Bị tai nạn nghĩ là 'xoàng', 3 phụ nữ suýt mất chân
Bị tai nạn đứt động mạch khoeo ở chân lúc rửa chén, lau nhà, đi chợ nhưng 3 phụ nữ không biết đến khi sưng phù mới vào viện.
Sáng 15-2, Bệnh viện Bình Dân TP HCM cho hay vừa phẫu thuật nối mạch máu, đặt stent để tái thông mạch máu cứu được chân 3 phụ nữ bị chấn thương trong tai nạn sinh hoạt mà không biết.
Bệnh nhân thứ nhất là bà Đ.T.T (59 tuổi, ở Bình Thuận) bị gãy xương, đứt động mạch do té ghế trong lúc rửa chén. Cú ngã ban đầu tưởng rằng đơn giản nhưng sau đó bà T cảm thấy đau chân và được người nhà đưa đến bệnh viện địa phương.
Tại đây, bà được sơ cứu. Tuy nhiên, tình trạng đau của bà T càng lúc càng tăng nặng, chân phải sưng to và đến lúc "đau không thể chịu nổi nữa" bà T được đưa lên TP HCM để điều trị tiếp. Tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM, bà được phát hiện gãy xương đùi phải phải mổ.
Tiếp đến, bà được đưa tới Bệnh viện Bình Dân để tiếp tục điều trị vì xương gãy đã đâm thủng động mạch khoeo, chỗ rách động mạch tạo túi giả phình làm người bệnh mất máu nhiều, nguy cơ liệt cao do mất máu, thuyên tắc khí.
Trường hợp thứ hai là chị T.N.T (44 tuổi, ngụ Long An) bị sập ổ gà trên đường đi chợ dẫn đến gãy xương, đứt động mạch khoeo.
Đang đi chợ bằng xe máy và bị sập ổ gà, không thấy đau nhiều lúc té. Sau một ngày được chăm sóc tại địa phương, chị T thấy tình trạng đau tăng nặng và được chuyển lên TP HCM phẫu thuật kết hợp xương, nối mạch máu cứu được chân.
Người thứ ba gặp nạn đứt động mạch khoeo là bà N.T.C (63 tuổi, ngụ TP HCM) trượt ngã trong lúc lau sàn nhà nhà. Sau khi lau xong, nghĩ rằng sàn nhà đã khô nên bà bước đi và trượt chân ngã xuống và không thể đứng dậy được nữa.
BSCK2 Hồ Khánh Đức, Trưởng Khoa Phẫu thuật Tim-Mạch máu Bệnh viện Bình Dân, cho biết các tai nạn trong sinh hoạt không chỉ gặp vào dịp Tết mà rải rác trong năm. Có nhiều trường hợp gãy xương, đứt động mạch, chủ yếu là ở vùng đầu gối, chi dưới.
Đáng lưu ý là đa số các trường hợp té ngã đều không nghĩ đến việc mình bị gãy xương, đứt động mạch mà nhầm với một tình trạng đau do chấn thương phần mềm thông thường. Đến khi người bệnh không chịu nổi cảm giác đau nhức, tê, yếu liệt không đi lại được mới đến bệnh viện.