Bí quyết luyện gà chọi thành 'chiến binh' cho thu nhập tiền tỷ ở Bến Tre
Không cần nhiều vốn, cũng không cần phải mất quá nhiều thời gian, vậy mà những người dân ở 'vương quốc' gà Chợ Lách lại có thể kiếm tiền tỷ mỗi năm nhờ nghề nuôi gà chọi
Xã Vĩnh Thành nói riêng và ở các xã khác ở huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) từ lâu được người dân ở miền Tây gọi là “vương quốc” gà đá. Địa phương này là nơi sản xuất ra nhiều giống gà cự phách từng xông pha trận mạc trên khắp các trường gà trong nước và ở nước bạn Cam-pu-chia. Nói đến gà ở nơi này, dân chơi gà khắp nơi đều lắc đầu ngao ngán vì gà ở Chợ Lách được mệnh danh “thiên hạ đệ nhất gà”. Nghề nuôi gà ở Chợ Lách được xem là một nghề truyền thống và được đầu tư phát triển. Chính nhờ sự quan tâm này mà thời gian gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn thoát nghèo thậm chí có người còn trở thành tỷ phú làm giàu từ nghề nuôi gà chọi.
Một vốn bốn lời
Dạo quanh các xã trực thuộc huyện Chợ Lách, điều ấn tượng đập vào mắt chúng tôi là các con gà chọi được nhốt trong bội với nhiều màu sắc, chủng loại khác nhau. Trong khuôn viên rộng tầm 50 m2 đan dày các lồng, bội nhốt gà được sắp xếp ngay ngắn, anh Nguyễn Phúc Bình (42 tuổi, ngụ xã Vĩnh Thành) cho biết: “Ngoài nghề trồng cây giống, nghề nuôi gà mấy năm qua được xem là nghề chủ lực trong việc phát triển kinh tế vùng. Bà con tận dụng những khoảng đất trống để nhốt bội nuôi gà giống, coi vậy chứ lãi cao lắm, có thể nói là một vốn bốn lời”. Dù không được gọi là trang trại nhưng kiểu chăn nuôi giản tiện ấy lại mang đến lợi nhuận lớn cho bà con.
Là một trong những xã có số lượng hộ dân nuôi gà chọi nhiều nhất, Vĩnh Bình hiện tại là đầu mối gà lớn thu hút dân chơi gà khắp nơi đổ xô về đây để mua gà về làm giống. Tin lành đồn xa, tự dưng gà chọi ở địa phương này đã trở thành một thương hiệu lớn, gà chọi ở đây có sức khỏe tốt, khả năng chịu đòn cao nên trong các trận chọi gà dễ nắm được phần thắng. Tuy nhiên, theo chia sẻ của anh Bình và nhiều người có thâm niên nuôi gà đá, làm nghề này phải có tay nuôi. “Lúc trước, chưa có kinh nghiệm nên gà thường hay bị bệnh rồi chết, lâu ngày nghề dạy nghề, nói chung là phải “mát tay” mới được”, anh Bình chia sẻ.
Để có được một con gà “cự phách” thì khâu chăm sóc cực kì tỉ mỉ, đó là yếu quyết định đến giá trị của gà. Mỗi sáng thức dậy, dắt gà dạo quanh các bờ cỏ để cho uống sương, tối đến cho ăn lúa ngâm để gà khỏe mạnh, đá “chắc đòn”. Cách một tiếng đồng hồ thì tắm gà bằng cách ngậm nước và phun cho lông ướt đều rồi mang đi phơi nắng. “Lâu lâu, tắm thêm rượu hay nước trà để cho thịt gà đỏ lên tạo sức vóc cần thiết để nghênh chiến đối thủ. Phải thời mình bán được 1 con gà thắng độ có tiếng là xem như bầy gà của mình người ta mua hết sạch với giá cao, sống khỏe lắm. Nhưng nếu đá thua hoài thì giống gà sẽ bị mất tiếng và ế dài dài. Làm nghề này cũng phải nhờ vào chút ít may mắn nhưng quan trọng là phải học cách nuôi gà bình thường thành một chiến binh”, anh Bình tiết lộ.
Nghe danh gà Chợ Lách có tiếng, dân chơi gà nườm nượp kéo đến cố mong tìm một cặp gà ưng ý nhất để làm giống và cũng để lấy tiếng với mọi người. Cũng chính vì vậy mà giá thành gà chọi ở đây “sốt”, có bao nhiêu cũng không đủ bán. Bà con địa phương thấy vậy, cũng dựa vào tiếng tâm và bắt đầu nghề nuôi gà góp phần thúc đẩy làng nghề gà chọi ở địa phương phát triển. “Gà ở Chợ Lách có tiếng lâu rồi, không biết nó ăn gì mà thịt da cứng ngắt, cựa sắt đâm không muốn thủng, các giống gà bình thường luôn bại trận khi đối đầu với giống gà này”, một dân chơi gà chọi ở Thành phố Bến Tre nói.
Hốt bạc tỷ mỗi năm
Dạo quanh các địa bàn thuộc huyện Chợ Lách, không khó để bắt gặp các ngôi nhà khang trang nằm hun hút trong các con hẻm nhỏ. Gần như nhà nào cũng có vài chục con gà chọi được nhốt cẩn thận trong lồng, bội phía sau nhà. Theo sự chỉ dẫn của bà con, chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Út (45 tuổi, Trưởng ấp Phú Hội, xã Vĩnh Thành), một tay nuôi gà “khét tiếng” ở địa phương. “Tôi mê gà từ nhỏ và bắt đầu nuôi số lượng lớn cũng gần 20 năm nay. Tuy nhiên, nuôi chỉ để bán giống chứ chư từng ôm gà đi đá bao giờ”, anh Út mở đầu câu chuyện.
Theo lời anh Út, gà nòi ta có đặc điểm là gà thả vườn nên dễ nuôi nhưng loại gà này hơi chậm chạp, “ra đòn” ít hiểm nên giá không cao bằng các loại gà lai khác. “Sau nhiều năm nuôi gà nòi bán không được giá lắm nên tôi đi học hỏi khắp nơi, cuối cùng tôi quyết định chọn giống gà lai Mỹ hoặc lai Pê-ru và tôi đã thành công với các giống gà này. Loại gà có ưu điểm là đá cao chân lại lì đòn thích hợp cho những cuộc chiến đỉnh cao với giá đặt cược cao ngất ngưỡng. Tuy nhiên, loại gà này rất khó nhân giống và khâu chăm sóc khá cầu kỳ nên rất ít ai thành công với nó. Sau nhiều phen thất bại, tôi cũng có ít vốn liếng về cách chăm sóc cũng như lai tạo giống giới thiệu cho bà con khắp nơi mua về nuôi”, anh Út chia sẻ.
Nói về kỷ thuật nuôi gà độ, anh Út cho hay, con gà trống khoảng từ 9 tháng đến 1 năm tuổi là có thể mang đi úp bội. Mỗi tuần như vậy phải mang đi đá thử một vài lần để gà tập quen dần trước khi bước vào những cuộc “thượng đài” chính thức. Trong quá trình nuôi cần theo dõi sát sao và cho uống thuốc định kỳ phòng ngừa các bệnh như: tụ huyết trùng, cản cúm…. Đặc biệt, muốn gà có sức đề kháng tốt phải cho uống nước suối mỗi ngày. Đến ngày gà “thượng đài” cần phải tẩm bổ bằng các thực phẩm giàu chất đạm như thịt, cá… Khi nhân giống cần phải chọn gà mái chân cao, gà trống lai nhiều để khi nở sẽ có được đàn gà lai đảm bảo yêu cầu cho khách hàng.
Trước đây, người dân ở Chợ Lách chủ yếu phụ thuộc vào kình tế vườn nhưng thời gian gần đây, người ta lấy nghề nuôi gà độ làm nguồn thu nhập chính. Anh Út giải thích: “Nuôi gà đá cần phải biết xem chân chút đỉnh để nhận biết gà nào hay, gà nào dở mà định giá cho tương xứng. Ở địa phương này, con gà độ có màu đẹp, hình dáng cân đối, chân cẳng sạch sẽ có giá tầm 5-7 triệu một con. Thậm chí có các con gà có đặc điểm dị thường như móng cổ, móng cánh… có con bán trên chục triệu đồng. Mỗi năm xuất bội trăm con gà đá kiếm bạc tỷ là chuyện bình thường. Nhiều hộ dân ở đây đã vươn lên thành tỷ phú nhờ nghề nuôi gà đá này”. Căn nhà khang mà anh Út đang sở hữu cũng gom góp bằng tiền bán gà mấy năm trước.
Hiện tại, ở xã Vĩnh Thành người ta còn đang phát triển một giống gà nhỏ con và bán rất chạy, đó là gà che. Loại gà này dễ nuôi, ăn ít nhưng nguồn tiêu thụ khá mạnh nhờ vào hình dáng đẹp, ngoài việc nuôi đá còn có thể nuôi để làm cảnh chơi. Tuy nhiên, các địa phương lân cận đều biết đến Chợ Lách là nơi cung cấp gà nòi có tiếng ở miền Tây và cả miền Đông Nam Bộ. Để gà có giá trị, trong quá trình nuôi cần phải chọn lọc trước lúc đưa vào úp bội. Dân chơi gà chuyên nghiệp thường nhìn vào chân tướng gà để đoán biết được kỷ thuật cũng như khả năng ra đòn khi tác chiến. “Muốn bán được gà chục triệu cần phải tạo được “thương hiệu” cho gà, chấp nhận cho người ta mượn gà đi đá, khi nào thắng độ mới lấy tiền gà. Từ đó danh tiếng của gà sẽ được nâng cao và bán gà rất dễ”, anh Út nói. Theo chia sẻ của một dân chơi gà tên Thức (xã Vĩnh Thành), trước đây địa phương này từng sản sinh ra các “Thần kê” (tức gà đá giỏi) từng đi “chinh phạt” các trường gà. Gà độ ăn tầm 10 độ trở lên có giá bán rất cao, có gà được định giá cả trăm triệu đồng.
Nuôi gà cũng phải có “thời”
“Chơi gà cần phải biết chọn màu để đổ gà cho đẹp. Nếu là gà cú thì phải đổ chân cam, gà khét vàng thì đổ chân trắng, gà chuối thì phải chân xanh… Dân chơi gà sẽ nhìn màu sắc gà tương phản với màu chân để định giá. Nói chung, nuôi gà cũng phải có hiểu biết và phải thật sự đam mê, theo dõi từng ngày để chọn ra những chú “Thần kê” có giá trị. Làm nghề này cũng phải có “thời”, gà thắng độ liên tục thì tha hồ mà bán gà hốt bạc”, Trưởng ấp Nguyễn Văn Út cho biết.