Bí quyết đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công
Họp HĐND hàng tháng để điều chỉnh vốn liên tục; cắt vốn của những dự án không đạt tiến độ trong 6 tháng... là cách làm của các tỉnh có tốc độ giải ngân 6 tháng đầu năm tốt.
"Tại sao cùng cơ chế chính sách ấy, có những địa phương đầu tư giải ngân rất tốt, còn nhiều địa phương rất ì ạch?", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt câu hỏi cho các địa phương tại hội nghị về công tác giải ngân vốn đầu tư công.
6 tháng đầu năm, chỉ có 9 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 50%. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có tốc độ giải ngân thấp cần học hỏi kinh nghiệm tốt từ nhóm tỉnh giải ngân thuộc nhóm đầu cả nước như Ninh Bình (79,2%), Tiền Giang (77,3%)...
Chuyển vốn những dự án giải ngân chậm
Tiền Giang là tỉnh có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm thuộc nhóm cao nhất cả nước. Tổng vốn đầu tư công của địa phương này là hơn 5.400 tỷ và đã giải ngân gần 77,3% trong 6 tháng đầu năm.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng, sau nhiều năm khó khăn trong giải ngân, năm 2020, tỉnh chuyển đổi giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản và đặt mục tiêu giải ngân 100% sớm 1 tháng so với kế hoạch được giao.
Từ đầu năm, HĐND tỉnh có nghị quyết ban hành cho UBND tỉnh linh động điều chỉnh vốn các công trình. Đặc biệt, UBND tỉnh quy định đến tháng 6/2020, công trình nào không giải ngân được phải dừng và đề xuất HĐND tỉnh chuyển vốn cho dự án khác. Ngoài ra, tỉnh thành lập 4 tổ công tác do 4 người thuộc Thường trực UBND tỉnh phụ trách để làm việc với các địa phương nhằm giải quyết hồ sơ, thủ tục, hỗ trợ giải phóng mặt bằng.
Về cách thức đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng - vướng mắc lớn trong giải ngân vốn đầu tư công ở nhiều địa phương - Chủ tịch tỉnh UBND Tiền Giang dẫn chứng mô hình đã áp dụng tại cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Chủ tịch tỉnh trực tiếp tiếp công dân giải quyết khiếu nại kết hợp với giải phóng mặt bằng. "Mô hình này đã thành công và giải phóng mặt bằng không có khó khăn như những năm trước", ông Hưởng cho hay.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hiện đạt 59,1% khối lượng thi công, khối lượng thông tuyến đạt 70%. Chủ tịch UBDN tỉnh Tiền Giang cam kết với Thủ tướng đến ngày 31/12 sẽ thông tuyến và ngày 30/4/2021 sẽ bàn giao, đưa vào sử dụng đường cao tốc này như kế hoạch.
Họp HĐND hàng tháng
Ninh Bình là một điển hình về giải ngân vốn đầu tư công nhanh, được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình lấy làm kinh nghiệm cho các địa phương khác. 6 tháng đầu năm, tỉnh này đã giải ngân 79,2% kế hoạch vốn, cũng thuộc nhóm cao nhất cả nước.
Phó chủ tịch UBND Ninh Bình Phạm Quang Ngọc cho biết tỉnh đã giao trách nhiệm cho chủ tịch UBND và bí thư các địa phương phải chịu trách nhiệm về tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Hàng tuần, chủ đầu tư các dự án phải báo cáo tiến độ về UBND tỉnh.
Đặc biệt, địa phương này còn tổ chức họp HĐND mỗi tháng một lần để chuyển vốn từ các công trình giải ngân không hiệu quả sang dự án khác. Bí thư, phó bí thư thường trực tỉnh xuống hỗ trợ chủ tịch các huyện nhằm trực tiếp vận động hệ thống chính trị trong giải phóng mặt bằng.
Thái Bình cũng là tỉnh giải ngân 60,3% kế hoạch, xếp thứ 3 cả nước. Theo Phó chủ tịch Nguyễn Quang Hưng, kinh nghiệm của tỉnh là lập chương trình riêng với những dự án trọng điểm, 2-4 tuần họp một lần, có chi tiết danh mục giải phóng mặt bằng và so sánh với kỳ trước. "Ví dụ, lần họp này so với lần họp trước có giải phóng thêm được hộ nào không và kiểm điểm cơ quan làm chưa tốt", ông Hưng thông tin.
Tại cuộc họp Chính phủ với các địa phương về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng cho biết từ đầu tháng 8, vốn đầu tư ở những nơi không giải ngân được sẽ bị điều chuyển đến các bộ, ngành, địa phương có dự án cấp bách, cần vốn để đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội. Các bộ, ngành địa phương phải báo cáo tiến độ giải ngân 2 tuần/lần để Chính phủ đôn đốc, quản lý.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bi-quyet-day-nhanh-giai-ngan-von-dau-tu-cong-post1107626.html