Bí quyết 'chinh phục' học sinh của cô giáo chủ nhiệm mê STEM

Nhận thấy những bản kiểm điểm không giúp học sinh thay đổi mà còn khiến các em thấy áp lực, tự ti, cô Quỳnh đã áp dụng cách mà cô học hỏi được từ đồng nghiệp ở nước ngoài: Ký hợp đồng hành vi.

Cô giáo Nguyễn Thúy Quỳnh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cô giáo Nguyễn Thúy Quỳnh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thay vì yêu cầu học sinh viết các bản kiểm điểm theo cách truyền thống vốn không mang lại nhiều hiệu quả giáo dục, mỗi khi học sinh mắc lỗi nghiêm trọng, cô Quỳnh sẽ cùng học sinh ngồi lại, phân tích nguyên nhân, tìm giải pháp cụ thể và cùng nhau ký kết “hợp đồng hành vi” với các điều khoản rõ ràng như các “đối tác chiến lược.”

“Học sinh rất bất ngờ, các em vừa thấy vui vui, vừa cảm nhận được sự nghiêm túc, và điều quan trọng là học sinh sẽ thấy mình được tôn trọng, từ đó nỗ lực thay đổi,” cô Nguyễn Thúy Quỳnh, giáo viên Trường Trung học cơ sở Hoàng Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ.

Cô cũng là một giáo viên say mê với giáo dục STEM đến mức tự tìm đọc nhiều tài liệu, lọ mọ đi tìm và đầu tư thời gian, công sức để tham gia các khóa học về STEM; là một trong những giáo viên đầu tiên của quận Hoàng Mai mang phương pháp giáo dục mới mẻ này đến với học sinh.

Hợp đồng hành vi có… thưởng

Hơn 10 năm trong nghề, nhiều năm làm chủ nhiệm, cô Quỳnh cho hay việc học sinh mắc lỗi là bình thường. Điều cô trăn trở nhất là làm thế nào để các em hiểu rằng việc làm sai đó là một cơ hội để rèn luyện bản thân và các em vẫn xứng đáng được tôn trọng, được tin tưởng, được trao cho động lực để thay đổi mình. “Tôi không tìm thấy những điều đó ở bản kiểm điểm hay bản cam kết thường dùng. Tôi đã quyết định sử dụng công cụ tôi học được từ sự chia sẻ của giáo viên nước ngoài: Hợp đồng hành vi kết hợp với kế hoạch cải thiện hành động,” cô Quỳnh nói.

Theo đó, mỗi khi học sinh mắc lỗi, trước hết, cô trò sẽ cùng ngồi lại để cô có thể lắng nghe những chia sẻ của các em, cùng học sinh tìm ra nguyên nhân đồng thời gợi mở để học sinh thấy được những hậu quả của hành vi đó. Từ nguyên nhân, cô sẽ cùng học sinh xác định biện pháp để cải thiện hành vi dựa trên điều kiện thực tế về hoàn cảnh, tính cách, các mối quan hệ… của học sinh.

Thay vì những lời hứa không tái phạm chung chung trong bản kiểm điểm cũ, cô sẽ gợi ý để học sinh chỉ ra việc cụ thể phải làm và đưa vào điều khoản của “hợp đồng” kèm theo các cam kết thực hiện. Điều đặc biệt là cuối bản hợp đồng không chỉ có thời gian hiệu lực, hình thức xử lý cao hơn khi học sinh vi phạm mà cô còn có quy định về phần thưởng nhỏ để làm động lực cho học sinh sửa sai.

Theo cô Quỳnh, điều quyết định thành công của bản hợp đồng là giáo viên phải thực sự thấu hiểu những suy nghĩ của học sinh, xử lý sai phạm với thái độ bình tĩnh, đảm bảo học sinh luôn có được sự tôn trọng, tránh những phán xét, định kiến chủ quan để nhận lại được sự tin tưởng, sẵn sàng chia sẻ của các em.

Với những cách làm khác lạ, cô Quỳnh đã tạo được sự tin tưởng của học sinh, từ đó giúp các em ngày càng tiến bộ hơn. Trong năm học 2020-2021, cô được hiệu trưởng tin tưởng giao chủ nhiệm đồng thời hai lớp, một lớp 7 và một lớp 9, khi một giáo viên của trường vì lý do riêng không thể tiếp tục công tác chủ nhiệm.

Mang STEM đến với học sinh

“Không chỉ là một giáo viên chủ nhiệm giỏi, cô Quỳnh còn là một giáo viên xuất sắc, là trụ cột trong định hướng phát triển giáo dục STEM của Trường,” cô Chu Thị Xuân Hường, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hoàng Mai nhận định.

Học sinh của cô Quỳnh say mê với các hoạt động STEM. (Ảnh: NVCC)

Học sinh của cô Quỳnh say mê với các hoạt động STEM. (Ảnh: NVCC)

Năm 2019, nhận thấy STEM là phương pháp giáo dục rất tích cực, cô Hường (khi đó là Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Tân Định) đã gợi ý các giáo viên tìm hiểu. Từ sự gợi mở ấy, cô Quỳnh bắt đầu tìm hiểu về giáo dục STEM và ngay lập tức say mê với phương pháp giáo dục mới mẻ này. Cô tích cực tham gia các khóa đào tạo về STEM do trường và Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai tổ chức, say mê cùng học sinh thực hiện các hoạt động khoa học, tổ chức thành công chương trình Ngày hội STEM của trường.

Cô Quỳnh vẫn nhớ khi chương trình Ngày hội STEM kết thúc, cô chợt phát hiện một học sinh nằm ngủ ở góc phòng thí nghiệm. “Em ấy bảo vì mấy hôm tập trung thao thức với STEM, khi làm chỉ thấy vui, không thấy mệt. Giờ xong em mới thấm và ngủ quên lúc nào ko biết. Tôi đã rất xúc động và sự say mê của học trò càng thôi thúc tôi phải cố gắng hơn, nỗ lực hơn nữa,” cô Quỳnh chia sẻ.

Không thỏa mãn với những kiến thức được học, cô tìm kiếm thông tin trên Internet, tham gia các hội nhóm về giáo dục STEM, tìm hiểu và tự đóng tiền tham gia các khóa học của các chuyên gia về lĩnh vực này ở cả trong và ngoài nước.

“Từ việc hiểu khá mơ hồ về STEM, thấy STEM khá xa vời với lập trình, robot… các khóa học đã giúp tôi hiểu STEM rất gần gũi, đó chính là tìm các giải pháp để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày,” cô Quỳnh trải lòng.

Cũng theo cô Quỳnh, giá trị của giáo dục STEM mang lại không chỉ nằm ở sản phẩm học sinh tạo ra mà quan trọng hơn là ở quá trình thực hiện của học sinh, khi các em phải biết làm việc nhóm, phải biết tìm hiểu và sử dụng kiến thức liên môn, ứng dụng linh hoạt trong thực tế, biết giới thiệu về sản phẩm của mình. Vì vậy, ngay cả khi chưa làm ra sản phẩm, các em vẫn nhận được rất nhiều bài học như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, khả năng tư duy, kỹ năng giải quyết vấn đề, xử lý tình huống…

Cô giáo Nguyễn Thúy Quỳnh (phải) chia sẻ cùng tác giả bài viết. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cô giáo Nguyễn Thúy Quỳnh (phải) chia sẻ cùng tác giả bài viết. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cô đã đưa những tiết học STEM sinh động đến với học sinh, giúp các em say sưa với những chủ đề như tái chế rác thải, năng lượng xanh, pha chế đồ uống an toàn, xây dựng hệ thống tưới cây tự động…

Những hiệu quả tích cực từ giáo dục STEM mà cô Quỳnh mang lại đã thổi luồng gió mới trong giáo dục của nhà trường, tạo động lực cho các giáo viên khác cùng hăng say với đổi mới giáo dục, tạo hứng khởi cho không chỉ học sinh mà cả phụ huynh.

“Là một cô giáo tài năng, nhiệt huyết, đang ở độ chín về tuổi nghề, thạc sỹ Nguyễn Thúy Quỳnh thực sự là một nhân tố xuất sắc của trường. Mới đây, cô đã được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vinh danh là Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo. Đó là sự ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực và cống hiến của cô cho ngành trong thời gian qua,” Hiệu trưởng Chu Thị Xuân Hường nhận xét./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/bi-quyet-chinh-phuc-hoc-sinh-cua-co-giao-chu-nhiem-me-stem/754667.vnp