Bí quyết giành điểm cao môn Văn thi tốt nghiệp THPT
Khi làm bài thi môn Ngữ văn, thí sinh phải rèn nhiều kỹ năng từ phân tích đề, viết văn cũng như phân bố thời gian hợp lý để giành điểm cho mình.
Phân bố thời gian hợp lý
Có nhiều năm giảng dạy môn Ngữ văn tại Trường THPT Phan Đình Phùng (Ba Đình, Hà Nội), cô Phạm Thị Hồng Hạnh chia sẻ, trên cơ sở đề minh họa được Bộ GD&ĐT công bố, giáo viên sẽ có những phương pháp ôn luyện sao thật hiệu quả, phù hợp với bố cục 3 phần của đề thi gồm: Đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học.
Đầu tiên, học sinh phải nắm vững kiến thức cơ bản ở trên lớp. Ngay từ năm lớp 10, các em đã được tiếp xúc với dạng bài đọc hiểu, nghị luận xã hội cũng như kỹ năng làm bài về nghị luận văn học. Trong quá trình thi hay kiểm tra, thầy cô luôn luyện cho các em từng phần một để học tới đâu chắc tới đó.
Cô Hạnh lưu ý thí sinh nên biết cách phân bổ thời gian làm bài cho từng phần. Phần đọc hiểu, học sinh nên dành khoảng 20 phút để xử lý. Câu hỏi nhận biết phần này cần trả lời ngắn gọn, đúng trọng tâm, trúng các từ khóa. Câu hỏi thông hiểu đòi hỏi các em phải biết giải thích và hiểu ý nghĩa minh xác của ngữ liệu đã cho.
Ví dụ, đề hỏi về biện pháp tu từ thì thí sinh phải nhận biết được đó là biện pháp tu từ gì, được biểu hiện cụ thể như thế nào và tác dụng của nó ra sao. Những câu hỏi vận dụng và vận dụng cao, học sinh phải biết để hành văn trên cơ sở tư duy mạch lạc, khoa học.
Phần nghị luận xã hội, thí sinh nên làm trong khoảng 25 phút. Các em phải có kỹ năng lập luận, hiểu biết về đời sống thực tế, lấy dẫn chứng mang tính thời sự, mới mẻ và tấm gương điển hình trong xã hội.
Khi viết đoạn văn, học sinh cần sử dụng thao tác lập luận phù hợp với từng kiểu bài về tư tưởng đạo lý, hay hiện tượng trong đời sống. Trong đó có phần giải thích, dẫn chứng, phân tích, bàn luận và bài học nhận thức, hành động cụ thể ra sao. Các em cần sử dụng thao tác lập luận phù hợp với từng kiểu bài.
"Từ các từ khóa chúng ta phải hiểu được ý nghĩa của cả câu nói bằng cách giải thích, phân tích rõ ràng. Các em phải biết chia nhỏ vấn đề để xem xét từng khía cạnh như lợi - hại, tốt - xấu, ủng hộ - phản đối. Sau khi đã phân tích, bàn luận sẽ tìm ra những bài học rút ra từ vấn đề đó và hành động từ bản thân", cô Hạnh chỉ rõ.
Nắm được đặc trưng thể loại
Phần nghị luận văn học, các em phải nắm được nét chính về đặc trưng thể loại (ký, truyện ngắn, thơ, tùy bút...). Thí sinh cần bám vào các hình ảnh, biện pháp tu từ, ý nghĩa biểu tượng của thơ. Sau khi cảm thụ được cái hay cái đẹp của thơ ca, thí sinh phải biết khái quát, tổng hợp và đánh giá để nói lên giá trị của tác phẩm.
Nếu đề thi yêu cầu phân tích một đoạn thơ, học sinh cần phân tích được những giá trị thẩm mỹ và nội dung để làm rõ những thông điệp của tác giả. Với văn xuôi, các em phải nắm được cốt truyện và nhân vật, tình huống truyện. Những câu văn hay, chi tiết tiêu biểu sẽ biểu đạt số phận, cuộc đời, tính cách nhân vật và ý đồ của nhà văn gửi gắm trong tác phẩm.
Sau đó, học sinh cần thể hiện rõ được luận điểm của mình về đoạn thơ/văn xuôi mà đề bài yêu cầu. Các em cần vận dụng kiến thức cơ bản để phân tích một khía cạnh nào đó của chủ thể văn học. Mỗi câu văn, ý thơ thể hiện một đặc điểm riêng. Đặc biệt, thí sinh phải bám sát đề bài chứ không nên phân tích lan man, dễ bị lạc đề.
Bài văn hay trước hết phải đủ ý nhưng phải trọng tâm, sâu sắc và giàu cảm xúc. Phần mở bài không nên giới thiệu quá nhiều về tác giả, các em phải bám vào đoạn trích đề bài ra để viết trúng và đúng. Phần thân bài phải bao gồm các đoạn văn rõ ràng.
Ở câu hỏi dạng vận dụng cao cũng thường không nằm ngoài nội dung ý nghĩa của tác phẩm, thí sinh phải nắm được nội dung tư tưởng, ý đồ nghệ thuật của tác giả.
"Ngoài ra, việc giữ ổn định tâm lý cho học sinh cũng vô cùng quan trọng. Các em cũng nên luyện viết và điều chỉnh tốc độ viết của mình. Một bài văn hay không thể là một bài văn ngắn, các em phải có sự sáng tạo và tính lý luận văn học. Do đó, học sinh cần phân bố thời gian làm bài phải rất khoa học", cô Hồng Hạnh phân tích thêm.
TS Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, toàn thành phố có 109.476 thí sinh đăng ký dự thi. Thành phố dự kiến có 196 Điểm thi. Tổng số phòng thi dự kiến là 5.073 phòng với 4.532 phòng thi chính thức, 392 phòng thi dự phòng và 176 phòng chờ. Sở GD&ĐT Hà Nội dự kiến điều động hơn 16.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác tổ chức coi thi và gần 800 cán bộ chấm thi.