Sút cân bất thường, đi khám phát hiện ung thư thận
Sau hội chẩn, bệnh nhân được chỉ định cắt toàn bộ thận, niệu quản trái cùng với lấy bỏ toàn bộ tổ chức mỡ quanh thận, nạo vét hạch điều trị triệt căn.
Vừa qua, các bác sĩ khoa Ngoại thận tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình đã phẫu thuật nội soi cắt thận tận gốc cho bệnh nhân nam, 51 tuổi (Ninh Giang, Hoa lư, Ninh Bình).
Bệnh nhân vẫn khỏe mạnh nhưng sút cân bất thường, không có nguyên nhân (sút khoảng 5kg/tháng) nên đến bệnh viện khám. Kết quả chụp cắt lớp vi tính ổ bụng cho thấy người bệnh có khối u thận trái kích thước 4,5 x 5 cm; chẩn đoán u thận trái.
Sau hội chẩn, bệnh nhân được chỉ định cắt toàn bộ thận, niệu quản trái cùng với lấy bỏ toàn bộ tổ chức mỡ quanh thận, nạo vét hạch điều trị triệt căn.
Ca phẫu thuật thành công, bệnh nhân được rút hết dẫn lưu. 3 ngày sau đó, bệnh nhân có thể đi lại bình thường và được xuất viện sau 5 ngày điều trị.
Ung thư thận nguy hiểm thế nào?
Các bác sĩ khoa Ngoại thận tiết niệu cho biết: Ung thư thận là ung thư có tỷ lệ mắc đứng thứ 9 ở người trưởng thành và đứng thứ 3 trong ung thư hệ tiết niệu (sau ung thư tuyến tiền liệt và ung thư bàng quang) nhưng lại là ung thư có tỷ lệ tử vong cao nhất.
Bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn sớm, đa số các trường hợp ung thư thận được phát hiện tình cờ khi người kiểm tra sức khỏe tổng quát, hoặc khi bệnh đã tiến triển như khi xuất hiện các triệu chứng tiểu ra máu, sờ thấy khối u vùng bụng, gầy sút cân... Chính vì vậy, người dân cần thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ, đồng thời cần có chế độ sinh hoạt lành mạnh, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, tập thể dục thể thao thường xuyên...để phòng tránh bệnh.
Khi có dấu hiệu bất thường, nên thăm khám sớm, để nhận được sự tham vấn của các chuyên gia y tế.
Thói quen tốt cho thận
Để thận luôn hoạt động tốt, giúp bạn duy trì cuộc sống hàng ngày mà không gặp khó khăn, cần xây dựng những thói quen sinh hoạt lành mạnh và quan tâm đến sức khỏe của thận. Dưới đây là một số thói quen tốt cho thận mà bạn nên biết:
Uống đủ nước
Nước đóng vai trò quan trọng trong cơ thể, đặc biệt đối với những người bị thận yếu. Tuy nhiên, không nên uống quá nhiều hoặc quá ít nước. Uống nhiều nước gây áp lực lên thận, trong khi uống quá ít có thể làm tăng nguy cơ thận bị nhiễm độc.
Hãy duy trì việc uống một lượng nước vừa đủ hàng ngày, khoảng 2 - 2,5 lít, tùy thuộc vào sức khỏe và hoạt động của bạn. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo uống lá gì tốt cho thận.
Vận động thường xuyên
Tập thể dục đều đặn giúp cải thiện sức khỏe thận. Thể dục đồng thời tăng cường sức dẻo dai cơ bắp, ổn định huyết áp và hệ miễn dịch. Tuy nhiên, bạn cần lựa chọn bài tập tốt cho thận, phù hợp và duy trì cường độ tập luyện vừa sức.
Giữ cân nặng phù hợp
Giữ cân nặng phù hợp là cách bảo vệ thận khỏi nguy cơ tổn thương. Theo dõi chỉ số khối cơ thể (BMI) và duy trì ở mức bình thường giúp hạn chế áp lực lên thận.
Kiểm soát đường huyết
Người bị tiểu đường hoặc nguy cơ cao cần kiểm soát đường huyết thường xuyên để đảm bảo thận không bị tổn thương. Điều này cũng giúp ngăn ngừa các vấn đề khác liên quan đến sức khỏe.
Theo dõi huyết áp
Kiểm soát huyết áp giúp ngăn ngừa tổn thương thận. Điều này cũng là cách phòng ngừa nhiều tình trạng bệnh khác nhau.
Hạn chế rượu bia, thuốc lá
Uống quá nhiều rượu hoặc hút thuốc lá có thể gây hại cho thận. Giảm tiêu thụ rượu và từ bỏ thuốc lá là cách bảo vệ thận và cả sức khỏe tổng thể. Đặc biệt, những người đang sử dụng các loại thuốc bổ thận tráng dương nên hạn chế bia rượu.