Bí thư, Chủ tịch Quảng Nam, Đà Nẵng và những dấu ấn trước ngày hợp nhất
Trong số lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Quảng là Bí thư thành ủy không phải người địa phương, còn lại đều là nguồn nhân sự tại chỗ, phát triển đi lên.
Theo chủ trương của Ban chấp hành Trung ương Đảng, tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng hợp nhất thành một đơn vị hành chính mới lấy tên là TP Đà Nẵng. Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại Đà Nẵng hiện nay.
Dự kiến thành phố mới có diện tích tự nhiên hơn 11.867km2, quy mô dân số hơn 3 triệu người và 94 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 23 phường, 70 xã và 1 đặc khu Hoàng Sa).
Khi hợp nhất, nhân sự lãnh đạo chủ chốt cũng như tổ chức, bộ máy của 2 tỉnh, thành này sẽ được sắp xếp lại. Theo định hướng của Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương sẽ thẩm định và tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ định nhân sự bí thư, phó bí thư thành ủy; Thủ tướng sẽ chỉ định nhân sự chủ tịch, phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng mới.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng hiện nay là ông Nguyễn Văn Quảng, sinh năm 1969, quê quán ở Hải Phòng, trình độ tiến sĩ Luật và hiện là ủy viên Trung ương Đảng khóa 13.
Trước khi giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng từ tháng 10/2020, ông trải qua nhiều vị trí quan trọng như Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Phó bí thư Thành ủy Đà Nẵng.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng (giữa)
Trong nhiệm kỳ của mình, ông Quảng đã để lại nhiều dấu ấn, góp phần thúc đẩy sự phát triển của TP như: Thúc đẩy cải cách hành chính mạnh mẽ nhằm tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, đẩy mạnh thu hút đầu tư, các chính sách an sinh cho người dân.
Quảng Nam và Đà Nẵng là một. Sau 27 năm tạm thời chia tay để mỗi bên lớn lên, bây giờ cả hai lại về chung một nhà. Truyền thống văn hóa, lịch sử của người dân xứ Quảng sẽ là hồn cốt và sức mạnh của thành phố mới. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng
Bí thư Đà Nẵng đặc biệt chú trọng tháo gỡ các vướng mắc trong quản lý đất đai, định hướng cơ chế và chính sách phát triển mới cho TP, nhấn mạnh việc xử lý phải linh hoạt, “không máy móc”, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư và người dân.
Cùng với ban lãnh đạo TP Đà Nẵng, ông Quảng luôn chú trọng phát triển các lĩnh vực công nghệ thông tin, vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Ông cũng quyết tâm thúc đẩy thành lập Khu thương mại tự do tại Đà Nẵng đã được Quốc hội thông qua và Trung tâm tài chính quốc tế trong thời gian tới.
Trong khi đó, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết thuộc thế hệ 7X (sinh năm 1976), là người con của Đà Nẵng, trưởng thành từ cơ sở, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng ở Đà Nẵng như: Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP...
Ông có trình độ thạc sĩ Quản trị kinh doanh, kỹ sư Công nghệ Silicat và hiện là ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết
Ngày 24/1/2024, Bộ Chính trị điều động ông Triết giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam. Trên cương vị này, ông để lại nhiều dấu ấn trong xây dựng Đảng với trọng tâm theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
Tiềm năng giữa Quảng Nam và Đà Nẵng còn rất lớn, nhất là khi cả hai địa phương đã có quy hoạch tổng thể. Đây là cơ sở quan trọng để khai thác hiệu quả và toàn diện hơn các thế mạnh vùng. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết
Ông chỉ đạo khảo sát, đẩy nhanh các dự án nhà ở xã hội, khu tái định cư, giải phóng mặt bằng và chương trình xóa nhà tạm tại các địa phương trọng điểm. Ông Triết thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe ý kiến từ cơ sở, đặc biệt là người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số, khẳng định thành công của tỉnh bắt đầu từ từng hộ gia đình và cán bộ địa phương.
Ông Triết thường xuyên thăm hỏi, động viên gia đình chính sách, cơ sở y tế, quan tâm đời sống người dân. Đặc biệt, ông thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác giữa Quảng Nam và Đà Nẵng.
Chủ tịch tỉnh của 2 tỉnh, thành này đều thuộc thế hệ 6X và là cán bộ trưởng thành tại chỗ.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh sinh năm 1969, quê xã Hòa Phong. Ông có trình độ tiến sĩ ngành Giáo dục học.
Trước khi làm Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng từ cuối năm 2020, ông từng đảm nhiệm chức vụ Phó chủ tịch Thường trực UBND TP trong 2 năm.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh
Sự phát triển của Đà Nẵng không thể tách rời vai trò của doanh nghiệp. Thành phố cam kết tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và hỗ trợ tối đa để doanh nghiệp phát triển bền vững. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh
Trong nhiệm kỳ, ông Chinh ghi dấu ấn qua các lĩnh vực phát triển kinh tế, cải cách hành chính và an sinh xã hội như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, góp phần xây dựng Đà Nẵng thành thành phố thông minh, thân thiện với người dân và doanh nghiệp.
Trước tác động của đại dịch Covid-19, ông chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp phục hồi kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy ngành du lịch, dịch vụ và sản xuất nhanh hồi phục.
Ông Chinh cũng chỉ đạo tăng nguồn lực cho y tế, giáo dục, nhà ở xã hội, chăm sóc người có công và hộ nghèo...
Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng sinh năm 1966 tại xã Quế Bình, huyện Hiệp Đức, trình độ cử nhân Kinh tế nông nghiệp.
Tháng 6/2024, ông được bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh với tỷ lệ 100% đại biểu đồng thuận. Ông cũng là Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa 15 của tỉnh.
Trong vai trò người đứng đầu UBND tỉnh, ông Dũng chủ trì nhiều cuộc họp đánh giá kinh tế - xã hội, đề ra phương hướng phát triển, đặc biệt chú trọng đổi mới động lực tăng trưởng, thu hút đầu tư và cải cách hành chính nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng
Chủ tịch tỉnh Quảng Nam tích cực tham gia công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, nhất là liên quan đất đai, yêu cầu xử lý nghiêm vi phạm, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước và cải cách thủ tục hành chính...
Ông Dũng từng bày tỏ quan điểm về việc hợp nhất tỉnh Quảng Nam với TP Đà Nẵng, cho rằng đây là quyết định đúng đắn nhằm tạo ra không gian phát triển lớn mạnh hơn.
Đà Nẵng từ lâu đã vươn mình trở thành "hình mẫu lý tưởng" của những thành phố trẻ, năng động, đáng sống và tiếp tục vươn lên để xác lập "Đô thị biển đáng sống của châu Á".
Quảng Nam từ một trong những tỉnh nghèo nhất nước, phải nhận trợ cấp hơn 70% của Trung ương nay đã trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung. Quy mô nền kinh tế của Quảng Nam hiện đạt khoảng 129.000 tỷ đồng, tăng hơn 50 lần so với ngày đầu tái lập; GRDP bình quân đầu người khoảng 84 triệu/năm.
Từ năm 2017, Quảng Nam tự chủ ngân sách và có đóng góp về Trung ương. Năm 2024, tổng thu ngân sách đạt hơn 27.600 tỷ đồng, gấp hơn 217 lần so với năm 1997.