'Bí quyết' giúp Nam Định lọt top đầu tăng trưởng công nghiệp năm 2023
Nằm trong top 10 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp cao nhất cả nước năm 2023, Nam Định đã về đích với mức tăng trưởng hai con số.
Theo số liệu từ Sở Công Thương Nam Định, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2023 của Nam Định ước tăng 14,58% so với năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 14,78%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước và điều hòa không khí tăng 8,42%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,55%; riêng ngành khai khoáng giảm 20,54%.
Một số nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực năm 2023 tăng so với năm trước: Sản phẩm mây tre đan các loại tăng 29,3%; bia hơi tăng 24,6%; vải các loại tăng 19,2%; quần áo may sẵn tăng 13,3%; bánh kẹo các loại tăng 13%; ... Ở chiều ngược lại, một sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước, như: Sợi các loại; khăn các loại; gỗ cưa hoặc xẻ; thuốc dạng lỏng các loại; thụ tùng xe đạp.
Đạt được kết quả trên, bên cạnh sự nỗ lực của chính cộng đồng doanh nghiệp địa phương, cùng đó là kết quả chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp trong nhiều năm qua của Nam Định.
Đầu tiên có thể kể tới những ưu tiên phát triển ngành công nghiệp cơ khí. Với ngành công nghiệp này, Nam Định xác định rõ không gian phát triển tại các khu, cụm công nghiệp được quy hoạch thuộc huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Cùng đó, xây dựng và phát triển Khu kinh tế Ninh Cơ trở thành khu kinh tế trọng điểm của vùng đồng bằng sông Hồng nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng ven biển Nghĩa Hưng, Hải Hậu; gắn với khai thác cảng biển nước sâu khu vực Nghĩa Hưng để thu hút các doanh nghiệp tiềm năng đầu tư các dự án công nghiệp lớn và xanh, trong đó có các dự án công nghiệp cơ khí và sản xuất thép xanh, công nghiệp chế biến chế tạo gắn với bảo vệ môi trường…
Các cấp chính quyền tỉnh Nam Định cũng rất chú trọng thu hút đầu tư dự án công nghiệp công nghệ cao. Theo thống kê, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện có 185 dự án đầu tư thứ cấp của 165 doanh nghiệp, 55 dự án của 51 nhà đầu tư FDI.
Với lợi thế có nguồn lao động trẻ, dồi dào, có tay nghề và trình độ cao, thời gian tới, Nam Định tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp về đầu tư tại các khu công nghiệp của tỉnh.
Với kết tích cực đạt được trong năm vừa qua, năm 2024 được dự báo có nhiều thuận lợi hơn ngành Công Thương Nam Định xác định công nghiệp vẫn là lĩnh vực trọng tâm ưu tiên cho phát triển.
Địa phương tiếp tục triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách, quy định của nhà nước nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai, đầu tư... Tập trung thu hút, phát triển các ngành công nghiệp có công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, phát triển xanh, bền vững, có khả năng đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách của tỉnh địa phương phấn đấu IIP năm 2024 tăng từ 14,5% trở lên so với năm 2023.
Để đạt được mục tiêu này, ngành Công Thương Nam Định tập trung huy động các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa để đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp theo quy hoạch được duyệt. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng một số cụm công nghiệp để thu hút đầu tư thứ cấp vào sản xuất kinh doanh. Thực hiện phân bố không gian phát triển công nghiệp phù hợp theo từng vùng, địa phương... Tiếp tục kêu gọi đầu tư các cụm công nghiệp theo quy hoạch. Tích cực hỗ trợ các dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh, nhất là các dự án của Tập đoàn Xuân Thiện tại huyện Nghĩa Hưng, các dự án của nhà đầu tư tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận, Khu công nghiệp dệt may Rạng Đông,...
Phát triển các ngành công nghiệp có công nghệ hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có khả năng đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách như: Cơ khí chế tạo, sản xuất thiết bị máy móc, lắp ráp ô tô, linh kiện điện tử, chế biến thực phẩm, công nghiệp phụ trợ, hàng tiêu dùng. Tiếp tục khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp thế mạnh sẵn có của địa phương như: Cơ khí sản xuất máy nông nghiệp, máy xây dựng; công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm; sợi, dệt, nhuộm, may thời trang cao cấp.
Thực hiện tốt công tác quy hoạch; củng cố nâng cao chất lượng sản phẩm và hoạt động của làng nghề truyền thống, phát triển làng nghề mới; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sản xuất trong làng nghề di chuyển vào cụm công nghiệp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Phát triển công nghiệp phù hợp với Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư, gắn kết chặt chẽ với quy hoạch phát triển theo ngành từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo phối hợp triển khai đồng bộ theo Luật Quy hoạch.
Chủ động và phối hợp với các ngành, UBND các huyện nắm sát tình hình đầu tư, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, kịp thời đề xuất với tỉnh giải quyết và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất công nghiệp, lưu thông, bảo đảm cân đối cung cầu, đẩy mạnh xuất khẩu.