Bí quyết thi tốt nghiệp THPT của thủ khoa trường 'top'
Lê Phạm Ngọc Lâm – chàng thủ khoa đầu vào của trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) 'bật mí' cách học hiệu quả để đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Với kết quả 28,65 điểm (Toán: 9,6 điểm; Vật lý: 8,75 điểm; Tiếng Anh: 9,8 điểm), Ngọc Lâm là thủ khoa đầu vào của trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội).
Áp dụng phương pháp học đơn giản
Mỗi học sinh đều có mục tiêu về điểm số khác nhau, tuy nhiên đa số hướng đến khoảng 25 - 27 điểm, tức trung bình 8 - 9 điểm/môn. Theo Lâm, để đạt được mức này thì nguyên tắc chung là học thật chắc phần cơ bản. Không nên tham vận dụng cao vì một câu trắc nghiệm, dù là nhận biết hay vận dụng cao thì giá trị đều như nhau. Trong khi đó, dạng bài vận dụng cao lại rất rộng, mất nhiều thời gian ôn mà khó trúng. Phần cơ bản thường bị thí sinh xem nhẹ do tâm lý chủ quan, luôn mặc định đã biết hết và chính vì thế làm mất điểm đáng tiếc.
Khi còn chưa đầy ba tuần nữa đến ngày thi, các sĩ tử nên bắt đầu bước vào luyện đề. Nguồn đề tham khảo hiện nay khá phong phú. Đối với những học sinh không có điều kiện học thêm, Lâm khuyên tìm các điểm thi thử của trường, sở, ưu tiên đề có đáp án chi tiết nhằm có thể đối chiếu sau khi làm xong. Khi mới bắt đầu luyện đề, không cần phải căn thời gian mà có thể từ tốn làm, câu nào chắc câu đấy để quen với phương pháp làm bài. Sau vài đề ôn, tốc độ làm bài sẽ được cải thiện dần dần.
Trong thời gian ôn thi, nếu lỡ gặp phải dạng bài mà quên lý thuyết, đừng ngại mở sách ra đọc lại, vừa đọc lý thuyết vừa làm như vậy giúp cho việc ghi nhớ tốt hơn.
Khi còn khoảng 2 tuần thì bắt đầu luyện đề có bấm thời gian. Nhịp độ luyện đề sẽ dày trong thời gian đầu. Cho đến khi chỉ còn một tuần trước kỳ thi, các sĩ tử nên giảm dần để giữ sức khỏe và tinh thần thoải mái.
Sau khi ôn đề, xem lại đáp án, đánh dấu các câu sau, nhất là những câu sai trong khoảng 8 điểm đầu để xem lại thật kỹ lỗi ở chỗ nào nhằm rút kinh nghiệm. Phần 8 điểm trở lên thì tùy năng lực, nếu ước lượng trình độ có thể làm đến đâu thì chỉ nên xem đến đấy. Thời gian cuối không nên học thêm các dạng bài mới.
"Chiêu" ôn thi các môn đạt hiệu quả
Với môn Toán, hiện nay có khá nhiều phương pháp giải bài trắc nghiệm bằng máy tính. Tuy nhiên, theo chàng thủ khoa ĐH Khoa học Tự nhiên, các học sinh chỉ nên xem các phương án này trong những lúc rảnh rỗi trên tinh thần xem để biết. Không nên lạm dụng máy tính bởi cùng một dạng bài đấy, chỉ cần biến đổi một chút thì cách dùng máy tính hoàn toàn vô dụng. Việc thành thạo phương pháp giải tự luận giúp cho thí sinh thích nghi được những thay đổi trong bài toán.
Về phần ôn tập, vì đây là môn học mang tính tư duy nên cách ôn chỉ đơn giản là luyện tập thật nhiều. Chú ý, trong sách có một số phần ít được để ý đến, như tập xác định, tập giá trị của các hàm, công thức tính chỉnh hợp, tổ hợp, nhị thức Newton, số cạnh, đỉnh, mặt của khối đa diện… Trong quá trình luyện đề cũng như làm bài thi, thí sinh nên chú ý đọc đề cẩn thận vì đề toán thường 'gài bẫy', nếu không chú ý dễ mất điểm đáng tiếc ở phần cơ bản.
Với môn Vật lý, trừ khi tự tin về trí nhớ, học sinh không nên học vẹt nhiều công thức mà hãy học cách biến đổi từ công thức cơ bản ra công thức nhanh. Do vậy, khi thi, nếu chẳng may quên công thức thì còn biết cách biến đổi ra công thức cần. Ngoài ra, thí sinh chú ý đọc sách giáo khoa để giải quyết nhanh các câu lý thuyết, cũng như cố gắng tăng tốc độ giải bài tập để 'đua' thời gian.
Riêng môn Tiếng Anh, để đạt được điểm cao phải nhờ quá trình tích lũy. Ngữ pháp được cho là một phần quan trọng nhưng chiếm tỷ lệ không quá lớn. Thường những học sinh có vốn từ vựng phong phú sẽ có nhiều cơ hội được điểm cao hơn. Các bài đọc yêu cầu về kỹ năng làm bài nên cần phải luyện tập nhiều để tự bản thân rút ra cách làm tốt nhất.
Hiện Ngọc Lâm theo học ngành Vật lý vì đây là môn học yêu thích của cậu. Ngôi trường ĐH Khoa học Tự nhiên được xem là “cái nôi” đào tạo hàng đầu về khoa học cơ bản nên Lâm đã lựa chọn đây là điểm đến của mình để theo đuổi ước mơ tương lai.