Bí quyết tạo không gian Tết truyền thống mà hiện đại của vợ chồng trẻ

Xuân về luôn là dịp để vợ chồng Phạm Thiên Hương - Nguyễn Minh Chiến (phường Hải Tân, TP. Hải Dương) mang những luồng gió mới cho không gian Tết mang đậm bản sắc gia đình Việt.

 Gia đình anh chị Phạm Thiên Hương - Nguyễn Minh Chiến

Gia đình anh chị Phạm Thiên Hương - Nguyễn Minh Chiến

Trang trí theo phong cách truyền thống đan xen hiện đại

Tết nguyên đán là thời điểm các gia đình bắt tay dọn dẹp, trang trí và "sưởi ấm" không gian ngôi nhà của mình. Đây là một trong những phong tục truyền thống của người Việt trước thềm năm mới, mang ý nghĩa xua đi mọi điều không may mắn của năm cũ để sẵn sàng cho một năm mới khởi sắc, tốt đẹp hơn.

Thiên Hương cho biết: Không gian Tết được gia đình mình trang trí có sự kết hợp giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại. Gia đình mình chọn hoa lay ơn và hoa cúc vàng để thắp hương trên ban thờ gia tiên, thể hiện lòng biết ơn, sự ngưỡng vọng, tôn kính, thêm một cành đào nhỏ cắm ở lọ lục bình. Mâm ngũ quả với các loại trái cây truyền thống có màu sắc thuộc ngũ hành, mang ý nghĩa tương sinh, thể hiện sự trường cửu, vững mạnh, thịnh vượng và sung túc, tượng trưng cho mong muốn được Ngũ phúc lâm môn (Phú - Quý - Thọ - Khang - Ninh).

Màu đỏ được gia đình mình sử dụng trong ngôi nhà, với mong muốn mang lại sự cát tường và ấm áp. Một bộ tranh xinh xắn mang phong vị Tết vợ chồng mình treo thêm ở phòng khách, kết hợp những dải đèn nháy lung linh. Thêm những chiếc đèn lồng xinh xắn treo trước cửa và trên cây to trong sân nhà.

Sắc đỏ với mong muốn mang lại sự cát tường luôn hiện diện trong không gian tết của gia đình Thiên Hương

Để ngôi nhà trở nên rực rỡ và tràn ngập sắc xuân, gia đình mình thường mua một cành bích đào, một chậu quất bon sai và một chậu hoa phong lan nhỏ để tạo sự hài hòa trong không gian phòng khách. Hai con của mình chọn những phụ kiện cầu may mắn và tài lộc như dây đồng tiền tứ quý, thần tài, may mắn, câu đối nhỏ để trang trí lên cây. Đồ uống, bánh kẹo, các loại hạt, ô mai, đồ ăn handmade cũng được gia đình mình bày biện trên bàn tiếp khách. Gian bếp cũng trang trí một khay quả nhỏ xinh và bình hoa ly tươi tắn. Gia đình mình còn kê thêm một chiếc kệ, phủ khăn đỏ và decor trang trí một góc nho nhỏ với bình hoa tươi cùng một vài quyển sách, làm phong phú thêm không gian phòng khách. Ngoài ra, ở bồn cây trước thềm nhà, gia đình mình còn trồng thêm những khóm cúc vạn thọ, cúc mâm xôi và những bụi hoa đồng tiền nữa.

Những chậu phong lan cũng được Thiên Hương chọn để trang trí từng góc nhỏ trong ngôi nhà.

Những chậu phong lan cũng được Thiên Hương chọn để trang trí từng góc nhỏ trong ngôi nhà.

Chia sẻ về những ý tưởng trang trí không gian ngày Tết, Thiên Hương kể: Mình kế thừa truyền thống gia đình chồng. Bên cạnh đó, mình cũng học hỏi thêm từ bạn bè thân thiết, đồng nghiệp và cả tìm kiếm trên mạng để trang trí ngôi nhà của mình thêm rực rỡ, rộn ràng và ấm cúng hơn.

Sáng tạo với ẩm thực và các hoạt động ngày Tết

Sự sáng tạo trong việc tạo ra thực đơn hấp dẫn hay tổ chức các hoạt động ngày Tết cũng là một trong những cách để người trẻ tạo niềm vui và tận hưởng kỳ nghỉ lễ cùng gia đình trọn vẹn hơn.

Chia sẻ về cách thêm những món ăn phù hợp lối sống hiện đại dịp Tết, Thiên Hương hào hứng: Căn bếp nhà mình trở nên rộn ràng hơn vì ở đó các thành viên cùng nhau sáng tạo những món ngon, mới lạ. Những khoảnh khắc bên người thân này là kỷ niệm đẹp của gia đình mình. Vì vào dịp Tết cả gia đình có những phút giây quây quần, dành cho nhau thời gian trọn vẹn sau một năm vất vả. Gia đình mình ngoài việc làm mâm cỗ Tết thắp hương gia tiên với các món ăn truyền thống, thì cũng sáng tạo những món ăn ưu tiên sở thích của mọi người.

Trước Tết, gia đình mình sẽ sắm sửa những thực phẩm và nguyên liệu cơ bản, phân loại và bảo quản trong tủ lạnh. Trong dịp Tết, vợ chồng mình sẽ hỏi các con món ăn chúng thích để sau đó cả nhà sẽ cùng vào bếp, chế biến và thưởng thức thành quả làm ra như món bít tết, mì Ý lúc lắc phô mai… Các món ăn không cần cầu kỳ, bày biện, nhưng mang lại đầy ắp niềm vui, sự thích thú và tiếng cười của hai con cũng đủ khiến vợ chồng mình "no nê" hạnh phúc rồi.

Công nghệ cũng giúp ích nhiều cho Thiên Hương trong việc cân bằng giữa duy trì hương vị truyền thống và bổ sung các món ăn mới. Nhất là khi cần chuẩn bị nguyên liệu, ý tưởng, công thức để thực hiện những món ăn theo "đơn đặt hàng" của hai con.

Ngày Tết cũng là dịp để vợ chồng Thiên Hương - Minh Chiến cho hai con trải nghiệm các chuyến đi dã ngoại đầu năm.

Ngày Tết cũng là dịp để vợ chồng Thiên Hương - Minh Chiến cho hai con trải nghiệm các chuyến đi dã ngoại đầu năm.

Khi mời bạn bè và họ hàng đến dùng bữa, ngoài mâm cỗ Tết gồm các món truyền thống được duy trì, gia đình Thiên Hương còn mời khách dùng thêm vài món ăn chay để giới thiệu về ẩm thực chay mà gia đình cô vẫn làm trong ngày Tết. Với những "thực khách nhí", Thiên Hương cho biết, cô vẫn thiết kế các món ăn theo sở thích của các con như thịt nướng, mì Ý phô mai, cơm cuộn rong biển, pizza…

Bên cạnh đó, gia đình Thiên Hương cũng không quên tạo một góc nhỏ bày khăn đỏ, lọ hoa, khung ảnh xinh xắn trong phòng khách. Đây là nơi 3 mẹ con cô làm những mẹt đồ handmade điểm xuyết hoa đào, hoa mai để các bạn nhỏ đến chơi bày biện, sáng tạo.

Gia đình nhỏ của Thiên Hương thường đi lễ chùa đầu năm cầu bình an trong năm mới.

Gia đình nhỏ của Thiên Hương thường đi lễ chùa đầu năm cầu bình an trong năm mới.

Thiên Hương kể: Trong những ngày Tết, gia đình mình thường hẹn hò bạn bè tổ chức các chuyến đi dã ngoại, để các bạn nhỏ được trải nghiệm, học hỏi, những chuyến đi lễ chùa đầu năm để cầu bình an, may mắn trong năm mới.

"Cầu nối" gắn kết các thế hệ

"Cách tổ chức Tết kết hợp đan xen giữa yếu tố truyền thống và hiện đại đã giúp các thế hệ trong gia đình mình gắn kết hơn. Bố mẹ mình vui vì các con cháu đã trưởng thành, biết chia sẻ, gia đình vui vẻ, hạnh phúc", Thiên Hương tâm sự.

Tổ chức Tết kết hợp đan xen giữa yếu tố truyền thống và hiện đại giúp gia đình gắn kết hơn.

Tổ chức Tết kết hợp đan xen giữa yếu tố truyền thống và hiện đại giúp gia đình gắn kết hơn.

Cô chia sẻ thêm: Là phụ nữ, người giữ lửa ấm trong nhà, mình vui vì là "cầu nối" giữa các thế hệ. Để đón Tết cổ truyền mang phong vị truyền thống, cùng với sự sáng tạo không gian Tết hiện đại là sự dung hòa, kết nối ông bà - cha mẹ - con cái cùng thấy được niềm vui. Thế hệ trước được tiếp cận, thưởng thức những nét mới trong ẩm thực, trò chơi của lớp trẻ, thế hệ sau được hiểu thêm gốc rễ, ý nghĩa của Tết cổ truyền, truyền thống riêng của gia đình. Qua đó, cả gia đình cảm nhận sâu sắc hơn ý nghĩa của Tết – đó là Tết của gia đình, Tết của tình thân, Tết của nguồn cội, Tết của yêu thương…"

Những ý tưởng nổi bật cho không gian Tết hiện đại có thể tham khảo:

1. Không gian xanh thân thiện với môi trường: Trang trí cây xanh như cây đào, cây mai, cây cảnh mini. Sử dụng vật liệu tự nhiên từ tre, nứa, rơm, lá. Sử dụng màu sắc hài hòa với thiên nhiên.

2. Phong cách tối giản, tinh tế: Trang trí với ít chi tiết, chỉ nên sử dụng vài món đồ nổi bật như bình hoa lớn, đèn lồng hoặc tranh treo nhẹ nhàng. Sử dụng màu sắc tối giản. Ứng dụng ánh sáng đèn LED dây nhỏ tạo không gian ấm cúng.

3. Xu hướng "Retro hiện đại" - Gợi nhớ Tết xưa qua lăng kính mới: Sử dụng họa tiết cổ điển. Đồ vật hoài niệm như bàn gỗ, ấm trà mem hoặc tranh phong cảnh làng quê Việt Nam. Tạo sự tương phản đậm nét khi phối màu sắc.

4. Góc nhỏ handmade: Trang trí theo phong cách riêng bằng những món đồ tự làm như hoa giấy, vải hoặc đồ treo tường từ nguyên liệu tái chế. Tạo góc ký ức bày ảnh gia đình.

5. Điểm nhấn công nghệ: Sử dụng đèn thông minh có thể điều khiển qua app, mang trải nghiệm mới. Dùng tivi hoặc màn hình LED để chiếu hình ảnh hoa mai, pháo hoa. Có thể tích hợp âm thanh bằng loa thông minh để phát nhạc Tết phù hợp.

6. Không gian hòa hợp thiên nhiên: Tạo khu vực sum vầy sân vườn với trang trí đèn dây, bàn tiệc nhỏ ngoài trời. Sử dụng vật liệu phù hợp với thời tiết ngày Tết.

Tuệ Khang - Ảnh: NVCC

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/bi-quyet-tao-khong-gian-tet-truyen-thong-ma-hien-dai-cua-vo-chong-tre-20250116164343626.htm