Bí quyết mua ô tô cũ tránh chọn phải xe dịch vụ
Khi mua ô tô đã qua sử dụng, nhiều người tiêu dùng rất lo ngại lựa chọn phải những chiếc xe đã từng kinh doanh vận tải, chẳng hạn như taxi hoặc xe cho thuê tự lái. Xe kinh doanh vận tải hay còn gọi với tên gọi khác là xe chạy dịch vụ, thường có mật độ sử dụng với tần xuất cao, dẫn đến việc các chi tiết trên xe hao mòn nhanh hơn so với xe cá nhân thông thường.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ với độc giả các dấu hiệu nhận biết cơ bản, của những chiếc ô tô cũ đã từng kinh doanh vận tải, giúp bạn tham khảo thêm những thông tin để đưa ra quyết định mua xe một cách thông minh và tránh được những rủi ro không đáng có.
1. Số km đã chạy (Odo)
Dấu hiệu đầu tiên và dễ nhận biết nhất khi đánh giá một chiếc xe cũ, đã từng chạy dịch vụ chính là số km thể hiện trên đồng hồ Odo. Xe dịch vụ thường được sử dụng với tần suất cao, có thể chạy hàng chục ngàn km mỗi năm. Ví dụ, một chiếc xe cá nhân thông thường chỉ chạy khoảng 10.000 đến 15.000 km mỗi năm, trong khi đó xe dịch vụ có thể chạy tới 30.000 đến 50.000 km mỗi năm. Vì vậy, nếu bạn thấy một chiếc xe khoảng 2-3 năm tuổi mà đã chạy trên 100.000 km, có khả năng cao chiếc xe đó từng được dùng làm xe dịch vụ.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng có những trường hợp người bán xe cố tình tua km trên đồng hồ Odo để làm giảm số km thực tế. Do đó, không chỉ dựa vào đồng hồ Odo, mà còn phải xem xét các yếu tố khác để xác định vấn đề này.
2. Nội thất bị hao mòn không đồng đều
Nội thất của xe là một trong những yếu tố phản ánh rõ nhất mức độ sử dụng của xe. Với xe dịch vụ, do phải liên tục chở khách và di chuyển trên quãng đường dài, các chi tiết nội thất sẽ có dấu hiệu hao mòn nhanh hơn và rõ ràng hơn so với xe cá nhân.
Ghế ngồi: Ghế lái và ghế hành khách phía trước là hai vị trí bị ảnh hưởng nhiều nhất do thường xuyên tiếp xúc với người sử dụng. Bạn sẽ thấy các dấu hiệu như ghế bị rách, mòn, lớp da hoặc nỉ bọc ghế bị xuống cấp nhanh chóng. Trái lại, hàng ghế sau của xe dịch vụ thường bị ít hao mòn hơn, vì phần lớn thời gian không có người ngồi. Có những trường hợp chủ xe đã bọc lại da, nỉ, ghế trên xe, các bạn cũng nên tự đặt ra câu hỏi vì sao xe mới chỉ ngần ấy năm tuổi đã phải bọc mới lại?
Vô lăng và cần số: Do được cầm nắm liên tục, vô lăng và cần số của xe dịch vụ thường bị mòn hoặc phai màu nhanh chóng, đặc biệt là ở các điểm tiếp xúc nhiều. Nếu bạn thấy vô lăng bóng nhẵn hoặc cần số có dấu hiệu mòn mà số km lại thấp, điều này có thể là dấu hiệu xe đã bị chỉnh sửa Odo hoặc từng sử dụng cho mục đích dịch vụ.
3. Vết trầy xước và dấu hiệu sửa chữa
Xe dịch vụ thường phải đối mặt với nhiều tình huống giao thông khác nhau, bao gồm cả việc đỗ xe liên tục, dừng đỗ ở những nơi chật hẹp và đối mặt với va chạm nhỏ. Do đó, xe dịch vụ thường có nhiều vết trầy xước, đặc biệt là ở các vị trí như cản trước, cản sau, và mép cửa.
Ngoài ra, nếu xe đã từng sửa chữa, bạn có thể nhận thấy các vết sơn lại không đồng đều, các bộ phận không khớp hoàn hảo hoặc có dấu hiệu bị tháo rời và lắp lại. Việc kiểm tra kỹ càng các bộ phận ngoại thất như đèn, kính xe, cản trước và sau sẽ giúp bạn nhận ra dấu hiệu của xe từng bị va chạm và sửa chữa.
4. Chất lượng lốp và hệ thống treo
Lốp xe cũng là một trong những bộ phận phản ánh mức độ sử dụng của xe. Xe dịch vụ thường chạy nhiều hơn, vì vậy lốp xe sẽ mòn nhanh hơn và có dấu hiệu mòn không đều, đặc biệt là ở hai bánh trước do tải trọng không đồng đều khi xe di chuyển liên tục với nhiều hành khách. Ngoài ra, nếu bạn thấy lốp xe đã bị thay mới hoàn toàn trong khi số km trên đồng hồ vẫn thấp, điều này có thể là dấu hiệu của việc sử dụng xe dịch vụ hoặc người bán cố tình thay lốp để che giấu quá trình sử dụng trước đó.
Hệ thống treo của xe dịch vụ cũng thường bị hao mòn nhanh hơn, do xe phải di chuyển nhiều trên đường. Khi lái thử, bạn nên chú ý đến cảm giác khi đi qua các đoạn đường gồ ghề, nếu hệ thống treo kêu cọt kẹt hoặc lọc xọc quá nhiều, điều này cho thấy một số chi tiết của hệ thống treo đã bị hỏng và xuống cấp.
5. Kiểm tra lịch sử xe
Một cách hiệu quả để nhận biết xe từng chạy dịch vụ là kiểm tra lịch sử bảo dưỡng và vận hành của xe. Nếu có thể, bạn nên yêu cầu người bán cung cấp lịch sử bảo dưỡng từ các trung tâm sửa chữa chính hãng hoặc các xưởng dịch vụ.
Xe dịch vụ thường phải bảo dưỡng thường xuyên hơn so với xe cá nhân, và lịch sử bảo dưỡng sẽ phản ánh điều này. Nếu bạn thấy lịch sử bảo dưỡng ghi nhận các lỗi liên quan đến việc sử dụng xe nhiều, chẳng hạn như thay lốp, sửa chữa hệ thống phanh, thay thế các bộ phận nội thất thường xuyên, đó là dấu hiệu của xe dịch vụ.
6. Số lần sang tên và kiểm tra lịch sử đăng kiểm
Xe dịch vụ thường được sang tên nhiều lần trong một khoảng thời gian ngắn từ 2-4 năm, do trong quãng thời gian này giao bán mất ít giá trị. Việc kiểm tra giấy tờ đăng ký xe sẽ giúp bạn biết được số lần sang tên của xe. Nếu xe có quá nhiều lần sang tên trong một thời gian ngắn, đây là dấu hiệu cần lưu ý vì xe có thể từng chạy dịch vụ hoặc gặp các vấn đề về kỹ thuật.
Khi kiểm tra lịch sử đăng kiểm, bạn sẽ thấy được các mốc thời gian mà xe đã tiến hành đăng kiểm. Nếu chiếc xe cũ bạn muốn mua có lịch sử đăng kiểm đều đặn và thường xuyên, điều này có thể cho thấy xe đã được bảo dưỡng định kỳ theo yêu cầu. Tuy nhiên, xe chạy dịch vụ thường có tần suất đăng kiểm nhiều hơn xe cá nhân do yêu cầu khắt khe hơn về kiểm tra an toàn và chất lượng phương tiện. Ví dụ, xe dịch vụ (như taxi, xe công nghệ) thường phải đăng kiểm 6 tháng một lần, trong khi xe cá nhân chỉ phải đăng kiểm mỗi 12-18 tháng tùy theo tuổi đời của xe.
7. Kiểm tra động cơ
Xe chạy dịch vụ thường có tần suất sử dụng cao hơn rất nhiều so với xe cá nhân, do đó, động cơ cũng bị hao mòn nhanh hơn. Dấu hiệu dễ nhận biết nhất là động cơ phát ra những âm thanh bất thường như tiếng kêu gõ, hoặc tiếng ồn lớn hơn so với xe ít sử dụng. Những âm thanh này thường xuất hiện do các bộ phận bên trong động cơ như piston, xéc măng, bạc đạn bị mòn sau một thời gian dài hoạt động.
Ngoài ra, kiểm tra lượng hơi thổi lên từ nắp đổ dầu động cơ cũng là một phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả để đánh giá tình trạng của động cơ. Khi mở nắp đổ dầu, nếu thấy có nhiều khói hoặc hơi thổi mạnh lên, điều này có thể là dấu hiệu của việc động cơ đã bị mòn nhiều, đặc biệt là do xéc măng không còn khít, gây ra hiện tượng ăn dầu. Khói thổi lên từ nắp đổ dầu là kết quả của dầu bị lọt vào buồng đốt và cháy không hoàn toàn, tạo ra khói. Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy động cơ đã bị hao mòn và có thể cần phải đại tu.
Tuy nhiên, không phải lúc nào hơi thổi lên mạnh cũng là dấu hiệu duy nhất cần xem xét. Nếu hơi thổi yếu hoặc không có dấu hiệu mạnh mẽ, đây cũng là một yếu tố cảnh báo rằng động cơ đã qua sử dụng nhiều. Trong trường hợp này, các chi tiết bên trong động cơ như piston, xéc măng và bạc có thể đã bị giãn nở, hao mòn, mất khả năng làm kín và không còn hoạt động hiệu quả như ban đầu. Hơi thổi yếu cũng có thể là dấu hiệu cho thấy áp suất trong buồng đốt không đủ, do động cơ đã bị suy yếu sau thời gian dài sử dụng.