Bí quyết sống thọ đậm chất kiếm hiệp của Kim Dung, bất chấp cuộc đời nhiều bất hạnh
Không chỉ để lại cho người đời những tác phẩm kinh điển, 'võ lâm minh chủ' Kim Dung còn có những bí quyết duy trì tuổi thọ độc đáo.
Tuổi thơ của những người thuộc thế hệ 9X, 8X và 7X chắc chắn sẽ không xa lạ với Thiên Long bát bộ, Anh hùng xạ điêu, Thần điêu đại hiệp, Lộc Đỉnh ký... Người đứng sau những cuốn tiểu thuyết kiếm hiệp này không ai khác chính là "Võ lâm minh chủ" Kim Dung.
Các tiểu thuyết của ông được độc giả trên khắp thế giới đón nhận, là nguồn cảm hứng cho vô số tác phẩm điện ảnh, chương trình phát thanh, tạo ra làn sóng văn hóa đặc trưng của Hồng Kông (Trung Quốc) trong nhiều thập niên. Ông nằm trong số những nhà văn Trung Quốc có tác phẩm bán chạy nhất mọi thời đại. Sách của ông đã được in 300 triệu bản.
Sự nghiệp vang danh là vậy nhưng ông lại có cuộc đời khá bất hạnh. Ở tuổi 26, ông mất liên lạc với gia đình. Trước khi dừng chân ở cuộc hôn nhân thứ 3 với một nữ bồi bàn kém mình đến 30 tuổi, ông từng trải qua 2 cuộc hôn nhân đổ vỡ.
Khi kết hôn với người vợ thứ hai, họ có với nhau 4 người con. Song cậu con trai cả của ông đã tự tử khi đang theo học năm nhất đại học ở Mỹ. "Đời sống hôn nhân của tôi có lẽ đã ảnh hưởng đến nó, tôi đã khiến nó thất vọng", Kim Dung sau đó nói.
Dẫu chịu nhiều đau khổ song bằng cách sống lạc quan và tích cực ông vẫn thọ đến năm 94 tuổi. Dưới đây là bí quyết mang đậm tính "kiếm hiệp" giúp ông duy trì sức khỏe dẻo dai.
Bài tập: "Lăng ba vi bộ" để có thể đổ mồ hôi
Mặc dù là tác giả của những "chiêu thức võ thuật" nhưng Kim Dung lại là người không thích thể thao. Nhưng sau ca phẫu thuật tim, ông bắt đầu biến việc tập thể dục trở thành một phần cuộc sống của mình. Ông chọn đi bộ trên đỉnh núi.
Thời gian đầu, ông chỉ đi bộ được 10 phút/ngày. Sau nửa năm, ông đã nâng thời gian tập luyện của mình lên gần 50 phút/ngày. Không đi bộ chậm rãi, ông bước đi nhanh cho đến khi đổ mồ hôi mới thôi. Ông cho rằng phải đi bộ nhanh thân thể sinh nhiệt mới đem lại tác dụng cho cơ thể.
Ông nói đùa rằng: "Tôi đã tự mình luyện tập 'lăng vi bộ' để đạt đến mức hoàn hảo". Lăng vi bộ là một loại võ công thượng thừa xuất hiện trong tiểu thuyết Thiên long bát bộ của ông, dùng thuật khống chế, điều khiển khí để di chuyển với tốc độ kinh ngạc.
Giấc ngủ: "Minh thiên cổ pháp"
Để có được giấc ngủ chất lượng tốt, Kim Dung đã tổng kết một phương pháp ngủ mang tên "Minh thiên cổ pháp".
Theo đó, sau khi lên giường ông sẽ ngồi yên lặng và nhắm mắt. Tiếp theo, ông dùng lòng bàn tay trái che tai trái và dùng lòng bàn tay phải che tai phải; dùng ngón tay vuốt nhẹ phía sau đầu để nghe rõ tiếng vo ve cho đến khi cảm thấy hơi mệt thôi. Sau khi ngừng rung, ông nằm xuống và từ từ áp đầu vào gối. Cuối cùng, ông đặt 2 tay lên bụng một cách tự nhiên và nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.
Chế độ ăn uống: Ăn để sống chứ không phải sống để ăn
Lúc trẻ Kim Dung cho rằng bữa ăn không có thịt thì không vui. Tuy nhiên, trong những năm cuối đời, vì sức khỏe tim mạch, ông đã thay đổi chế độ ăn uống, ăn ít hơn và tinh hơn.
Ông cũng nhận ra rằng: "Người ta ăn vì cuộc sống chứ không phải vì miếng ăn. Ăn càng ít càng ngon, càng ăn nhiều càng thấy kém đi".
Kim Dung là một người thích thường trà, đặc biệt là trà xanh. Trà chứa nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe như vitamin, chất chống oxy hóa, có tác dụng ngăn ngừa bệnh tim mạch, chống bức xạ, làm đẹp da, giúp gan khỏe mạnh, ổn định huyết áp...
Thế nhưng, uống trà cũng nên tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của bản thân. Lá trà thường được chia làm 2 loại: trà đen và trà xanh. Trà đen làm ấm bụng, còn trà xanh có tính lạnh. Vì thế, ai có thể chất hư lạnh không nên uống nhiều trà xanh. Những người hay mất ngủ cũng được khuyến cáo không nên uống trà vào buổi chiều.
Động não: Đánh cờ giúp tăng cường hoạt động não bộ
Kim Dung rất thích đánh cờ vây. Bộ môn này cũng xuất hiện trong rất nhiều tác phẩm của ông như Tiếu ngạo giang hồ hay Thiên long bát bộ. Về cơ bản, đánh cờ chính là một phương pháp dưỡng sinh.
Chơi cờ có thể tăng cường trí não, ngăn ngừa bệnh Alzheimer. Ngoài ra, những thú vui như vẽ tranh, thư pháp, đọc sách... cũng được khuyến khích. Rèn luyện thân thể là việc quan trọng, nhưng tăng cường hoạt động trí óc cũng cần thiết không kém.
Nguồn: Sohu