Bí thư Bình Thuận Dương Văn An: Nỗ lực hoàn thành 'đơn đặt hàng' của Thủ tướng
Thủ tướng Chính phủ đặt hàng năm 2025, Bình Thuận sẽ tự chủ ngân sách và tỉnh sẽ nỗ lực đạt được 'đơn hàng' đầy thách thức này.
Năm 2023, quy mô kinh tế của Bình Thuận đạt hơn 100.000ttỉ đồng, tăng trưởng (tổng sản phẩm trên địa bàn) GRDP 8,1%, đứng thứ 14/63 tỉnh, TP và xếp thứ 4/14 địa phương trong khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ, trong khi năm 2022 chỉ xếp thứ 45/63 tỉnh, thành trong cả nước và thứ 10/14 trong khu vực.
Nhân dịp đầu Xuân năm mới 2024, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, về những kết quả mà tỉnh đã đạt được trong năm 2023 và mục tiêu trong năm 2024.
"Ai làm không được thì đứng sang một bên"
. Phóng viên: Điều gì đã làm cho Bình Thuận vươn lên một cách mạnh mẽ, nhanh và đạt được những kết quả ấn tượng như thế, thưa ông?
+ Ông Dương Văn An: Khi xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, chúng tôi đặt ra mục tiêu tăng trưởng GRDP 7,0 - 7,2%. Mục tiêu này được đặt ra dựa trên kết quả của năm 2022, dự báo tình hình thực tế cũng như tác động tích cực và những khó khăn, thách thức.
Trong bối cảnh tăng trưởng GDP năm 2023 của cả nước là 5,05% thì kết quả tăng trưởng 8,1% của Bình Thuận vượt trên mong đợi. Để có được kết quả đó, ngay từ cuối năm 2022, chúng tôi đã xác định phải nỗ lực hết sức, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, phát huy lợi thế, khơi thông các nguồn lực, tăng tốc phát triển để bù lại sự sụt giảm trong những năm trước do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Các chuyến thăm, làm việc, chỉ đạo của Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tạo thêm động lực tinh thần và giúp tỉnh tháo gỡ khó khăn, xây dựng được hướng đi tốt.
Việc đưa vào sử dụng cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây đã giúp rút ngắn thời gian từ Bình Thuận đi các địa phương khác và ngược lại, từ đó, nhiều nhà đầu tư đã chọn Bình Thuận để đầu tư các dự án quy mô lớn, Bình Thuận trở thành địa bàn hấp dẫn đầu tư, tăng trưởng đầu tư xã hội trên 14%.
Về phía tỉnh, ngay từ đầu năm đã sớm phê duyệt Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất, tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Đặc biệt, việc chủ động đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia “Bình Thuận - Hội tụ xanh” với hơn 100 hoạt động, sự kiện sôi động, hấp dẫn, mới lạ đã thúc đẩy du lịch tăng trưởng mạnh mẽ.
. Trong các báo cáo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đều đề cập đến tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, sợ trách nhiệm trong công tác, làm ảnh hưởng đến công việc chung, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Vậy tỉnh đã khắc phục tình trạng này như thế nào?
+ Tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức không phải chỉ diễn ra ở tỉnh Bình Thuận, mà còn diễn ra ở rất nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương trong cả nước. Tôi cho rằng đây là một trong những nguyên nhân chính cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tỉnh nhận thấy, cần phải ưu tiên khắc phục tình trạng này, nếu không sẽ chậm chân và bỏ lỡ thời cơ phát triển. Tuy nhiên, vấn đề này không thể khắc phục trong thời gian ngắn, do đó chúng tôi từng bước cải thiện tình hình thông qua ba nhóm giải pháp trọng tâm.
Trước hết, tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định, cần phải dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, trong đó phải luôn đặt lợi ích chung, sự phát triển của địa phương lên trên hết và trước hết. Chúng tôi đã dành nhiều thời gian để cùng các cơ quan Nhà nước bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết các công việc còn tồn đọng hoặc những bất cập giữa chủ trương và thực tế, giữa giai đoạn trước và hiện tại...
Từ đó, tạo thêm niềm tin, “chỗ dựa” cho UBND tỉnh, các cơ quan, ban, ngành cũng như cán bộ trong tham mưu, đề xuất giải quyết công việc.
Kế đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức đợt sinh hoạt “Giữ trọn lời thề đảng viên” để mỗi cán bộ, đảng viên soi rọi lại xem mình đã làm được những gì cho dân, từ đó gìn giữ, trui rèn và cố gắng làm việc tốt hơn.
Đợt sinh hoạt đã tạo được những chuyển biến tích cực về ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân; đồng thời góp phần phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Cùng với việc động viên, khích lệ cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thời gian qua cũng rất kiên quyết trong điều chuyển, bố trí công tác khác với một số cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, làm việc không hiệu quả, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh: “Ai làm không được thì thì đứng sang một bên cho người khác làm”.
"Đơn đặt hàng" của Thủ tướng
. Năm 2024, dự kiến Bình Thuận sẽ triển khai các dự án lớn như như Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1, Sơn Mỹ 2, kho cảng khí LNG Sơn Mỹ, nhà máy điện khí LNG... Cùng với quyết tâm xây dựng tỉnh mạnh về kinh tế biển, năng lượng và du lịch, Bình Thuận đã chuẩn bị gì để nâng quy mô kinh tế lớn hơn và thực hiện đơn “đặt hàng” của Thủ tướng là tự chủ ngân sách vào năm 2025?
+ Tỉnh Bình Thuận có rất nhiều tiềm năng, dư địa phát triển. Chúng tôi đặt ra mục tiêu đưa tỉnh Bình Thuận phát triển mạnh về kinh tế biển, năng lượng và du lịch dựa trên 3 trụ cột là công nghiệp, du lịch, nông nghiệp.
Việc nâng quy mô kinh tế của tỉnh lớn hơn và tự chủ ngân sách đòi hỏi tốc độ tăng trưởng GRDP cao và chúng tôi đã đặt ra chỉ tiêu 8,0 - 8,5%, đồng thời huy động GRDP vào thu ngân sách cũng phải cao hơn. Hiện nay, chúng tôi đã xây dựng được nền móng cơ bản để đạt được kết quả đó.
Cụ thể, đã hoàn thành các quy hoạch, trong đó quan trọng nhất là Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt vào cuối tháng 12-2023.
Tỉnh cũng đã đánh giá, sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025; sơ kết bốn nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy; thông qua một số chủ trương, đề án như chủ trương mở rộng TP Phan Thiết; quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; đề án kinh tế ban đêm…
Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để thu hút đầu tư, triển khai các dự án, tái cơ cấu một số lĩnh vực, từ đó thúc đẩy tăng trưởng, nâng quy mô kinh tế của tỉnh.
Tỉnh cũng sẽ tập trung đôn đốc triển khai các dự án, công trình quan trọng như Khu Công nghiệp Sơn Mỹ 1, Khu Công nghiệp Sơn Mỹ 2; Khu Công nghiệp Tân Đức, trong đó phấn đấu hoàn thành việc giao đất, cho thuê đất để nhà đầu tư triển khai xây dựng hạ tầng.
Đồng thời, hỗ trợ để ba dự án lớn là Kho cảng LNG Sơn Mỹ, Điện khí Sơn Mỹ I, Điện khí Sơn Mỹ II hoàn tất các thủ tục pháp lý để khởi công. Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và khởi công xây dựng Cảng Hàng không Phan Thiết (hạng mục Hàng không dân dụng).
Chúng tôi cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án đầu tư công như Chung cư sông Cà Ty, kè sông Cà Ty (đoạn từ cầu Dục Thanh đến đường Ung Văn Khiêm); Cầu Văn Thánh, đường ĐT.719B, đường Hàm Kiệm - Tiến Thành, Hồ chứa nước Ka Pét…
Triển khai thêm các dự án xây dựng hạ tầng mới như Khu Đô thị - Du lịch Hàm Tiến - Mũi Né; làm mới đường kết nối đường Võ Nguyên Giáp với Cảng Hàng không Phan Thiết, một số tuyến đường ven biển, đường kết nối đường ven biển với đường Quốc lộ và cao tốc…
Ngoài ra, trên đà thắng lợi và hiệu ứng lan tỏa của Năm du lịch quốc gia “Bình Thuận - Hội tụ xanh”, dựa vào lợi thế khi có đường cao tốc, những bãi biển, thắng cảnh đẹp, khí hậu trong lành, thức ăn ngon, dịch vụ chất lượng, giá cả phù hợp... chúng tôi sẽ phát triển mạnh mẽ ngành du lịch, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh…
Bình Thuận cũng tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là trên các lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư…
Năm nay, tỉnh chọn chủ đề là “Nâng cao năng lực cạnh tranh và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp”, trong đó trọng tâm là cải thiện các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI với mục tiêu tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, thu hút các tập đoàn với các dự án quy mô lớn đầu tư vào tỉnh; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, làm ăn có lãi.
Chúng tôi còn hai năm để thực hiện “đặt hàng” của Thủ tướng Chính phủ và chúng tôi có kỳ vọng sẽ hoàn thành được “đơn hàng” này.
Liên kết để phát triển
. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Vậy tỉnh đã đề ra mục tiêu phát triển như thế nào trong giai đoạn này?
+ Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp tỉnh định hình được tầm nhìn, không gian phát triển, mở ra những tiềm năng mới, cơ hội mới để thu hút đầu tư, thúc đẩy sự phát triển nhanh, mạnh, bền vững.
Quy hoạch tỉnh đề ra mục tiêu chung đến năm 2030, Bình Thuận trở thành tỉnh phát triển năng động, nhanh và bền vững; mạnh, giàu từ biển, có thu nhập bình quân đầu người cao hơn mức bình quân của vùng và của cả nước; là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển mang tầm quốc gia, quốc tế; một trong những trung tâm năng lượng xanh của cả nước.
Đến năm 2050, Bình Thuận trở thành cực phát triển quan trọng của khu vực Duyên hải Trung Bộ, có kinh tế biển phát triển mạnh, bền vững, cơ cấu kinh tế hiện đại; là trung tâm năng lượng sạch, trung tâm cung cấp dịch vụ du lịch quốc gia.
. Vậy Bình Thuận sẽ làm gì để đạt được những mục tiêu nêu trên?
+ Để đạt được mục tiêu đó, Quy hoạch tỉnh đã xác định một số định hướng lớn. Cụ thể, trong lĩnh vực kinh tế, tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp sản xuất điện; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hình thành các vùng sản xuất tập trung.
Cùng đó là ưu tiên nguồn lực để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và xây dựng Bình Thuận trở thành Trung tâm Du lịch - Thể thao biển mang tầm quốc gia - quốc tế.
Phát triển dịch vụ vận tải, logistics trở thành ngành kinh tế quan trọng, đưa Bình Thuận trở thành một trong những trung tâm logistics của khu vực Nam Trung bộ và Nam Tây Nguyên.
Trong việc bố trí không gian phát triển mới, tỉnh thực hiện theo nguyên tắc “Một trục động lực - Hai trục liên kết - Ba trung tâm - Ba hành lang phát triển”.
Cụ thể, “trục động lực” là trục đông bắc - tây nam gắn với đường cao tốc Bắc - Nam phía đông, đường sắt tốc độ cao, đường sắt quốc gia và Quốc lộ (QL) 1A.
“Hai trục liên kết” là liên kết du lịch gắn du lịch biển của Bình Thuận với du lịch núi rừng của vùng Tây Nguyên và liên kết sản xuất gắn với nguồn tài nguyên khoáng sản, nông lâm sản vùng Tây Nguyên kết hợp với tài nguyên khoáng sản, nông lâm, thủy sản tại chỗ.
“Ba trung tâm” là trung tâm tỉnh (khu vực TP Phan Thiết và phụ cận), trung tâm phía nam (hạt nhân là đô thị La Gi) và trung tâm phía bắc (hạt nhân là đô thị Liên Hương).
“Ba hành lang” phát triển gồm: Hành lang phát triển gắn với trục động lực; hành lang ven biển gắn với việc hình thành tuyến giao thông đường bộ ven biển và hành lang hỗ trợ phát triển kết nối các khu vực phía tây, tây bắc hướng tới mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Ngoài ra, tỉnh sẽ nghiên cứu hình thành khu kinh tế ven biển phía nam nằm trên địa bàn huyện Hàm Tân và thị xã La Gi; Khu công nghệ cao (ở khu vực trung tâm). Bình Thuận đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đầu tư hoàn thành 10 Khu công nghiệp, 38 cụm công nghiệp; tập trung phát huy các khu vực có vai trò động lực của tỉnh là TP Phan Thiết; thị xã La Gi; huyện Tuy Phong, các Khu công nghiệp trên địa bàn.
Tỉnh cũng xác định một số dự án, công trình trọng điểm giao thông cần ưu tiên đầu tư. Trong đó có dự án cải tạo, nâng cấp các QL 28B, 55; xây dựng mới Cảng hàng không Phan Thiết và đường kết nối Cảng hàng không Phan Thiết đến khu vực xã Hòa Thắng…
Ở tầm nhìn xa hơn, tỉnh sẽ xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Vĩnh Hảo - Liên Khương, nâng cấp các QL 1A, 28; hình thành Trung tâm logistics sân bay Phan Thiết và Trung tâm logistics Bình Thuận tại huyện Tuy Phong...
. Xin cảm ơn ông!
Chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, thử thách
Bình Thuận đang trên đà phát triển mạnh mẽ với tiềm lực và nhiều cơ hội mới đang mở ra. Song, trên chặng đường phía trước, vẫn còn không ít khó khăn và thử thách.
Tôi mong muốn tất cả cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tiếp tục tin tưởng, đoàn kết, chung sức, đồng lòng, cùng nhau vượt qua khó khăn, thử thách.
Cùng đó là phải tận dụng tốt những thời cơ và vận hội mới, cùng quyết tâm đưa tỉnh Bình Thuận bứt phá mạnh mẽ, ngày càng giàu mạnh, văn minh, hiện đại, đẹp hơn, xanh hơn.
Từ đó, đưa Bình Thuận trở thành nơi đáng sống, là điểm đến hấp dẫn, an toàn cho du khách và nhà đầu tư; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận DƯƠNG VĂN AN