Bi quan vì chưa tìm được việc làm, thanh niên 29 tuổi ở TP HCM uống 80 viên thuốc ngủ tự tử

Bệnh nhân từng học rất giỏi, đặc biệt là tiếng Anh và đã tốt nghiệp đại học tại TP.HCM. Tuy nhiên, thanh niên này từng có tiền sử bệnh trầm cảm và đã ngưng điều trị thuốc 1 năm nay.

Sáng 4/5, bác sĩ Liêu Thị Trúc Thanh, Khoa Thận - Nội tiết tại một bệnh viện TP.HCM cho biết bệnh viện đã cứu sống bệnh nhân K. (sinh năm 1993) trong tình trạng hôn mê, không có phản xạ, đồng tử co sau khi uống 80 viên thuốc an thần.

K. được lọc máu hấp phụ trong 3 ngày tại Bệnh viện. Ảnh: VNN

K. được lọc máu hấp phụ trong 3 ngày tại Bệnh viện. Ảnh: VNN

Ông N.V.N, cha của K. cho biết, K. có tiền sử trầm cảm từ khi học cấp 2. Khi lớn lên, K. học rất giỏi, đặc biệt là tiếng Anh, tốt nghiệp đại học tại TP.HCM và vẫn duy trì điều trị trầm cảm. Tuy nhiên, K. từng tự tử bằng cách cắt tay nhưng không thành.

Chia sẻ với cha, K. băn khoăn nhất là không tìm được việc làm vì đơn vị tuyển dụng thấy vết rạch tay sẽ nghĩ K. dùng ma túy, nghiện ngập. Tâm lý bi quan ngày càng lớn. Đỉnh điểm là trong đợt dịch Covid-19, K. ngưng uống thuốc trầm cảm và khẳng định "Con đã hết bệnh".

Đến ngày 28/4, K. mua 4 hộp thuốc an thần trên mạng để tự tử. Khi được phát hiện, bệnh nhân không chịu đi bệnh viện. Khoảng 1 tiếng sau, thuốc ngấm, gia đình mới đưa được K đến viện.

Sau 3 ngày lọc máu hấp phụ, K. qua cơn nguy kịch, cai máy thở, rút nội khí quản, tiếp xúc tốt, nói chuyện được, tình trạng tâm lý ổn định.

Bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân trầm cảm, không nên ngưng điều trị hay trị liệu, mà phải tuân thủ việc dùng thuốc, tái khám đều đặn. Nhờ đó, người bệnh tránh bùng phát các cơn stress dẫn đến hành động tiêu cực, nguy hiểm đến tính mạng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Điều chỉnh thói quen sinh hoạt giúp bạn hạn chế diễn tiến của trầm cảm?

Trầm cảm gây nguy hiểm bởi chính những lúc bệnh nhân suy nghĩ về sự kết thúc, nảy ra ý tưởng tự sát và bắt đầu có hành vi tìm đến cái chết. Người bệnh dường như không còn kiểm soát được suy nghĩ và hành vi của bản thân. Họ cho rằng tự tử là cách duy nhất giúp giải thoát bản thân khỏi những nỗi ám ảnh, đau khổ dằn vặt. Trên thực tế, những ý nghĩ tự tử hay hành vi liên quan đến tự tử, làm hại người khác chính là một trong những dấu hiệu của bệnh trầm cảm nặng.

Thay đổi thói quen sinh hoạt theo những gợi ý dưới đây sẽ giúp hạn chế diễn tiến của bệnh, bao gồm:

- Đừng tự cô lập mình

- Đơn giản hóa cuộc sống

- Tập thể dục thường xuyên

- Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng

- Học cách thư giãn và kiểm soát căng thẳng

- Không nên đưa ra các quyết định quan trọng khi bạn đang cảm thấy chán nản. Khi thấy có ý định tự tử hoặc làm hại người khác; xuất hiện các triệu chứng loạn thần như nghe thấy âm thanh nói chuyện khi ở một mình, hoặc nhìn thấy những hình ảnh lạ: ma, quỷ… mà người khác không thấy, hoặc có triệu chứng hoang tưởng như luôn tin rằng có ai đó đang theo dõi mình, đang làm hại mình… thì cần gặp bác sĩ gấp.

Mấu chốt sinh tồn 7 ngày của người phụ nữ vừa được giải cứu ở Yên Tử

M.H (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/bi-quan-vi-chua-tim-duoc-viec-lam-thanh-nien-29-tuoi-o-tp-hcm-uong-80-vien-thuoc-ngu-tu-tu-172220504161055243.htm