Bí quyết 'Giỏi việc nước - đảm việc nhà' của phụ nữ hiện đại

Trong xã hội hiện đại, phụ nữ không chỉ thể hiện khả năng, bản lĩnh trong công việc mà còn là người 'giữ lửa' hạnh phúc gia đình. Ngọn lửa được 'nhóm' lên và gìn giữ bởi sự khéo léo, dịu dàng và tình yêu thương.

"Tôi thích về nhà hơn ra ngoài"

“Dù biết công việc đôi khi đòi hỏi phải đi ra ngoài nhiều nhưng thực lòng, tôi thích về nhà hơn” - Phó Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Cần Đước, tỉnh Long An - Ngô Thái Hồng Phong chia sẻ.

Sau mỗi ngày làm việc, anh đều muốn được về nhà để nghỉ ngơi và gia đình luôn tạo cho anh cảm giác vui vẻ, ấm áp. Sự nhẹ nhàng của vợ, hồn nhiên của 2 con là điều anh không thể nào tìm được ở bất kỳ nơi nào khác.

“Tôi thấy trong gia đình, vai trò của người phụ nữ rất quan trọng. Sự chu toàn, nhẹ nhàng của người phụ nữ tạo ra nguồn sinh khí cho gia đình. Sự cảm thông, sẻ chia của cô ấy khiến không khí gia đình lúc nào cũng thoải mái, dễ chịu. Các con tôi hay rủ rỉ tâm sự với mẹ mọi chuyện, từ bạn bè đến việc học,...” - anh Phong nói.

“Lúc 3 mẹ con cùng nhau chuẩn bị cơm hay sau bữa ăn tối, tôi và các con thường nói chuyện với nhau. Nghe con kể chuyện trường, lớp cũng vui lắm! Với lại, nhờ vậy, tôi có thể hiểu được con, kịp thời hướng dẫn con cách cư xử, hành động cho phù hợp” - chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết tiếp lời chồng.

Gia đình nhỏ của anh Ngô Thái Hồng Phong và chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết (huyện Cần Đước)

Gia đình nhỏ của anh Ngô Thái Hồng Phong và chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết (huyện Cần Đước)

Quan điểm giáo dục con của anh chị là lắng nghe, chia sẻ và hướng dẫn, đặc biệt là nói không với bạo lực. Anh chị chú trọng giáo dục ý thức trách nhiệm, lòng biết ơn bằng cách dạy con làm một số việc vặt trong nhà. Mỗi khi con sai, chị Tuyết chọn cách khuyên giải nhẹ nhàng khi cả chị và con đều bình tĩnh.

Chị Tuyết chia sẻ: “Khi nóng giận dễ nói những lời không hay nên tôi luôn cố tránh. Nói chuyện lúc bình tĩnh thường hiệu quả hơn. Không chỉ lúc dạy con, đối với ông xã cũng vậy, tôi hạn chế tranh luận khi đang tức giận, điều đó không mang lại lợi ích gì!”.

Việc xây dựng mái ấm gia đình không thể chỉ phụ thuộc vào người phụ nữ, sự đồng hành, yêu thương của chồng cũng là “chất keo” kết dính gia đình. Ở gia đình anh Phong, sinh nhật của các thành viên đều được ghi nhớ và chúc mừng mỗi năm. Chỉ là chiếc bánh kem nhỏ, một đóa hoa tươi, một bữa cơm gia đình ấm áp.

Chị Tuyết nói: “Chưa năm nào anh ấy quên sinh nhật của tôi. Đơn giản là cái bánh kem thôi, tôi cũng vui, cả nhà quây quần cùng nhau, thổi nến và ăn bánh. Các con tôi sẽ mang bánh mời ông bà nội. Tôi rất vui vì điều đó!”. Vì thương vợ vừa “giỏi việc nước”, vừa “đảm việc nhà” nên anh luôn cố gắng chia sẻ việc gia đình để chị Tuyết có thời gian chăm sóc bản thân. Sự yêu thương, chia sẻ tạo nên không khí đầm ấm và hạnh phúc trong gia đình anh chị.

Phụ nữ thời hiện đại

Từ xưa đến nay, giữ cho “trong ấm ngoài êm” luôn ghi dấu vai trò của người phụ nữ (PN). Thời hiện đại, vai trò đó còn đòi hỏi khả năng bắt nhịp, cập nhật kiến thức, kỹ năng của người PN,...

Yêu thương và chia sẻ

“Trong cuộc sống hiện đại, ai cũng chạy theo công việc, cố gắng làm việc để mong muốn có cuộc sống gia đình đầy đủ, hạnh phúc. Tuy nhiên, giữa công việc và gia đình cần phải giữ được cân bằng, có như thế mới xây dựng được cuộc sống gia đình hạnh phúc” - chị Nguyễn Thị Mộng Đào (viên chức Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Truyền thanh huyện Thủ Thừa) chia sẻ. Chị Đào là phóng viên kiêm biên tập viên tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thanh huyện nên thời gian làm việc thường không cố định. Để có sự cân bằng giữa công việc và gia đình, chị phải chủ động để có thể tròn cả việc nhà lẫn việc cơ quan. “Hôm sau có lịch công tác thì tôi dậy sớm để chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà vì cha mẹ chồng tôi lớn tuổi nên một bữa sáng tươm tất sẽ tốt cho sức khỏe của ông bà hơn. Sống cùng cha mẹ nên tôi cố gắng chú trọng lời ăn tiếng nói, đi đâu hay về nhà tôi đều chào cha mẹ, nếu có việc bận không về được vào buổi trưa, tôi cũng đều xin phép cha mẹ trước. Điều đó không chỉ giữ nề nếp gia đình mà còn làm gương cho con về tình cảm gia đình” - chị Đào nói. Sau khi hoàn thành công việc, về nhà, chị thường dành trọn vẹn cho gia đình. Không chỉ quan tâm đến chồng, con, chị còn dành thời gian tâm sự, chuyện trò cùng mẹ chồng. Sự gần gũi đó giúp gắn kết tình cảm gia đình.

Năm 2024, chị Nguyễn Thị Mộng Đào (viên chức Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Truyền thanh huyện Thủ Thừa) được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích tiêu biểu trong Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2024 (Ảnh: Thanh Nga)

Năm 2024, chị Nguyễn Thị Mộng Đào (viên chức Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Truyền thanh huyện Thủ Thừa) được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích tiêu biểu trong Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2024 (Ảnh: Thanh Nga)

Biết rõ công việc khá bận rộn, không thể nào chu toàn mọi việc trong nhà, chị Đào trân trọng sự hỗ trợ, đồng hành của chồng và cha mẹ chồng. Chị Đào khẳng định, nếu không có gia đình bên cạnh, chị khó lòng hoàn thành tốt công việc của mình.

“Mẹ chồng tôi rất hiểu và hỗ trợ tôi trong công việc, nhất là khoảng thời gian tôi học hoàn chỉnh đại học (2016-2021). Do phải làm việc ban ngày ở huyện Thủ Thừa và học buổi tối ở TP.HCM nên hầu như tôi không có nhiều thời gian cho gia đình.

Tất cả mọi việc nhà, chăm sóc con đều do mẹ chồng và chồng tôi đảm nhận. Nếu không có sự thấu hiểu của gia đình thì tôi cũng không thể duy trì công việc đến ngày hôm nay” - chị Đào tâm sự.

Gia đình nhỏ của chị Nguyễn Thị Mộng Đào

Gia đình nhỏ của chị Nguyễn Thị Mộng Đào

Vợ chồng trong quá trình chung sống không thể tránh khỏi những lúc cãi vã. Khi đó, chị Đào dặn lòng nên biết điểm dừng, không đẩy câu chuyện đi quá xa. Biết mình có tính nóng nảy, chị cố gắng sửa chữa từng ngày. Chị Đào trải lòng: “Ông bà ta có dạy: “Chồng giận thì vợ bớt lời. Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê”, vợ chồng không phải sống với nhau một, hai ngày mà phải đi cùng nhau cả đời. Tôi rất biết ơn sự hỗ trợ của gia đình dành cho mình nên cũng cố gắng sửa mình, hoàn thiện bản thân để có thể xây dựng tổ ấm hạnh phúc và bền chắc. Tôi rất yêu nghề và cũng yêu gia đình, cả hai cùng chan hòa để có được tôi của hiện tại”.

Năm 2024, chị Đào được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích tiêu biểu trong Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2024.

Với chị, đó là kết quả quá trình nỗ lực không ngừng của chị và cả gia đình chị. Chính gia đình là chỗ dựa vững vàng để chị có thể yên tâm “giỏi việc nước” và “đảm việc nhà”./.

Quế Lâm

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/bi-quyet-gioi-viec-nuoc-dam-viec-nha-cua-phu-nu-hien-dai-a177944.html