Bị sa thải vì từ chối lời tỏ tình của sếp, tự mang cơm đi làm
Làm việc cho các công ty nhỏ quy mô dưới 5 nhân sự, nhiều người lao động Hàn Quốc phải đối mặt sự bất công, đặc biệt là việc sa thải vô lý.
Gapjil 119 - một nhóm công dân hỗ trợ người lao động ở Hàn Quốc - vừa qua công bố phân tích về 46 trường hợp nhóm này tham vấn trong năm 2023, liên quan đến nhân viên của các doanh nghiệp nhỏ (quy mô dưới 5 nhân sự). Theo đó, 27 trường hợp trong số này được cho bị sa thải vô lý, theo Korea Herald.
Ví dụ, một trường hợp cho biết bị đuổi việc sau khi tự chuẩn bị bữa ăn trưa thay vì ăn cùng đồng nghiệp. Dù lý do là để tiết kiệm tiền ăn trưa, nhân viên này không được cấp trên thông cảm và nhận tuyên bố "hãy rời đi nếu chỉ muốn làm theo ý mình".
Một người khác cho biết đã bị sếp tán tỉnh, tỏ tình. Khi cô từ chối liền bị chấm dứt hợp đồng lao động.
Đạo luật Tiêu chuẩn Lao động của Hàn Quốc quy định các điều kiện làm việc cho người lao động. Tuy nhiên, nhiều điều khoản không áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ có dưới 5 nhân viên, trừ hợp đồng lao động, phiếu lương, mức lương tối thiểu, trợ cấp thôi việc và chế độ nghỉ thai sản.
Ví dụ, Điều 23-1 "quy định người sử dụng lao động không được sa thải, cắt giảm, đình chỉ hoặc chuyển công tác một nhân viên mà không có lý do chính đáng" không áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ dạng này. Tương tự, Điều 28, bao gồm yêu cầu khắc phục hậu quả do sa thải bất công, cũng không được áp dụng.
Điều này có nghĩa là chủ các doanh nghiệp nhỏ không cần giải thích lý do sa thải nhân viên. Họ chỉ phải thông báo trước cho nhân viên về việc chấm dứt hợp đồng, theo Điều 26.
Các doanh nghiệp nhỏ cũng không phải tuân theo các điều khoản pháp lý quy định về giờ làm việc, giờ làm thêm hoặc chế độ nghỉ phép có lương, nghĩa là chủ doanh nghiệp thực hiện những điều này "tùy lương tâm".
Trong một trường hợp khác do Gapjil 119 tiết lộ, một người lao động phải nằm viện 3 ngày do bị thương ở cổ trong khi làm việc. Tuy nhiên, người này lại bị trừ 3 ngày lương vào kỳ lương tiếp theo.
Phân tích của Gapjil 119 cũng cho thấy 38 trong số 46 trường hợp người nhận tham vấn bị bắt nạt hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Nhóm công dân này cho rằng Đạo luật Tiêu chuẩn Lao động Hàn Quốc nên được áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ hơn, để góp phần giải quyết vấn đề bắt nạt tại nơi làm việc và sa thải bất công.