Tác động từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ

Điều gì sẽ diễn ra sau đó nếu nước Mỹ có nữ Tổng thống đầu tiên, hay cựu Tổng thống Donald Trump quay lại Nhà Trắng? Sau đây là những dự đoán của giới chuyên gia dựa trên những tuyên bố của 2 ứng viên.

Thuế và thương mại

Nếu bà Kamala Harris đắc cử, sẽ tăng thuế đối với các tập đoàn và những người có thu nhập cao nhất, giống chính quyền Biden. Bà ủng hộ việc tăng thuế suất thuế doanh nghiệp từ 21% hiện tại lên 28%, một động thái dự kiến sẽ mang lại khoảng 1.400 USD trong thập kỷ tới - theo ước tính của CRFB. Tuy nhiên, một số nhà kinh tế đã cảnh báo rằng, thuế doanh nghiệp thấp là cần thiết để duy trì sức cạnh tranh của Mỹ, và là tiền đề lý tưởng để các công ty đa quốc gia kinh doanh.

Trong khi đó, luật thuế của ông Trump năm 2017 đã hạ mức thuế suất cá nhân cao nhất từ 39,6% xuống 37%, và mức thuế doanh nghiệp cao nhất từ 35% xuống 21%. Ông đã đề xuất cắt giảm thuế doanh nghiệp cho các công ty duy trì sản xuất trong nước từ 21% xuống còn 15%, như một phần trong chiến dịch "Nước Mỹ trên hết", nhằm đưa hoạt động sản xuất trở lại nước Mỹ và ngăn chặn các công ty chuyển hoạt động kinh doanh ra nước ngoài.

Với thuế thương mại, chính quyền Biden-Harris đã áp dụng mức thuế cao đối với một số mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc như xe điện và khoáng sản quan trọng, trong khi vẫn tiếp tục chính sách thuế quan rộng hơn của chính quyền D. Trump đối với hàng hóa Trung Quốc. Bà Harris đã chỉ trích mức thuế quan bổ sung mà ông Trump hứa trong chiến dịch tranh cử năm 2024 là "thuế bán hàng" đối với người tiêu dùng Mỹ, nhưng không rõ chính sách thương mại của riêng bà là gì.

Còn ông Trump đã tuyên bố sẽ áp thuế 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, và 60% hoặc hơn đối với hàng hóa đến từ Trung Quốc. Ông cũng cho biết sẽ yêu cầu Quốc hội trao thẩm quyền áp đặt thuế quan “có đi có lại” đối với bất kỳ quốc gia nào áp đặt thuế quan này đối với Mỹ. Ông lập luận rằng, các mức thuế này sẽ bảo vệ việc làm và các ngành công nghiệp của Mỹ, tuyên bố rằng chúng sẽ khuyến khích sản xuất trong nước và giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa nước ngoài.

Trong nhiệm kỳ trước, ông Trump đã ban hành thuế đối với thép và nhôm, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia. Mức thuế ban đầu được ấn định là 25% đối với thép và 10% đối với nhôm. Động thái này đã gây ra các mức thuế trả đũa từ Canada và Liên minh châu Âu, nhắm vào hàng nông sản xuất khẩu của Mỹ, gây tổn hại cho nông dân Mỹ.

Các nhà kinh tế lo ngại rằng, một mức thuế chung mới sẽ khiến các đối tác thương mại trả đũa nhiều hơn nữa, có khả năng gây ra một cuộc chiến thương mại mới và tạo ra một chu kỳ căng thẳng leo thang có thể gây hại cho nền kinh tế của các bên.

Ông Trump từng bày tỏ mong muốn có nhiều ảnh hưởng hơn đến các quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Ông đã chỉ trích Fed vì đã tăng lãi suất trong thời gian ông làm Tổng thống, và đã gợi ý rằng một chính sách tiền tệ linh hoạt hơn sẽ giúp giảm lạm phát.

Trong khi đó, Fed được quyền kiểm soát lãi suất và các công cụ khác để định hướng chính sách tiền tệ của đất nước. Đây là một cơ quan độc lập có nhiệm vụ giữ lạm phát ở mức thấp và thị trường lao động lành mạnh. Còn tổng thống thường chỉ có thể tác động đến Fed thông qua những người mà họ bổ nhiệm vào ban quản trị. Vì vậy, nhiều nhà kinh tế cảnh báo sự can thiệp có thể làm suy yếu tính độc lập của Fed và sự ổn định kinh tế lâu dài của đất nước.

Vấn đề nhập cư

Nhập cư là vấn đề đặc trưng của ông Trump. Nếu đắc cử trong nhiệm kỳ thứ hai, ông đã thề sẽ tiến xa hơn nhiều so với 4 năm trước. Ông đã hứa sẽ thực hiện chiến dịch trục xuất trong nước lớn nhất trong lịch sử Mỹ, đồng thời nói sẽ khôi phục một số chính sách gây tranh cãi từ nhiệm kỳ đầu tiên của mình, bao gồm chương trình Remain in Mexico, Title 42 và lệnh cấm đi lại nhắm vào một số quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi.

Ông đã tuyên thệ sẽ hủy bỏ các chương trình bảo vệ những người không có giấy tờ khỏi bị trục xuất, bao gồm cả trẻ em, đồng thời thu hồi tình trạng pháp lý của hàng trăm nghìn người nhập cư có khả năng vào Mỹ theo chương trình tình trạng được bảo vệ tạm thời của liên bang. Ông Trump cũng đã gợi ý rằng, ông sẽ chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh đối với những đứa trẻ sinh ra tại Mỹ của những người không có giấy tờ, và áp dụng "kiểm tra ý thức hệ" đối với những người nhập cư.

Trong khi đó, bà Harris bị đặc biệt danh mỉa mai là “Bà Hoàng Biên giới”, ám chỉ bà không có làm gì cả trong công việc giám sát ngoại giao với Mexico và Tam giác phía Bắc. Tại Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa, đảng này đã chỉ trích nặng nề cách tiếp cận của Biden-Harris đối với biên giới.

Dưới thời chính quyền Biden-Harris, số lượng người di cư vào Mỹ từ Mexico đạt mức cao kỷ lục vào cuối năm 2023. Gần 250.000 người đã di cư vào tháng 12-2023, vượt qua mức cao trước đó là 224.000 người vào tháng 5-2022 dưới sự giám sát của Biden-Harris.

Chính sách đối ngoại

Cách tiếp cận của Harris đối với chính sách đối ngoại nhấn mạnh vào việc duy trì các liên minh toàn cầu của Mỹ, đặc biệt là NATO. Ngược lại, ông Trump từ lâu hoài nghi về các liên minh toàn cầu, trong đó có NATO. Ông đã từng nói rằng, sẽ “khuyến khích” Nga tấn công một quốc gia thành viên nếu quốc gia đó không trả đủ tiền. Ông không loại trừ khả năng rút khỏi NATO, và thậm chí còn ám chỉ rằng ông có thể rút lui khỏi các liên minh khác.

Về xung đột Trung Đông, ông Trump từ lâu đã tự coi mình là người bảo vệ Israel. Ông cho biết “cuộc chiến sẽ không bao giờ bắt đầu” nếu ông là Tổng thống, và khẳng định cuộc chiến ở Ukraine cũng sẽ không bắt đầu. Ông đã tự định vị mình là đồng minh mạnh mẽ của Israel nhưng vẫn chỉ trích Thủ tướng Benjamin Netanyahu.

Trong khi đó, lúc được hỏi về cách giải quyết cuộc chiến ở Trung Đông, bà Harris cho biết Israel có quyền tự vệ, trích dẫn các cuộc tấn công ngày 7-10. Bà nói mối đe dọa của Hamas đối với Israel “phải bị loại bỏ”, nhưng nói thêm rằng “quá nhiều người Palestine vô tội đã bị giết”. Bà cho biết chiến tranh phải chấm dứt, phải có thỏa thuận ngừng bắn và Hamas phải thả các con tin. Bà phản đối cuộc xâm lược Rafah ở miền nam Gaza của Israel, nơi có hơn 1 triệu người đã chạy trốn.

Đối với cuộc xung đột Ukraine, ông Trump cho biết muốn cuộc chiến của Nga ở Ukraine kết thúc, cho biết ông có thể “giải quyết xung đột chỉ trong một ngày”, nhưng từ chối trả lời trực tiếp câu hỏi về việc liệu ông có muốn đồng minh Ukraine của Mỹ giành chiến thắng hay không.

Ngược lại, bà Harris ca ngợi sự hỗ trợ của Mỹ và NATO dành cho Ukraine trong cuộc chiến chống lại cuộc xâm nhập của Nga cho đến nay, và kêu gọi tiếp tục hỗ trợ. Harris tuyên bố rằng Mỹ sẽ tài trợ hơn 1,5 tỷ USD cho Ukraine.

Viện trợ tài chính sẽ hỗ trợ cơ sở hạ tầng, an ninh, năng lượng và hỗ trợ người tị nạn. Trong hội nghị thượng đỉnh tháng 6 về hòa bình ở Ukraine, Harris đã nói về cam kết của Mỹ đối với quốc gia Đông Âu này.

VINH TRANG

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/tac-dong-tu-cuoc-bau-cu-tong-thong-my-post118215.html