Bí quyết của những TikToker, Facebooker 'hot' ở Hải Dương

Để có nhiều người theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội, những TikToker, Facebooker 'hot' ở Hải Dương đều có cách làm sáng tạo, nỗ lực tìm kiếm cho mình những hướng đi riêng.

Giới thiệu sản phẩm chân thật, thông tin chính xác, bảo đảm chất lượng sản phẩm khi gửi đi là cách để chị Phương Mai thu hút được nhiều người xem và mua sản phẩm bán qua các nền tảng xã hội

Giới thiệu sản phẩm chân thật, thông tin chính xác, bảo đảm chất lượng sản phẩm khi gửi đi là cách để chị Phương Mai thu hút được nhiều người xem và mua sản phẩm bán qua các nền tảng xã hội

Phát huy lợi thế

"Xin chào mọi người, mình là Mai Tây Bắc đây", chị Phạm Thị Phương Mai quê ở xã Đoàn Thượng (Gia Lộc), hiện đang ở huyện Bát Xát (Lào Cai) luôn bắt đầu video clip giới thiệu về ẩm thực, nông sản Tây Bắc bằng câu nói thân thuộc, đã trở thành thương hiệu.

Gia nhập mạng xã hội được 2 năm nay nhưng tốc độ phát triển các kênh trên mạng xã hội của chị Mai rất đáng nể. Fanpage ''Mai Tây Bắc-Mật ong rừng'' hiện có 59.000 người theo dõi, Fanpage ''Mai Tây Bắc'' có 164.000 người theo dõi. Kênh TikTok của chị cũng có 650.500 người theo dõi.

Để có thành công đó, chị Mai phải đã phải trăn trở rất nhiều khi quyết định tham gia bán hàng trên mạng xã hội. Sau khi tốt nghiệp đại học, chị kết hôn với anh Tẩn Tường Nhân, người dân tộc Dao ở huyện Bát Xát và chuyển về quê chồng sinh sống.

Hai vợ chồng chị thường xuyên đi thiện nguyện, giúp đỡ bà con người dân tộc. Trong một lần đi như vậy, thấy bà con vất vả gùi sâm đất từ trên núi xuống nhưng thương lái lại không mua, phải chất đống dưới chân núi, thương người nông dân một nắng hai sương vất vả nên vợ chồng chị đã đăng tải trên mạng xã hội và nhanh chóng tiêu thụ hết sâm cho nông dân.

Nhận thấy việc bán nông sản của người dân vùng cao có thể mang lại thu nhập cho bản thân và tiêu thụ hàng hóa cho nông dân nên vợ chồng chị quyết định đi theo hướng này.

Một video clip của chị Phạm Thị Phương Mai nhận được 12,1 triệu lượt xem

Một video clip của chị Phạm Thị Phương Mai nhận được 12,1 triệu lượt xem

Giữa bối cảnh có nhiều người bán sản phẩm và cách làm tương tự như mình, làm thế nào để khách hàng tin tưởng và thu hút nhiều người đến với các kênh trên mạng xã hội là điều chị Mai luôn suy nghĩ.

Chị Mai chia sẻ: “Khi giới thiệu các mặt hàng, tôi chia sẻ các thông tin chính xác, không thêm thắt, làm quá lên. Khi khách chốt đơn, tôi luôn gửi hàng ngay cho khách, bảo đảm đúng số lượng, không cân thiếu hay sai sản phẩm. Các mặt hàng nông sản đều có giấy kiểm định chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nên người tiêu dùng có thể yên tâm”.

Xem một video clip của TikToker Phạm Mai Hương, ở phường Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương), hiện đang làm việc tại Hà Nội chia sẻ về văn học mới thấy được công sức đầu tư của chị. Theo chia sẻ của chị Hương, để sản xuất một clip như vậy, chị phải lên ý tưởng, kịch bản, bối cảnh và lựa chọn góc quay cho hợp lý. TikTok của chị Hương hiện có 901.400 người theo dõi với 44 triệu lượt thích cho 769 video clip.

Chị Phạm Mai Hương (thứ 3 từ trái sang) chuyên chia sẻ về cách học văn, các tác giả văn chương trên mạng xã hội

Chị Phạm Mai Hương (thứ 3 từ trái sang) chuyên chia sẻ về cách học văn, các tác giả văn chương trên mạng xã hội

Là học sinh chuyên văn của Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi và được giải ba học sinh giỏi văn quốc gia năm 2014, chị Mai Hương đã phát huy sở trường trong việc xây dựng các clip trên mạng xã hội. Tuy vậy, khi thực hiện các clip này, ngoài kiến thức đã có, chị Hương phải tìm hiểu các nguồn tài liệu để có thể đưa ra những clip ngắn ngọn, súc tích nhưng mang lại nhiều thông tin cho khán giả về cách viết văn, thân thế, sự nghiệp hay chỉ đơn giản là bút danh của tác giả.

"Nội dung các clip cũng được thay đổi thường xuyên, song chủ yếu tôi vẫn làm về văn học. Khi lên hình, trang phục, gương mặt cũng phải chỉn chu thì khán giả mới không chán" chị Hương chia sẻ.

Người xem đón nhận

Khi xem video clip của mẹ con cô Lê Thị Cúc ở xã Văn Tố (Tứ Kỳ) trên tài khoản Tiktok "Mẹ con cô Cúc", chị Nguyễn Thị Ly ở phường Việt Hòa (TP Hải Dương) cảm thấy như được truyền thêm năng lượng. Chị Ly chia sẻ, khi xem, nghe những bài hát cô Cúc hát, chị thấy rất thích thú. Tuy giọng hát chưa được hay, cách luyến láy, lên cao, xuống thấp nhiều lúc chưa chuẩn song với một người già, không được đào tạo về âm nhạc và nhất là lại hát nhạc trẻ, sôi động đã rất “đỉnh” rồi.

Chị Phạm Mai Hương luôn chú ý đến hình ảnh, nội dung... ở mỗi video trên Tiktok

Chị Phạm Mai Hương luôn chú ý đến hình ảnh, nội dung... ở mỗi video trên Tiktok

“Tôi cảm thấy được nhiệt huyết, năng lượng vui tươi trong mỗi clip cô Cúc thực hiện. Mỗi khi nghe những bài hát như vậy tôi thấy thích thú, nhiều lúc còn thích nghe hơn là chính ca sĩ của bài hát đó hát. Là người trẻ nhưng tôi và rất nhiều bạn không làm được như cô Cúc”, chị Ly nói.

Đặc điểm chung của những người làm video clip trên mạng xã hội tồn tại được lâu dài, thu hút hàng triệu lượt người thích đó là mang lại những giá trị tích cực. Các clip truyền tải một thông điệp nào đó phù hợp với nhu cầu, mục đích của người xem.

Em Nguyễn Hà Phương ở phường Tân Bình (TP Hải Dương) cho biết, em theo dõi nhiều trang mạng xã hội chia sẻ về văn học nhưng đều không được lâu dài. Có trang thực hiện nội dung đơn điệu, chưa đầu tư nhiều thời gian về hình ảnh và thông tin mang đến chưa nhiều. Tuy nhiên, khi xem những chia sẻ của TikToker Phạm Mai Hương, Phương thấy kiến thức được mở rộng hơn. Những thông tin mang đến ngắn gọn nhưng dễ áp dụng vào việc học văn hoặc chỉ đơn giản là thêm mở mang, hiểu biết về các tác giả văn chương.

Mạng xã hội là nơi để mỗi người thể hiện được "cái tôi" song để có thể tồn tại được lâu dài, những người có hàng triệu lượt thích phải có phong cách riêng và đặc biệt là phải mang được những giá trị thiết thực cho người xem.

THANH HÀ

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/bi-quyet-cua-nhung-tiktoker-facebooker-hot-o-hai-duong-396359.html