'Bí quyết' huấn luyện thông tin liên lạc trên địa bàn sông nước
Huấn luyện những nội dung khó, trên các địa hình phức tạp luôn được cán bộ, chiến sĩ thông tin ở Quân khu 9 thực hiện nhuần nhuyễn, nhằm sẵn sàng bảo đảm thông tin liên lạc (TTLL) phục vụ tác chiến hiệu quả trên địa hình sông nước, nhiều kênh rạch khi có tình huống xảy ra.
Vào những ngày tiết trời miền Tây mưa, nắng thất thường, chúng tôi có dịp chứng kiến quyết tâm bám thao trường, hăng say ôn luyện của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Thông tin 29 (Quân khu 9). Khi khẩu lệnh của tổ trưởng vừa phát ra, những chiến sĩ thông tin hữu tuyến điện nhanh chóng vào vị trí triển khai nhiệm vụ theo nội dung “Tổ dây bọc trong chiến đấu”... Thiếu tá Phạm Hoàng Hiệp, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, cho biết: “Tổ dây bọc trong chiến đấu là một trong những bài huấn luyện trọng tâm của bộ đội thông tin. Đặc thù địa bàn có nhiều kênh, rạch nên trong bài huấn luyện này, yêu cầu đặt ra cho từng chiến sĩ trong tổ phải thuần thục từng động tác cá nhân, biết khi nào áp dụng kỹ thuật mắc cao, mắc thấp, sử dụng các nút cố định trong quá trình ra, thu dây; hoặc khi khắc phục sự cố đứt dây phải đúng yêu cầu kỹ thuật, bảo đảm bí mật, an toàn"...
Để bộ đội thuần thục từng động tác, theo các đồng chí cán bộ Tiểu đoàn 2, trước khi bước vào huấn luyện, đơn vị đã tổ chức quán triệt cho mọi cán bộ, chiến sĩ nắm chắc nội dung, chương trình. Trong quá trình thực hành huấn luyện, ngoài giáo viên lên lớp, cán bộ tiểu đoàn còn thường xuyên theo dõi, kiểm tra chất lượng tiếp thu bài, nắm kiến thức của từng chiến sĩ để phân loại, từ đó có phương pháp kèm cặp, bồi dưỡng thêm. Nhờ thực hiện chặt chẽ, hiệu quả các bước, qua kiểm tra huấn luyện chuyên môn hằng năm, 100% đạt yêu cầu, có hơn 80% khá, giỏi. Riêng các nội dung chuyên ngành đơn vị đều đạt giỏi, bảo đảm TTLL thông suốt.
Huấn luyện TTLL có tính đặc thù, đặc biệt là trên địa hình kênh, rạch như ở Quân khu 9, do vậy các đơn vị luôn xây dựng kế hoạch huấn luyện phù hợp, sát thực tế. Trao đổi với chúng tôi, Đại úy Nguyễn Duy Cường, Đại đội trưởng Đại đội 5, Tiểu đoàn 2 (Lữ đoàn Thông tin 29), cho biết: "Ngoài những nội dung huấn luyện theo kế hoạch, chương trình đề ra, đơn vị thường xuyên tổ chức huấn luyện những nội dung khó, yêu cầu cao, như: “Tổ dây bọc triển khai qua hồ nước”. Ở nội dung này, không chỉ rèn luyện đức tính tỉ mỉ, cẩn thận, tác phong khẩn trương, yêu cầu bắt buộc là chiến sĩ phải biết bơi. Để bộ đội làm chủ sông nước, ngoài thời gian chính khóa, hằng tuần, vào chiều thứ hai và thứ năm, đơn vị tổ chức luyện tập bổ trợ tại hồ bơi của quân khu hoặc tận dụng ao, hồ xung quanh đơn vị. Những buổi huấn luyện sát thực tế, yêu cầu làm chủ địa bàn, chủ động các phương án chiến đấu giúp bộ đội ngày càng nâng cao kỹ, chiến thuật, giỏi về nghiệp vụ, bảo đảm cơ động SSCĐ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao”.
“Kỹ thuật rải dây qua sông, sử dụng phương tiện bổ trợ xuồng, bè” là nội dung huấn luyện thường xuyên của Đại đội Thông tin thuộc Trung đoàn 9 (Sư đoàn 8, Quân khu 9). Thượng úy Thạch Trường An, Đại đội trưởng, chia sẻ: “Đóng quân trên địa hình sông nước, nhiều kênh, rạch; để bảo đảm công tác huấn luyện sát thực tế, giúp người học nhanh chóng tiếp thu, trong quá trình lên lớp, đội ngũ cán bộ các cấp luôn tìm ra những phương pháp giảng dạy phù hợp, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra. Chú trọng huấn luyện cho bộ đội giỏi kỹ thuật, chiến thuật thông tin, ngụy trang, nghi binh phù hợp với địa hình và nhiệm vụ. Nhiều năm qua, công tác huấn luyện, năng lực chỉ huy, tổ chức hiệp đồng, trình độ khai thác, xử lý tình huống trong bảo đảm TTLL của đơn vị luôn được nâng cao. Trên mỗi cương vị công tác, cán bộ, chiến sĩ đều hoàn thành nhiệm vụ ở mức khá trở lên”.
Quyết định đến chất lượng của nội dung huấn luyện “Kỹ thuật rải dây qua sông, sử dụng phương tiện bổ trợ xuồng, bè” là cán bộ, chiến sĩ phải biết bơi xuồng, thành thạo thứ tự lên, xuống xuồng, quay chèo và các hành động trên xuồng. Rải dây trên xuồng đã khó, nhưng việc thu dây cũng không đơn giản. Trung sĩ Nguyễn Trung Trực, Trung đội Hữu tuyến điện, Đại đội Thông tin, Trung đoàn 9, cho biết: “Thu dây gồm nhiều động tác, như cầm đầu càng, tỳ đầu gối hoặc quay tơ. Khi qua sông, tốc độ dòng chảy và thuyền bè qua lại nhiều nên việc rải dây dễ bị lệch hướng. Do vậy các thành viên trong tổ thường phải tập đi, tập lại nhiều lần, đặc biệt là phải giữ được khoảng cách an toàn”.
Trên cơ sở huấn luyện thuần thục vào ban ngày, các đơn vị TTLL ở Quân khu 9 đều coi trọng tổ chức huấn luyện đêm, trong điều kiện ánh sáng, tầm nhìn bị hạn chế. Việc huấn luyện trong đêm tối đòi hỏi sự nỗ lực lớn của mỗi cán bộ, chiến sĩ. Trung bình mỗi năm, bộ đội TTLL ở Quân khu 9 có gần 50 buổi huấn luyện đêm, mỗi buổi khoảng 3 giờ. Binh nhất Nguyễn Thành Được, chiến sĩ Trung đội Hữu tuyến điện, Đại đội Thông tin, Trung đoàn 9, cho biết: “Trong điều kiện đêm tối, trên địa hình sông nước, để thuần thục các động tác thì chúng tôi phải nắm chắc được địa hình, phối hợp nhịp nhàng, không để dây bị rối xoắn, bảo đảm an toàn, bí mật khi tiếp cận mục tiêu”.
Từ sự chủ động trong xây dựng kế hoạch, tổ chức huấn luyện sát thực tế địa bàn với yêu cầu ngày càng cao, cùng với phát huy tốt tinh thần tự giác, tích cực huấn luyện của cán bộ, chiến sĩ, nên những năm qua các đơn vị TTLL của Quân khu 9 đạt kết quả cao trong huấn luyện, nhất là Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Thông tin 29 và Đại đội Thông tin, Trung đoàn 9, Sư đoàn 8. Điều mà chỉ huy các đơn vị TTLL đều tâm đắc là: Khi các chiến sĩ thông tin thường xuyên được huấn luyện trong điều kiện gian khó thì họ sẽ có sự cọ xát, trải nghiệm sát thực tế, để biết sử dụng kỹ, chiến thuật phù hợp và dùng những tần số, chiều cao ăng-ten hay độ dài đường dây sao cho hiệu quả nhất, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ.