Bí quyết xây dựng mối quan hệ gia đình gắn kết

Một trong những 'chìa khóa' để dạy trẻ về lòng nhân ái và biết yêu thương là xây dựng gia đình gắn kết.

Trẻ có mối quan hệ gắn bó an toàn có thể dễ dàng hình thành mối quan hệ lành mạnh.

Trẻ có mối quan hệ gắn bó an toàn có thể dễ dàng hình thành mối quan hệ lành mạnh.

Môi trường gia đình đầy ắp tình yêu sẽ giúp trẻ cảm nhận được tình cảm của mọi người. Từ đó, giúp trẻ biết yêu thương và quan tâm những người xung quanh.

Lợi ích từ tình yêu gia đình

Tình yêu đầu tiên mà mọi người biết thường đến từ mẹ và các thành viên trong gia đình. Tình yêu vô điều kiện này không tìm kiếm bất kỳ sự đáp lại nào. Những khoảnh khắc yêu thương mà trẻ nhớ khi được cha mẹ âu yếm, chơi bóng với anh trai ở sân sau hoặc ăn kem trên phố với bà… không chỉ là những kỷ niệm đáng trân trọng, mà còn đầy ý nghĩa.

Tình yêu gia đình giúp mỗi cá nhân có nền tảng tâm lý vững chắc và tạo nên khuôn khổ cho các mối quan hệ trong tương lai. Tình yêu gia đình giúp chúng ta hình thành các mối quan hệ gắn bó an toàn. Những đứa trẻ gắn bó an toàn sẽ cảm thấy an toàn và được chăm sóc. Nếu có mối quan hệ gắn bó an toàn, thì điều đó đồng nghĩa là một người có cha mẹ đã đáp ứng nhu cầu yêu thương khi họ còn nhỏ.

Việc có mối quan hệ gắn bó tích cực và cảm thấy được những người thân yêu chăm sóc sẽ giúp chúng ta có chức năng xã hội cao hơn sau này. Một đứa trẻ có mối quan hệ gắn bó an toàn cũng có thể dễ dàng hình thành mối quan hệ lành mạnh với người khác khi chúng lớn lên và trong suốt tương lai.

Những lợi ích được đề cập ở trên liên quan đến việc nuôi dưỡng mối quan hệ gắn bó an toàn và chức năng xã hội cao hơn. Đó không phải là những lợi ích duy nhất mà các mối quan hệ gia đình ổn định mang lại. Khi cảm thấy an toàn, được bảo vệ và chăm sóc trong những năm đầu đời quan trọng đó, trẻ sẽ có một khuôn khổ tốt cũng như triển vọng tương lai tươi sáng.

Sống trong môi trường ấm áp được bao quanh bởi tình yêu thương của gia đình mang lại những lợi ích khác cho trẻ. Khi đó, trẻ sẽ tự tin hơn và có lòng tự trọng cao, học được các kỹ năng giải quyết xung đột, cũng như giao tiếp và tương tác xã hội. Những trẻ như vậy cũng có sức khỏe thể chất tốt (nhờ các bữa ăn lành mạnh nấu tại nhà, tập thể dục và vui chơi thường xuyên, đi ngủ sớm).

Trẻ đồng thời trở nên kiên cường và dễ thích nghi hơn khi bản thân và gia đình vượt qua những thách thức. Trẻ sẽ cảm thấy mình có sự hỗ trợ khi cần, thấy ổn định. Những trẻ này không cần phải làm bất cứ điều gì để có được tình yêu thương của gia đình. Bởi, trẻ biết rằng, mình có được điều đó vô điều kiện.

Ngoài ra, những trải nghiệm thời thơ ấu và sự phát triển của trẻ được nhìn nhận theo hướng tích cực, ít có khả năng gặp phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần trong tương lai.

Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2019 cho thấy, những người trưởng thành có mức độ trải nghiệm thời thơ ấu tích cực cao hơn có nguy cơ mắc chứng trầm cảm và/hoặc sức khỏe tâm thần thấp. Họ là người có sự hỗ trợ xã hội và tình cảm nhiều hơn.

Theo các chuyên gia, việc cảm thấy được gia đình yêu thương và có những trải nghiệm thời thơ ấu tuyệt vời khi còn nhỏ là điều vô cùng quan trọng. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, việc tăng cường những trải nghiệm tích cực thời thơ ấu có thể làm giảm các vấn đề sức khỏe tâm thần ở người lớn, ngay cả khi những sự kiện bất lợi thời thơ ấu xảy ra.

Tuy nhiên, thực tế, không phải ai cũng trải qua một tuổi thơ êm đềm và có cha mẹ là hình mẫu tốt. Một số trường hợp có thể đã chọn cách xa lánh gia đình. Hoặc trong những năm sau đó, trẻ thích đi theo một hướng khác, thay vì làm theo kỳ vọng của người thân. Do đó, thay vì căng thẳng và khó chịu, một số người đã chọn cách không dành nhiều thời gian bên gia đình.

Khoảng 27% người Mỹ xa lánh một thành viên gia đình. Đây là kết quả từ cuộc khảo sát trong Dự án hòa giải gia đình, thực hiện cho cuốn sách “Fault Lines: Fractured Families and How to Mend Them”, của nhà xã hội học Karl Pillemer thuộc Đại học Cornell.

 Cha mẹ cũng cần giúp trẻ trở thành người nhạy cảm và biết quan tâm.

Cha mẹ cũng cần giúp trẻ trở thành người nhạy cảm và biết quan tâm.

Đại dịch ảnh hưởng tiêu cực

Trong thời kỳ Covid-19 bùng phát, động lực gia đình thường thay đổi. Không ít người phải thừa nhận rằng, do dành nhiều thời gian cho nhau hơn, các cá nhân đã trở nên thất vọng về nhau.

Một số mối quan hệ trở nên căng thẳng. Không thể đi xem phim hoặc gặp gỡ bạn bè, trẻ thậm chí có thể trở nên bực bội khi anh trai mình bật nhạc quá to. Với những căng thẳng và yêu cầu gia tăng, trẻ có thể cảm thấy mình không nhận được sự thấu hiểu hoặc hỗ trợ cần thiết từ gia đình.

Do đó, trẻ có thể cảm thấy kiệt sức và thành thật mà nói, không còn yêu mến những người này nữa. Nhiều người thú nhận rằng, họ xa lánh các thành viên trong gia đình hơn so với trước khi đại dịch xảy ra, mặc dù cả gia đình vẫn sống chung dưới một mái nhà hoặc trong cùng một tòa chung cư.

Một nghiên cứu do Đại học Penn State thực hiện cho thấy, vì các thành viên trong gia đình ở bên nhau lâu hơn bình thường, nên sức khỏe tổng thể của mọi người bắt đầu bị ảnh hưởng. Trái lại, không ít người sống và làm việc ở xa gia đình. Khi đại dịch bùng phát, họ không thể đi thăm gia đình hoặc có lẽ không thể dành nhiều thời gian cho những người thân yêu. Khi đó, họ có thể cảm thấy tội lỗi.

Những bất đồng về chính trị, đeo khẩu trang và tiêm vắc-xin cũng làm căng thẳng các mối quan hệ gia đình. Có lẽ, một số người cảm thấy mọi thứ sẽ không trở lại như trước đại dịch. Song, các chuyên gia cho rằng, điều đó hoàn toàn bình thường. Do đó, mọi người có thể đối phó với tình trạng các mối quan hệ xa cách và làm hòa thông qua liệu pháp gia đình hoặc cá nhân.

 Việc cảm thấy được gia đình yêu thương và có những trải nghiệm thời thơ ấu tuyệt vời khi còn nhỏ là điều vô cùng quan trọng.

Việc cảm thấy được gia đình yêu thương và có những trải nghiệm thời thơ ấu tuyệt vời khi còn nhỏ là điều vô cùng quan trọng.

Xây dựng tình yêu gia đình với bạn bè

Theo các chuyên gia, nếu không có trải nghiệm gia đình tuyệt vời khi lớn lên, mọi người vẫn có thể xây dựng một môi trường gắn kết, tràn ngập tình yêu thương. Tình yêu gia đình có thể được xây dựng với một nhóm bên ngoài gia đình, chẳng hạn như vòng tròn bạn bè.

Đối với nhiều người, bạn bè thân thiết của họ không chỉ “giống như gia đình”, mà là gia đình. Điều quan trọng là phải có những mối quan hệ gần gũi, có ý nghĩa vì điều đó giúp chúng ta duy trì cuộc sống.

Theo một đánh giá khoa học về khoảng 150 nghiên cứu bao gồm 300.000 người tham gia, những người có mối quan hệ xã hội chặt chẽ có cơ hội sống sót cao hơn 50% so với những người có mối quan hệ yếu hơn. Điều này không liên quan đến tuổi tác, giới tính hoặc tình trạng sức khỏe.

Mặc dù chúng ta có thể duy trì mối quan hệ thông qua tin nhắn hoặc cuộc gọi điện thoại nhanh để hỏi thăm, nhưng các chuyên gia gợi ý, mọi người có thể muốn dành nhiều sự chú ý hơn cho những mối quan hệ quan trọng này trong cuộc sống của mình. Chúng ta cần nhớ rằng, có những mối quan hệ gần gũi này là một khía cạnh quan trọng trong việc xây dựng một sức khỏe tốt.

Để nuôi dưỡng tình yêu gia đình, các chuyên gia gợi ý, mọi người hãy tập trung vào những cách dễ dàng để duy trì mối quan hệ này. Cụ thể, hãy ưu tiên dành thời gian cho những người thân yêu, có thể thường xuyên tham gia trò chơi trực tuyến cùng nhau. Đồng thời, rèn luyện kỹ năng lắng nghe tốt hơn.

Với những người sống xa gia đình, hãy viết thư và gửi qua đường bưu điện, hoặc lên lịch một giờ cuối tuần cố định để trò chuyện lâu dài. Với những người sống gần gia đình, các chuyên gia gợi ý, hãy đến nhà người thân yêu nhiều hơn, ăn cùng nhau, hoặc cùng ấu ăn dù là trực tiếp hay trực tuyến.

Trong khi đó, để trẻ được nuôi dưỡng trong một gia đình đầy ắp tình yêu thương, phụ huynh hãy lên lịch hằng tuần để các thành viên dành thời gian bên nhau. Thậm chí, cha mẹ và trẻ có thể cùng tham gia lớp tập thể dục, làm tình nguyện cho một tổ chức từ thiện.

Cha mẹ cũng cần giúp trẻ trở thành người nhạy cảm và biết quan tâm. Phụ huynh đừng ngại nói với những người thân yêu rằng, mình yêu họ nhường nào. Khi đó, trẻ sẽ biết bày tỏ lòng biết ơn đối với người thân yêu. Điều này không chỉ khiến người xung quanh hạnh phúc, mà còn khiến trẻ nhận được niềm vui.

Cha mẹ và trẻ cũng có thể sử dụng các biểu hiện phi ngôn ngữ như giao tiếp bằng mắt, nụ cười và cái ôm trìu mến. Theo các chuyên gia, cái ôm rất quan trọng trong mối quan hệ gia đình. Trên thực tế, với một cái ôm ấm áp và chào đón, cơ thể sẽ giải phóng hormone oxytocin, giúp làm chậm nhịp tim, giảm căng thẳng và lo lắng. Ngoài ra, não cũng giải phóng endorphin giúp chúng ta tràn ngập cảm giác vui vẻ và hạnh phúc.

Có rất nhiều lợi ích khi các thành viên trong gia đình luôn gắn kết và hỗ trợ nhau. Việc duy trì mối quan hệ gia đình gắn kết là một phần không thể thiếu giúp xây dựng sức khỏe thể chất và tinh thần tốt. Do đó, phụ huynh hãy dạy trẻ tập trung thời gian và sự chú ý của mình vào những người thân yêu.

Theo Very well family

Kim Dung

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bi-quyet-xay-dung-moi-quan-he-gia-dinh-gan-ket-post694429.html