Bí quyết giúp trẻ khỏe trong mùa cúm cuối năm
Cúm lây qua đường hô hấp, gây sốt, ho, tấn công phổi của trẻ, nhất là khi trẻ thường xuyên đến trường, tiếp xúc nhiều người.
Thời điểm này được coi là giai đoạn chuyển đổi thời tiết ở hầu hết các vùng miền trong cả nước. Thời tiết thay đổi là điều kiện để vi khuẩn, virus gia tăng đặc tính lây nhiễm, khiến nhiều trẻ em dễ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt là cúm mùa.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính hàng năm cúm mùa tấn công 5-10% người lớn và 20-30% trẻ em, gây ra các mức độ bệnh tật, nhập viện và tử vong. Bệnh nặng và tử vong xảy ra chủ yếu ở những nhóm người có nguy cơ cao như trẻ em, người già trên 65 tuổi và người mắc bệnh mạn tính…
Nguyên nhân gây bệnh cúm là gì?
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai, có bốn loại virus được gọi là cúm A, B, C và D. Cúm A và B là nguyên nhân gây ra bệnh theo mùa xảy ra gần như mỗi mùa đông. Cúm loại C thường gây ra bệnh rất nhẹ thường không có triệu chứng. Virus cúm loại D ảnh hưởng đến gia súc và không gây bệnh ở người.
Virus cúm A loại A được phân loại thành các phân nhóm và mỗi phân nhóm được chia thành các chủng. Chỉ có virus cúm A thường gây ra đại dịch .
Các triệu chứng của cúm là gì?
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, cúm có thể gây ra bệnh từ nhẹ đến nặng và đôi khi có thể dẫn đến tử vong. Cúm khác với cảm lạnh. Cúm thường xuất hiện đột ngột. Những người bị cúm thường cảm thấy một số hoặc tất cả các triệu chứng sau:
Sốt hoặc cảm thấy ớn lạnh
Ho
Đau họng
Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi
Đau cơ hoặc cơ thể
Nhức đầu
Mệt mỏi
Một số người có thể bị nôn mửa và tiêu chảy, mặc dù điều này phổ biến ở trẻ em hơn người lớn.
Phương pháp phòng bệnh cúm ở trẻ
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, muốn phòng bệnh cúm ở trẻ hiệu quả cần đảm bảo 3 nguyên tắc sau:
- Cần tiêm vaccine ngừa cúm mỗi năm: Tiêm vaccine là một trong những biện pháp cần làm để phòng bệnh cúm ở trẻ nhỏ. Đây là biện pháp có tác dụng làm giảm độ nặng của bệnh và phòng ngừa biến chứng do cúm gây ra. Không những thế, tiêm vaccine cúm hàng năm còn giúp trẻ được cập nhật các chủng virus cúm đang lưu hành trong thời điểm đó để được bảo vệ một cách đầy đủ nhất.
- Cần xây dựng thói quen tốt trong sinh hoạt hàng ngày
Tránh tiếp xúc gần với người bị bệnh cúm.
Nếu trẻ bị cúm mà bác sĩ chỉ định chỉ cần điều trị tại nhà thì sau khi hết sốt ít nhất 24 giờ nên cho trẻ cách ly tại nhà để tránh tạo điều kiện cho bệnh lây lan.
Nếu trẻ đã lớn, khi trẻ bị ho hoặc hắt hơi, cha mẹ hãy hướng dẫn trẻ che miệng và mũi bằng giấy sau đó cho giấy vào thùng rác.
Thường xuyên dùng xà phòng diệt khuẩn hoặc dung dịch rửa tay có lượng cồn hơn 60 độ để rửa tay.
Tránh đưa tay chạm vào miệng, mũi, mắt vì nó khiến virus dễ lây lan.
Dùng cồn 70 độ để sát trùng các bề mặt vật dụng của trẻ.
- Tuân thủ chỉ định điều trị do bác sĩ đưa ra
Muốn phòng ngừa bệnh cúm ở trẻ gây ra biến chứng nguy hiểm, khi có chỉ định điều trị của bác sĩ cha mẹ cần tuân thủ nghiêm túc. Việc dùng thuốc cho trẻ sẽ được bác sĩ cân nhắc khi cần thiết với mục đích làm giảm triệu chứng, phòng ngừa biến chứng và rút ngắn thời gian nằm viện cho trẻ.
Một số vấn đề cần lưu ý phòng ngừa cúm trở nặng
Nếu chẳng may trẻ bị cúm, cha mẹ cần lưu ý một số điều sau để phòng ngừa bệnh cúm ở trẻ trở nên nặng hơn hoặc biến chứng nguy hiểm:
- Cho trẻ ở phòng riêng để cách ly, tránh làm lây lan bệnh nhưng vẫn cần đảm bảo trẻ được ở trong môi trường thông thoáng, dễ chịu.
- Trong thời gian bị cúm trẻ cần được uống nhiều nước và có chế độ dinh dưỡng đầy đủ với các loại thức ăn dễ tiêu để bổ sung vitamin để hồi phục nhanh hơn.
- Dùng thuốc hạ sốt cho trẻ đúng liều lượng và thời gian quy định: dùng thuốc chứa paracetamol đơn chất, khi trẻ sốt trên 38.5 độ C, cách mỗi 4 - 6 giờ kết hợp chườm ấm. Không được hạ sốt cho trẻ bằng aspirin.
- Không tự ý cho trẻ dùng kháng sinh vì bệnh do virus gây ra nên kháng sinh không có tác dụng, thậm chí còn dẫn đến tình trạng kháng thuốc khiến việc điều trị sau đó gặp phải nhiều khó khăn.
- Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát và tắm bình thường chứ tuyệt đối không nên kiêng tắm.
- Vào mùa lạnh, nếu trẻ bị cúm cần giữ ấm cho trẻ khi ngủ, nhất là lúc nửa đêm đồng thời chú ý lau mồ hôi khi trẻ vã mồ hôi vì lúc này nhiệt độ cơ thể bốc hơi nên gây lạnh, rất dễ dẫn đến viêm đường hô hấp.
- Nếu trẻ bỏ ăn, li bì, quấy khóc nhiều, sốt cao liên tục không hạ dù đã dùng thuốc hạ sốt thì cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị.