Bí quyết phát triển vùng trồng dược liệu gắn với du lịch và chữa bệnh cộng đồng
Các sản phẩm làm ra từ dược liệu như cao atiso, cao gắm, trà giảo cổ lam, trà hoa tam thất… là những sản phẩm phục vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng, khi gắn với du lịch sẽ có khả năng để 'đánh thức' và nâng cấp thành sản phẩm OCOP.
Tại chương trình Giao lưu trực tuyến"Khuyến khích tham gia đầu tư phát triển trồng dược liệu tạo ra cây thuốc có giá trị cao hơn" do Báo Sức khỏe và Đời sống mới tổ chức, ThS. Vũ Thị Hồng Nhung - Phó Chủ tịch HĐQT/ Giám đốc Công ty Cổ phần VietRAP Đầu tư Thương mại đã chia sẻ với bạn đọc về hành trình cùng bà con nông dân phát triển vùng dược liệu.
Theo bà Vũ Thị Hồng Nhung, làm nông nghiệp xuất khẩu chưa bao giờ là dễ dàng, trong đó việc phát triển vùng trồng dược liệu lại khó khăn hơn rất nhiều so với vùng trồng nông sản. Do có kinh nghiệm nên việc liên kết chuỗi sản xuất của công ty đã tích lũy được kiến thức nhất định.
Bà Vũ Thị Hồng Nhung cho rằng, ngoài việc hỗ trợ giống, phân bón, vật tư phục vụ công tác trồng, chăm sóc thu hoạch dược liệu cho 3 vụ đầu thì công ty phải tổ chức tập huấn kỹ thuật cũng như làm mẫu các quy trình kỹ thuật cho người dân.
Chính sách của đơn vị để thu hút nhân dân tham gia trồng dược liệu rất cụ thể và thực tế: hỗ trợ 100% giống, phân bón, vật tư 3 vụ đầu; trong quá trình đó tập huấn kỹ thuật và chọn lựa người nhanh nhẹn, hoạt bát, nhận thức tốt đưa về đào tạo tại Hà Nội về công tác quản lý, giám sát, đánh giá kỹ thuật; hỗ trợ kỹ thuật để bà con biết và tự để giống dược liệu.
Sau 3 vụ (thường là 3 năm), người dân đã chủ động tất cả các khâu và doanh nghiệp giảm bớt được rất nhiều gánh nặng, tập trung hỗ trợ các HTX lập xưởng, trang bị thiết bị rửa, thái, sấy để HTX làm chủ khâu sơ chế. Chỉ sau 4 năm xây dựng vùng trồng với chuỗi liên kết từ hộ dân đến HTX thì doanh nghiệp chỉ còn tập trung vào tiêu thụ.
Các công tác thi đua giữa các hộ, các tổ nhóm, các HTX cũng được đầu tư tỉ mỉ thông qua các lễ hội xuống đồng, lễ hội văn hóa tại địa phương để thi đua chọn hộ, chọn tổ nhóm hoặc chọn HTX có thành tích cao để thưởng. Bên cạnh đó còn hướng người dân để họ đạt được mục tiêu ước mơ, khát vọng làm giàu, gắn sức mạnh tập thể mới bền vững, hiệu quả.
Chia sẻ thêm về việc phát triển dược liệu gắn với phát triển du lịch và chữa bệnh tại cộng đồng, bà Vũ Thị Hồng Nhung vui mừng cho hay, với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu trong lành, giàu bản sắc văn hóa, Lào Cai là mảnh đất giàu tiềm năng về du lịch, nhiều địa danh đã xuất hiện trên bản đồ du lịch.
Các sản phẩm dịch vụ gắn với du lịch như mô hình tham quan, trải nghiệm, sản xuất các sản phẩm lưu niệm trên cơ sở nghề truyền thống ngày càng được đầu tư đa dạng. Bắc Hà có vùng trồng dược liệu cát cánh và đương quy hàng trăm ha trải rộng ở các triền đồi và các thung lũng, tạo cho Cao nguyên trắng nét đặc trưng của hoa mận đầu xuân, thêm nét sinh động dịu dàng của màu tím hoa cát cánh kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9, mùi thơm đặc trưng của hoa lá đương quy kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11 làm cảnh sắc của Bắc Hà 4 mùa đều đẹp.
Hơn thế, các sản phẩm làm ra từ dược liệu như cao atiso, cao gắm, trà giảo cổ lam, cát cánh thái lát ngâm mật ong, viên hoàn hà thủ ô, trà hoa tam thất… là những sản phẩm phục vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng, khi gắn với du lịch sẽ có khả năng để "đánh thức" và nâng cấp thành sản phẩm OCOP.
Ngành "công nghiệp không khói" này đã và đang được tỉnh quan tâm, có nhiều chính sách khuyến khích phát triển và có định hướng lâu dài. Việc xây dựng các sản phẩm OCOP về dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng đem lại nhiều lợi ích cho người dân và cộng đồng như khai thác, bảo tồn bản sắc văn hóa, nâng cao thu nhập cho người dân và gắn với phát triển du lịch bền vững trên nền dược liệu sẽ là nền tảng cơ bản của nền kinh tế dược liệu - xu hướng phát triển tất yếu trong tương lai.