Bí quyết thành công của những 'thợ săn học bổng'
Sở hữu học bổng danh giá của những trường ĐH hàng đầu thế giới, bí quyết săn học bổng của các sinh viên xuất sắc là lên kế hoạch cụ thể, nỗ lực học tập và tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa
Học bổng 7 tỉ cho nữ sinh xinh đẹp
Với thành tích học tập xuất sắc, Nguyễn Yến Lan (cựu học sinh lớp 12 Anh 1, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam) đã giành được học bổng toàn phần trị giá 7 tỉ đồng của Trường ĐH Pennsylvania (Mỹ) ngành Khoa học nhận thức.
Lên kế hoạch du học ngay từ khi còn nhỏ, vì vậy ngay khi đỗ vào lớp chuyên Anh của Trường trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam, Nguyễn Yến Lan phân chia thời gian cho việc học tập, ôn thi SAT, IELTS và tham gia các hoạt động ngoại khóa phù hợp nhất.
Tháng 3-2019, Yến Lan thi SAT lần đầu và chỉ đạt 1470 điểm. Không hài lòng với mức điểm này, em tiếp tục ôn thi và nâng điểm SAT lên 1540. Lan cũng đạt điểm tuyệt đối 800/800 SAT II và 8.0 IELTS.
Trong đợt tuyển sinh 2020-2021, Yến Lan đã nộp hồ sơ học bổng vào 18 trường đại học. Tháng 4-2021, nữ sinh Hà Nội nhận được trúng tuyển vào ĐH Pennsylvania (UPenn), 1 trong 8 trường thuộc nhóm Ivy League danh giá ở Mỹ, với mức học bổng gần 7 tỉ đồng cho 4 năm đại học. Ngoài ĐH Pennsylvania, Yến Lan được 6 trường khác đồng ý cấp học bổng và gửi thư mời nhập học, trong đó có ĐH Richmond và ĐH Beloit.
Để được ĐH Pennsylvania cấp học bổng không phải điều dễ dàng. Kỳ tuyển sinh năm nay, trường nhận được số hồ sơ đăng ký xét tuyển cao kỷ lục, hơn 56.000. Điều này khiến tỉ lệ thí sinh được chấp nhận ở mức rất thấp, chỉ 5,68%, tức hơn 3.200 sinh viên.
Không chỉ xuất sắc rong suốt quãng thời gian học cấp 3, Yến Lan tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa. Em từng là bí thư chi đoàn, trưởng ban PR Câu lạc bộ Society of Open Science (Câu lạc bộ Khoa học lớn nhất trường), Phó chủ tịch Câu lạc bộ Văn hóa The Intermediaries, thành viên PR Câu lạc bộ Robot GART6520 và Ban Mẫu Câu lạc bộ Thời trang LaMode. Ngoài ra, Lan đã lọt top 20 cuộc thi Đại sứ Ams Ambassador 2020…
Với nữ sinh này, những trải nghiệm, kỹ năng có được từ những hoạt động ngoại khóa đã giúp em rất nhiều trong quá trình đăng kí học bổng cũng như lựa chọn ngành học. Em quyết định chọn ngành Cognitive Science (Khoa học nhận thức), một ngành rất rộng, kết hợp của nhiều ngành gồm Tâm lý học, Triết học, Khoa học máy tính.
Trên thực tế, mỗi trường đều chọn sinh viên theo tiêu chí riêng của mình, không đơn thuần chỉ là điểm số. Tìm hiểu kỹ về trường và viết bài luận cũng như có các hoạt động ngoại khóa phù hợp tiêu chí của trường là cách mà Nguyễn Yến Lan chinh phục các nhà tuyển sinh.
Nuôi giấc mơ du học, giành học bổng 6 tỉ
Cũng giống Nguyễn Yến Lan, Lê Nguyệt Hà, cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội bắt đầu nuôi giấc mơ du học từ khi học lớp 9. Em đặt mục tiêu đỗ vào lớp chuyên Anh của Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam để có nhiều cơ hội hơn cho việc du học, tuy nhiên, mục tiêu ấy không thành.
Dù không đi đỗ vào trường chuyên, nhưng Hà vẫn tiếp tục giấc mơ của mình. Đầu năm lớp 10, em bắt đầu ôn các chứng chỉ và đạt 1440/1600 điểm SAT, 7.0 IELTS. Em thi SAT 2 lần vào tháng 5 và tháng 12-2019 nhưng kết quả cũng không quá cao.
Cố gắng hoàn thành các môn học trên lớp thật tốt để có điểm tổng kết cao, Nguyệt Hà còn tích cực tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa. Bắt đầu từ vị trí thành viên của các câu lạc bộ, Hà tự lập dự án riêng The 80% project (dự án kết nối học sinh để bản thân và các bạn có cơ hội chia sẻ về kế hoạch học tập, du học, thu hẹp khoảng cách giữa học sinh của các trường) và Greeny project (dự án môi trường). Việc tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa giúp Hà tự tin và trưởng thành rất nhiều.
Đầu năm lớp 12, Hà tập trung vào viết luận để nộp hồ sơ vào các trường. Em lên dàn ý chi tiết cho bài luận chính và tùy yêu cầu của mỗi trường để điều chỉnh phù hợp hơn. Nữ sinh thuyết phục ban tuyển sinh bằng chính câu chuyện thực tế của bản thân. Nhờ sự nỗ lực của mình, Hà đã nhận được sự chấp nhận của mười trường ĐH em đã gửi hồ sơ như Beloit College, Depauw University, College of Wooster….
Sau nhiều cân nhắc, Lê Nguyệt Hà chọn ngành Quản trị kinh doanh tại Carnegie Mellon University in Qatar (cơ sở chi nhánh của CMU Mỹ thuộc top 25 NU) với gói học bổng toàn phần và một phần chi phí ăn ở, tổng cộng 264.000 USD (khoảng 6 tỉ đồng).