Bị sương mù não hậu Covid-19 có nguy hiểm?

Nhiều người bị mất trí nhớ, khó tập trung, tinh thần sa sút và hay cáu gắt hậu Covid-19. Tình trạng này còn gọi là sương mù não và không giống nhau ở mọi bệnh nhân.

Nếu từng có cảm giác jet lag (rối loạn giấc ngủ tạm thời) hoặc trằn trọc cả đêm trước sự kiện quan trọng nào đó, bạn sẽ hiểu cảm giác của người bị sương mù não hậu Covid-19. Họ luôn trong trạng thái lơ lửng, khó tập trung vào công việc, cáu kỉnh, hay quên hoặc tinh thần sa sút.

Sương mù não (brain fog) là thuật ngữ được sử dụng để mô tả cảm giác mơ hồ về tinh thần, ảnh hưởng theo nhiều cách khác nhau. Theo Huff Post, sương mù não hậu Covid-19 tác động nghiêm trọng tới khả năng suy nghĩ rõ ràng của một người nào đó.

Giới chuyên gia mới bắt đầu hiểu Covid-19 ảnh hưởng não thế nào. Song ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy ngay cả khi nhiễm nCoV nhẹ đến trung bình, virus vẫn gây tổn thương não, kéo theo các vấn đề về trí nhớ, khả năng tập trung, chức năng điều hành của não bộ.

Trong hầu hết trường hợp, sương mù não sẽ biến mất sau vài tuần mà không cần điều trị. Tuy nhiên, một số người phát triển thành bệnh lý mạn tính kéo dài nhiều tháng, thậm chí hàng năm. Covid-19 vẫn là bệnh tương đối mới và tình trạng sương mù não kéo dài bao lâu vẫn là câu hỏi mà các nhà khoa học chưa thể giải đáp.

Nguyên nhân?

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tình trạng sức khỏe, nhiễm trùng là nguyên nhân gây sương mù não. Nhiễm trùng huyết gây những thay đổi viêm trong não, ảnh hưởng chức năng nhận thức và giảm chú ý. Sương mù não cũng là triệu chứng của bệnh Lyme, người mắc ung thư đang hóa trị. Ngay cả một số người bị cúm cũng phát triển tình trạng sương mù não (flu brain).

Theo giáo sư thần kinh học và sinh hóa James Giordano, Trung tâm Y tế Đại học Georgetown, hiện tượng sương mù não hậu Covid-19 rất đặc biệt. Hầu hết sương mù não ở các bệnh khác thường biến mất sau khi họ khỏi bệnh hoặc ngừng điều trị. Tuy nhiên, Covid-19 gây ra hiệu ứng viêm lan rộng và đôi khi kéo dài, dữ dội hơn nhiều. Hậu quả là sương mù não có thể kéo dài trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng.

GS Giordano cho biết nguyên nhân gây sương mù não hậu Covid-19 có thể do tác động viêm kéo dài trực tiếp, gián tiếp lên não. Trong một số trường hợp, nCoV gây chuỗi phản ứng viêm lớn, hàng loạt mô khắp cơ thể bị tổn thương. Nhiều bằng chứng cũng cho thấy virus có thể lây nhiễm trực tiếp vào các tế bào não và xung quanh nó, gây viêm ngay trong chính cơ quan này.

 Sương mù não hậu Covid-19 không chỉ ảnh hưởng người cao tuổi, nhiều bệnh nhân trẻ cũng đang phải đối mặt hội chứng này. Ảnh: Huff Post.

Sương mù não hậu Covid-19 không chỉ ảnh hưởng người cao tuổi, nhiều bệnh nhân trẻ cũng đang phải đối mặt hội chứng này. Ảnh: Huff Post.

Thêm vào đó, ngay cả khi người mắc Covid-19 khỏi bệnh, các phản ứng viêm trong và xung quanh não vẫn còn, kéo theo hàng loạt vấn đề về nhận thức, hành vi, hành động. Một số giả thuyết khác cũng cho rằng tải lượng virus ở mức rất thấp vẫn còn trong cơ thể người khỏi Covid-19. Điều này cũng gây ra hàng loạt triệu chứng kéo dài trong nhiều tuần, nhiều tháng, thậm chí hàng năm.

Ở thời điểm đầu đại dịch, các nhà nghiên cứu nghi ngờ Covid-19 kéo dài chủ yếu là hậu quả của đợt nhiễm trùng nặng. Vào tháng 3, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature cho thấy ngay cả khi mắc bệnh nhẹ đến trung bình, F0 cũng có thể bị tổn thương não và suy giảm nhận thức.

GS Giordano cảnh báo: “Chúng ta đang chứng kiến những thay đổi về viêm trong não. Chúng phá vỡ cấu trúc chức năng của các nút não, mạng lưới đang hoạt động khiến một số nhận thức, hành vi thay đổi”.

Tình trạng sương mù não không giống nhau ở tất cả F0

Nếu có kết quả dương tính với nCoV, nó không đồng nghĩa bạn sẽ gặp phải tình trạng sương mù não. Nhiều người không còn triệu chứng Covid-19 kéo dài sau khi khỏi bệnh. Một số sẽ cải thiện dần theo thời gian. Song, ở nhiều người khác, sương mù não vẫn tồn tại và thậm chí trở thành bệnh mạn tính, suy nhược.

Theo TS Mill Etienne, Đại học New York, Mỹ, đây cũng chính là điều khiến giới khoa học không thể giải mã toàn bộ SARS-CoV-2. Mỗi khi nó xâm nhập một vật chủ nào đó, cách virus ảnh hưởng các cơ quan lại rất khác nhau.

Kết quả là các chuyên gia khó dự đoán ai sẽ là người mắc phải di chứng sương mù não hậu Covid-19. Theo GS Giordano, tuổi tác có thể đóng vai trò nhất định, vì những người lớn tuổi thường có nguy cơ cao gặp vấn đề về nhận thức hậu Covid-19. Song, ngay cả những người trẻ tuổi, khỏe mạnh cũng đang phải vật lộn với tình trạng này.

Chính vì thế, TS Etienne nhấn mạnh: "Bạn không cần mắc bệnh nghiêm trọng vẫn có nguy cơ gặp các triệu chứng Covid-19 kéo dài".

 Ngoài tác động đến sức khỏe, sương mù não còn khiến bệnh nhân Covid-19 thay đổi lối sống hoặc thậm chí mất việc, ảnh hưởng lớn tới kinh tế, xã hội. Ảnh: Freepik.

Ngoài tác động đến sức khỏe, sương mù não còn khiến bệnh nhân Covid-19 thay đổi lối sống hoặc thậm chí mất việc, ảnh hưởng lớn tới kinh tế, xã hội. Ảnh: Freepik.

Ngoài ra, các triệu chứng của sương mù não ở mỗi người cũng khác nhau. Một số cảm thấy mệt mỏi sau khi phải gắng sức về thể chất hoặc tinh thần ở mức độ nhẹ. Nhưng nhiều người không chỉ cảm thấy mệt mỏi. Họ cảm giác như không thể tiếp tục bất kỳ hành động nào, chỉ muốn được nghỉ ngơi.

Sương mù não cũng có thể gây nhiều vấn đề về trí nhớ ngắn hạn, khả năng làm các việc khác nhau cùng lúc. Một số cảm thấy khó tập trung hoặc mất nhiều thời gian hơn để làm các công việc hàng ngày. Số khác gặp vấn đề khi phải phối hợp hoặc cảm xúc không ổn định. Những thay đổi về giác quan, đặc biệt là mùi, vị, cũng được cho là do sương mù não.

TS Etienne thường xuyên điều trị cho những bệnh nhân Covid-19 bị sương mù não. Ông chia sẻ từng chứng kiến nhiều người trưởng thành bất ngờ phải vật lộn với cuộc sống vốn rất ổn vì mất tập trung.

Trong những trường hợp nghiêm trọng, sương mù não có thể khiến họ phải trả giá bằng công việc, cuộc sống trở nên bấp bênh. Dù vậy, hiện tại, chưa có bằng chứng nào cho thấy F0 tử vong vì sương mù não hậu Covid-19.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bi-suong-mu-nao-hau-covid-19-co-nguy-hiem-post1308898.html