
Thậm chí, Hitler và phát xít Đức còn tuyên bố không quân Liên Xô bị hủy diệt hoàn toàn và phát động chiến dịch ném bom thủ đô Moscow từ tháng 7/1941.
Trước tình hình trên, giới chức Liên Xô nhanh chóng họp bàn, tìm kiếm giải pháp chống lại đội quân xâm lược của Hitler cũng như có kế hoạch tấn công đáp trả.
Trong số này có việc các nhà lãnh đạo Liên Xô lên kế hoạch điều động một số chiến đấu cơ oanh tạc thủ đô Berlin để cho phát xít Đức và thế giới biết rằng xứ sở bạch dương không dễ bị đánh bại.
Sau một thời gian lên kế hoạch, Liên Xô quyết định dùng sân bay trên Osel (nay là Saaremaa) - hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Moonsund phía tây Estonia làm nơi các chiến đấu cơ xuất phát oanh tạc Berlin.
Vào ngày 8/8/1941, 15 oanh tạc cơ Ilyushin DB-3 của Liên Xô xuất phát từ đảo Osel hướng tới Berlin. Cuộc oanh tạc táo bạo của Liên Xô khiến phát xít Đức bị sốc khi ban đầu lầm tưởng do phía Anh gây ra.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, đội máy bay của Liên Xô bay trở về căn cứ an toàn. Liên Xô thực hiện chiến dịch không kích Berlin trong khoảng 1 tháng khiến Đức quốc xã tổn thất không nhỏ.
Sự việc này khiến chính quyền Hitler và thế giới bàng hoàng về sức mạnh quân sự "đáng gờm" của Liên Xô dù đang bị Đức quốc xã tấn công xâm lược.
Mời quý độc giả xem video: Tiếp tục truy tìm tội phạm chiến tranh thời phát xít Đức (nguồn: VTC14)
Tâm Anh (theo RBTH)