Bí quyết đưa sản phẩm khởi nghiệp thành sản phẩm thương mại
Nghiên cứu chắc thị trường, hiểu rõ và phát huy được lợi thế cạnh tranh của sản phẩm, 'đánh trúng' thị hiếu người tiêu dùng và phù hợp với văn hóa bản địa là điểm nhận dạng chung của các sản phẩm khởi nghiệp 'xé kén' thành công trở thành sản phẩm thương mại đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu TP. Đà Nẵng.
Những điển hình thành công
Ông Nguyễn Xuân Sơn – Giám đốc Công ty TNHH SX-CB-KD-XNK Hương Quế khởi nghiệp với dự án sản xuất lót giày Hương Quế từ trăn trở làm sao để khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu quế để mọi người có thể sử dụng được dược liệu quí này.
Câu trả lời là phải thông qua sản phẩm tiêu dùng hàng ngày như miếng lót trong giày, dép đi ngày hàng, đai lưng giảm đau, bột quế làm gia vị,… Lúc ấy, trên thị trường đã có những sản phẩm từ quế, như lót giày từ quế, nhưng “không lọt mắt” người tiêu dùng. Làm gì, làm như thế nào để người tiêu dùng chấp nhận sản phẩm của mình, Hương Quế đã khai thác hiệu quả chất lượng hơn hẳn và vượt trội của quế Trà My để nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm tiêu dùng hằng ngày gắn liền với giữ gìn và bảo vệ sức khỏe, thân thiện với môi trường. Chủ động tích cực sáng tạo để đa dạng hóa các sản phẩm, đến nay, Công ty Hương Quế đã có 11 nhóm sản phẩm với nhiều mẫu mã, kiểu dáng, màu sắc khác nhau, phù hợp với thị hiếu, cách mua sắm, tiêu dùng từng độ tuổi, sở thích, giới tính….
“Xây dựng thương hiệu trước hết phải xây dựng chất lượng hàng hóa, uy tín, văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân”, từ tư duy đó, Hương Quế trở thành một thương hiệu uy tín của Đà Nẵng và trên thị trường hàng tiêu dùng cả nước. Sản phẩm Hương Quế hiện đã phủ sóng tới 90% các trung tâm thương mại cả nước như Big C, Coopmart, chuỗi các cửa hàng bán lẻ; đặc biệt là phục vụ các chuỗi hệ thống trong ngành du lịch cả nước nói chung, Đà Nẵng nói riêng.
Từ một đơn vị khởi nghiệp, hiện Hương Quế có tới 2 sản phẩm được công nhận là sản phẩm thương mại đặc trưng của TP. Đà Nẵng và một bộ sản phẩm là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. “Doanh nghiệp được hưởng lợi từ danh hiệu này. Bởi Đà Nẵng là một thương hiệu, một tài sản, một địa chỉ đáng đến và đáng sống. Được công nhận sản phẩm thương mại đặc trưng tức là thành phố công nhận lót giày, dép Hương Quế là một phần giá trị của TP. Đà Nẵng. Danh hiệu này trở thành tấm hộ chiếu cho hành trình phát triển thị trường của Hương Quế xa hơn, rộng hơn”, ông Sơn chia sẻ.
Khởi nghiệp muộn hơn, anh Bùi Thanh Phú - người khởi xướng dự án nước mắm Nam Ô Hương Làng Cổ lại bắt đầu khởi nghiệp khi nhìn thấy thương hiệu nước mắm Nam Ô mai một, sản phẩm không tìm được đầu ra. “Mình mong giữ thương hiệu làng nghề, nuôi “tham vọng” giúp bà con làm giàu từ chính sản phẩm của làng nghề”, anh Phú nói và cho biết, là nghề truyền thống của gia đình nên anh nắm rất kỹ về qui trình, kỹ thuật. Xác định được những điểm yếu của làng nghề, anh Phú bắt đầu nghiên cứu để sản xuất nước mắm ở quy mô lớn, đầu tư bài bản và quản lý có hệ thống, nghiên cứu để đưa ra những mẫu mã sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, nhưng vẫn tuyệt đối trung thành với chất lượng sản phẩm, tính nguyên chất của sản phẩm nước mắm Nam Ô. Ở khâu thương mại hóa sản phẩm, anh Phú tranh thủ mọi phương thức nhưng chú trọng bán hàng qua kênh online.
Đến nay, sản phẩm Hương Làng Cổ đã có mặt tại nhiều cửa hàng bán lẻ, siêu thị đặc sản tại Đà Nẵng, các thành phố lớn và nhiều địa phương trong cả nước. Sản phẩm nước mắm Hương Làng Cổ cũng được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu TP. Đà Nẵng năm 2019.
Họ nói gì về khởi nghiệp?
“Tôi đã dồn tâm huyết, công sức của mình để cùng cộng sự xây dựng lên Hương Quế”, ông Sơn nói về hành trình xây dựng Hương Quế và cho rằng một dự án khởi nghiệp muốn thoát khỏi bóng dáng khởi nghiệp phải thương mại hóa thành công. “Phải đưa ra được ý tưởng - xương sống cho dự án, và phải có nghiên cứu thị trường, xác định lợi thế cạnh tranh của mình. Lợi thế đó có hợp “khẩu vị” tại thị trường triển khai dự án hay không, có phù hợp với văn hóa của người tiêu dùng tại đó hay không”, ông Sơn nói và cho biết thêm, khi đã có sản phẩm rồi thì phải nghĩ đến đa dạng hóa sản phẩm. Sau khi hoạch định chiến lược, lộ trình thì phải kiên định, quyết liệt, tận tâm tận lực, phát huy sức mạnh trí tuệ của Founder và các cộng sự thực hiện chiến lược, lộ trình đó thành công gắn liền với quan điểm đối tác thành công, khách hàng phải được hưởng lợi từ công dụng và hiệu quả của sản phẩm thì mình mới thành công và hiệu quả.
“Nhìn từ Hương Quế, tôi cho rằng quyền lợi hiệu quả của nhà sản xuất phải gắn liền quyền lợi hiệu quả của đối tác, đặc biệt là công dụng, hiệu quả mang lại cho khách hàng. Chúng tôi đã có hàng triệu khách hàng từ cách làm đó, sự gắn kết giữa Hương Quế, đối tác phân phối, người tiêu dùng đã trở thành một chuỗi giá trị không tách rời nhau”, ông Sơn nói.
Ngoài sự nỗ lực tự thân, ông Sơn cho rằng cần có sự hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước thông qua việc cụ thể hóa, hiện thực hóa các chủ trương chính sách hỗ trợ. “Xét cho cùng vai trò của Nhà nước rất quan trọng trong hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp, đặc biệt, ở giai đoạn đầu khởi nghiệp rất quan trọng”, ông Sơn nói.
Còn anh Bùi Thanh Phú cho biết: “Ban đầu khởi nghiệp sẽ có rất nhiều khó khăn, tuy nhiên, tùy theo tình hình mà mình linh hoạt xử lý. Khi khởi nghiệp, bạn phải biết khách hàng cần gì, nhắm đúng đối tượng khách hàng. Cái quan trọng là phải làm thực và có tâm”. Từ bản thân mình, anh Phú khuyến nghị các startup hãy khởi nghiệp với những gì mình nắm kỹ, từ những cái mình biết chắc, làm cho nó khác biệt và phải kiên trì với sự lựa chọn của mình.
Ngày 1/11, tại TP. Đà Nẵng diễn ra Hội nghị triển lãm và khởi nghiệp TP. Đà Nẵng 2019 với chủ đề phát huy nguồn lực địa phương xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Chủ đề năm nay hướng tới thôi thúc khởi nghiệp gắn với nguồn lực, văn hóa bản địa, nét đặc trưng của TP. Đà Nẵng, tìm ra lợi thế cạnh tranh cho khởi nghiệp Đà Nẵng, cũng như thảo luận các giải pháp để các startup thương mại hóa sản phẩm thành công - điểm yếu của nhiều dự án khởi nghiệp Đà Nẵng.