Bí quyết để có tranh bán chạy

Nếu không có đại dịch Covid-19, triển lãm tác phẩm của các họa sĩ đương đại hàng đầu trên thị trường mỹ thuật do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội) đã được diễn ra sớm và sức lan tỏa lớn.

Nhưng ý nghĩa triển lãm không vì thế mà giảm đi bởi qua lần đầu tiên quy tụ nhiều anh tài hội họa có đời sống sung túc nhờ tác phẩm, dễ nhận ra tính hai mặt của chuyện tranh bán chạy.

Không dễ giàu có nhờ bán tranh

Suốt một thời gian dài do chiến tranh và cơ chế bao cấp đã làm hạn chế chuyện mua bán tranh. Họa sĩ không thiếu, thậm chí rất nhiều bậc thầy như bộ tứ “Nghiêm, Liên, Sáng, Phái”; nhưng vì không có thị trường nên ngoài bán cho bảo tàng, các họa sĩ “bán” tranh ra ngoài bằng cách đổi tranh lấy hàng hóa. Thế nên, mới có quán cà phê tranh của ông Lâm nổi tiếng ở phố Nguyễn Hữu Huân (Hà Nội).

 Bức tranh “Chốn bình yên” của họa sĩ Lê Thanh Sơn tham dự triển lãm. Ảnh Ban tổ chức triển lãm cung cấp.

Bức tranh “Chốn bình yên” của họa sĩ Lê Thanh Sơn tham dự triển lãm. Ảnh Ban tổ chức triển lãm cung cấp.

Bước sang thời kỳ đổi mới, nước ta hội nhập với khu vực và thế giới cộng với đời sống trong nước ngày càng khấm khá, các bức tranh nói riêng và các sản phẩm văn hóa nói chung trở thành hàng hóa, là kênh đầu tư, tạo ra thị trường sôi động. Dòng tranh các họa sĩ tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương, lớp hội họa kháng chiến ở Chiến khu Việt Bắc vẫn được thị trường quốc tế ưa chuộng hơn cả. Nhiều bức tranh của các danh họa Tô Ngọc Vân (1906-1954), Lê Phổ (1907-2001)... được đấu giá thành công, bán được hơn 1 triệu USD (hơn 23 tỷ VND). Kế đến là một số họa sĩ đương đại sáng tác sung sức bắt đầu thời kỳ đổi mới như: Thành Chương, Hồng Việt Dũng, Đặng Xuân Hòa, Lê Thiết Cương, Nguyễn Thanh Bình, Phạm Luận... Họa sĩ nếu thường xuyên bán được tranh sẽ không ít người trở thành những nghệ sĩ giàu có.

Các họa sĩ trẻ hiện nay khó bán tranh hơn và giá thành tác phẩm cũng vừa phải hơn. Nguyên do là khó tạo ra tên tuổi hay sức sáng tạo đủ tầm vóc để bán tranh ở nước ngoài, còn thị trường trong nước thì nhu cầu ổn định, không có chuyện tăng đột biến. Giá giao động cho một bức tranh từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, giá trăm triệu rất hiếm.

Trong giới họa sĩ không dễ để trở thành một tác giả “ăn khách”, có tranh bán chạy. Điều này dẫn đến có những cá nhân được học hành bài bản nhưng do nhiều nguyên nhân sáng tác không thành công, làm nghề mà không một tiếng vang, dẫn đến “chuyển nghề” chép tranh, đạo tranh, làm tranh giả. Vấn nạn vi phạm bản quyền khiến thị trường tranh ở nước ta vốn nhỏ hẹp, lại càng bị méo mó và biến tướng. Các họa sĩ có tài muốn sống nhờ tác phẩm bị vấn nạn vi phạm bản quyền làm cho điêu đứng, giá tranh vì thế càng khó lên cao. Họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng cho rằng: “Chuyện vi phạm bản quyền không thể dẹp bỏ hoàn toàn, nước nào cũng có chuyện không hay này, vấn đề mức độ vi phạm ở nước ta trầm trọng hơn. Để có được thị trường mỹ thuật lành mạnh, cần tất cả các bên chung tay giải quyết. Ở lĩnh vực âm nhạc đã có Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam hoạt động khá hiệu quả, đã đến lúc giới mỹ thuật cần tiến hành lập một trung tâm tương tự để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho những người làm nghề chân chính”.

 Bức tranh “Gia đình nhà chuột” của họa sĩ Thành Chương. Ảnh Ban tổ chức triển lãm cung cấp.

Bức tranh “Gia đình nhà chuột” của họa sĩ Thành Chương. Ảnh Ban tổ chức triển lãm cung cấp.

Sao phải ngại danh xưng “họa sĩ thị trường”?

Tại một buổi họp báo giới thiệu về triển lãm, họa sĩ Vi Kiến Thành, nguyên Cục trưởng Cục Mỹ Thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, đồng thời là giám tuyển triển lãm, tiết lộ chi tiết thú vị. Ban tổ chức ban đầu đã lựa chọn 20 họa sĩ tham gia gửi tác phẩm nhưng cuối cùng có một họa sĩ xin rút. Không chỉ họa sĩ xin rút mà một số họa sĩ dù tham gia triển lãm vẫn có tâm lý ngần ngại sợ bị gọi là “họa sĩ thị trường”.

Dẫu hội họa là một trong những lĩnh vực được “thị trường hóa” sớm nhất nhưng tâm lý của không ít người vẫn xem tác phẩm nghệ thuật là sản phẩm có giá trị tinh thần hơn là giá trị kinh tế. Tác phẩm hội họa bán chạy bị cho là đồng nghĩa với chất lượng nghệ thuật không cao, chạy theo thị hiếu tầm thường, tương tự như nhạc thị trường, truyện ngôn tình, mà không quan tâm tới các tiêu chí về một tác phẩm có chất lượng nghệ thuật tốt; tác giả đó đã có tiếng vang và bán được nhiều tác phẩm cũng như có vị trí trên thị trường mỹ thuật.

Theo tìm hiểu của chính các họa sĩ ăn khách, người dân trong nước thường chọn tranh đơn giản chủ yếu theo lối vẽ hiện thực, ấn tượng, cùng lắm là lập thể, tối giản. Nghĩa là loại tranh mà người xem vẫn có thể hiểu được nội dung bức tranh, còn loại tranh trừu tượng, siêu thực rất kén người mua, chủ yếu là khách nước ngoài yêu thích. Điều này dẫn đến hiện tượng để bán được tranh, các họa sĩ thường vẽ theo lối mòn, đôi khi ít sáng tạo, chủ đề thường lặp đi lặp lại. Vi phạm bản quyền cũng phát triển vì các tranh vẽ theo các trường phái “bình dân” rất dễ nhái theo. Mặt khác, các loại hình thị giác khác như tác phẩm sắp đặt chẳng hạn gần như không chen chân được vào thị trường mỹ thuật, khiến đời sống mỹ thuật kém đa dạng, sôi động, không kích thích nghệ sĩ sáng tạo.

Ở chiều hướng khác, các họa sĩ bán nhiều tranh nhưng vẫn giữ được bản sắc sáng tạo cá nhân, tìm ra được cách thức dung hòa giữa ngôn ngữ hội họa phổ thông và sự điêu luyện trong nghệ thuật. Nhìn những bức tranh lập thể của Thành Chương hay tranh tối giản của Lê Thiết Cương không thể lẫn với bất cứ đồng nghiệp nào. Câu chuyện ở đây là tài năng cá nhân của họa sĩ tìm ra con đường sáng tạo có tính đại chúng nhưng không tầm thường. Một khi đã đạt đến trình độ như trên, danh xưng “họa sĩ thị trường’ là một niềm tự hào.

TRẦN HOÀNG HOÀNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/bi-quyet-de-co-tranh-ban-chay-634178