Bí quyết đổi đời khi XKLĐ

Tốt nghiệp ngành kỹ thuật chế biến món ăn tại Trường Trung cấp Du lịch - Công nghệ số 9 (TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), anh Hoàng Sông Lam (quê huyện Bố Trạch) đã chọn con đường đổi đời bằng xuất khẩu lao động (XKLĐ) và hiện có thu nhập đáng mơ ước tại CHLB Đức.

Lam cho biết sau khi ra trường, anh được tuyển vào làm đầu bếp tại khách sạn Rex ở TP Đồng Hới. Sau 2 năm làm việc tại đây, tháng 12-2022, anh quyết định nộp hồ sơ XKLĐ sang Đức với nghề đầu bếp. Nhờ có sẵn kinh nghiệm và được đào tạo khóa ngắn hạn, anh được một nhà hàng ở TP Frankfurt tuyển dụng làm bếp trưởng với mức lương ban đầu gần 45 triệu đồng/tháng.

"Đây là cơ hội quá tốt đối với tôi và nhiều đồng nghiệp. Bởi lẽ, ngoài thu nhập cao, làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, chúng tôi còn học hỏi được nhiều kiến thức để khi về nước áp dụng vào công việc của mình" - anh Lam bày tỏ.

Các học viên thực hành chế biến món ăn tại Trường Trung cấp Du lịch - Công nghệ số 9 (TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình)

Các học viên thực hành chế biến món ăn tại Trường Trung cấp Du lịch - Công nghệ số 9 (TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình)

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Đông (ở thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) chọn sang Hàn Quốc làm việc với nghề cơ khí. Đông cho biết trước khi đi XKLĐ, anh tham gia một khóa đào tạo nghề cơ khí tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên tỉnh Quảng Bình. Hoàn thành khóa học, anh được giới thiệu đi làm tại một doanh nghiệp ở Ba Đồn.

Hơn 2 năm làm việc, với kinh nghiệm đã tích lũy, Đông được tuyển dụng sang Hàn Quốc khi nộp hồ sơ XKLĐ. Có tay nghề và kinh nghiệm, sau hơn 4 năm làm việc ở Hàn Quốc, thu nhập của anh đã trên 50 triệu đồng/tháng. Đông đã dành dụm tiền gửi về cho gia đình xây một căn nhà khang trang...

Nhiều người ở tỉnh Quảng Bình đang làm việc tại các nước châu Âu cho rằng muốn đổi đời khi XKLĐ thì cần phải chịu khó học nghề từ sơ cấp trở lên. Cộng với kinh nghiệp làm việc, người lao động sẽ dễ dàng được tuyển dụng và có thu nhập cao. Nếu đi XKLĐ mà không có bằng cấp và kinh nghiệm thì mức lương rất bấp bênh.

Theo ông Hoàng Quang Hiệu, Trưởng Khoa Kinh tế - Du lịch Trường Trung cấp Du lịch - Công nghệ số 9, XKLĐ sang Đức và các nước châu Âu với nghề đầu bếp là xu hướng được nhiều học viên lựa chọn. Do vậy, thời gian qua, trường đã tập trung đào tạo các ngành nghề du lịch, nhất là kỹ thuật chế biến món ăn, quản trị khách sạn... Riêng nghề kỹ thuật chế biến món ăn của trường đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt, là nghề trọng điểm cấp độ quốc tế.

Để nâng cao kỹ năng nghề cho học viên, chương trình đào tạo của trường luôn bảo đảm 70% thực hành, 30% lý thuyết. Các phòng thực hành có đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Bà Hoàng Thị Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên tỉnh Quảng Bình, nhận xét trước khi XKLĐ, nhiều người thường bối rối trong việc lựa chọn nghề nghiệp, nhất là đối với các thị trường "khó tính" như châu Âu, Úc, Hàn Quốc... Do vậy, muốn XKLĐ hiệu quả, ngoài việc chọn học nghề tại cơ sở đào tạo có trình độ trung cấp, cao đẳng..., người lao động cần tham gia các lớp định hướng, tư vấn nghề nghiệp, kỹ năng để nắm bắt thông tin thị trường lao động, chọn ngành nghề phù hợp.

"Tấm vé thông hành" giá trị

Theo ông Nguyễn Văn Lượng, với học viên đang học chương trình tuyển dụng đầu bếp tại Đức, những kiến thức được trang bị và kinh nghiệm tích lũy khi làm việc tại Việt Nam là "tấm vé thông hành" giá trị. Đây không chỉ là kỹ năng giúp người lao động đứng vững trong môi trường làm việc năng động, chuyên nghiệp tại Đức mà ở bất kỳ đâu, họ cũng dễ dàng tìm được việc làm đúng chuyên môn.

Bài và ảnh: Hoàng Phúc

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/bi-quyet-doi-doi-khi-xkld-20230831193306892.htm