Bí thư Hà Nội nêu yêu cầu với mỗi cán bộ khi thực thi chính sách mới
Tại kỳ họp thứ 25, HĐND TP Hà Nội sẽ xem xét mức chi hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ chế hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh tiểu học đồng thời dành thời lượng lớn cho hoạt động chất vấn về an toàn thực phẩm.
Sáng 8/7, HĐND TP Hà Nội tổ chức kỳ họp thường kỳ (thứ 25) để xem xét, quyết nghị nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nhiều nội dung để triển khai Luật Thủ đô 2024.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài; Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh dự và chỉ đạo tại kỳ họp.
Chấm dứt tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm
Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đề nghị các đại biểu HĐND khi thảo luận, xem xét các nghị quyết cần phải đặt trong tầm nhìn dài hạn, với tư duy dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đồng thời, các nghị quyết phải đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm. Chính sách ban hành phải khả thi, phải giảm bớt gánh nặng thủ tục, phải thực sự đi vào cuộc sống. HĐND cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò giám sát để đảm bảo chính sách không nằm trên giấy.
Song song đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu các cấp, ngành tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương và đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai mô hình chính quyền mới.
Từ ngày 1/7/2025 vừa qua, thành phố đã triển khai vận hành theo mô hình chính quyền hai cấp đòi hỏi sự rành mạch, thông suốt và hiệu quả.
Do đó, Bí thư Thành ủy TP Hà Nội yêu cầu phải chấm dứt tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi cán bộ phải xác định rõ vai trò, chức năng của mình. Các nội dung công việc cụ thể phải được thực hiện một cách quyết liệt, minh bạch, có lộ trình và có người chịu trách nhiệm cụ thể.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc, kỳ họp thứ 25 HĐND TP Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Bà Hoài cũng lưu ý, TP cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xem đây là nhân tố quyết định mọi thắng lợi. Sự thành công của Luật Thủ đô, của chuyển đổi số, hay của bất kỳ chủ trương nào khác đều phụ thuộc vào con người, vào đội ngũ cán bộ.
“Tôi đề nghị mỗi vị đại biểu HĐND, mỗi cán bộ, đảng viên phải là một tấm gương về trí tuệ, bản lĩnh, liêm chính và tinh thần phụng sự. Phải kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm có thể nảy sinh trong quá trình thực thi các cơ chế, chính sách mới”, Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài chỉ đạo.
Trước đó, phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, kỳ họp được tổ chức ngay sau khi thành phố và cả nước hoàn thành công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Theo đó, sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, TP Hà Nội giảm từ 526 xã, phường, thị trấn xuống còn 126 xã, phường mới - tỷ lệ giảm là 76%, cao nhất cả nước. Cùng với đó, thành phố cũng khẩn trương, tập trung chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để xây dựng và triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 1/7/2025.
Cùng với công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, thành phố tập trung triển khai các nhiệm vụ tăng trưởng, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và nhiều nhiệm vụ chính trị quan trọng khác của thành phố.
Theo đó, tăng trưởng GRDP tăng 7,69%, thu ngân sách đạt 392.710 tỷ đồng, bằng 76,5% so với dự toán và tăng 51,4% so với cùng kỳ; thu hút đầu tư nước ngoài FDI đạt gần 3,7 tỷ USD, gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2024.

Đại biểu HĐND TP Hà Nội biểu quyết thông qua nội dung, chương trình kỳ họp. Ảnh: Thanh Hải
Xem xét nhiều nghị quyết triển khai Luật Thủ đô
Ông Tuấn cũng nhấn mạnh, kỳ họp này, HĐND TP tiếp tục xem xét các nghị quyết chuyên đề để triển khai thi hành Luật Thủ đô.
Cụ thể, HĐND TP Hà Nội sẽ xem xét 9 nghị quyết về các lĩnh vực như: quy định về thu hút đầu tư chiến lược; trung tâm công nghiệp văn hóa; khu phát triển thương mại văn hóa; khai thác, sử dụng quỹ đất nông nghiệp khu vực bãi sông, ngoài đê; những biện pháp giảm phát thải nhựa để bảo vệ môi trường; chính sách hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho đối tượng chính sách...
"Đây là nhóm chính sách, quy định mới, quan trọng, thiết thực để cụ thể hóa các quy định của Luật Thủ đô. Đề nghị các vị đại biểu tập trung nghiên cứu, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến, để các cơ chế, chính sách được ban hành phát huy hiệu quả thiết thực, đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô", Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn nêu rõ.
Đồng thời, tại kỳ họp này, các đại biểu cũng xem xét một số nghị quyết chuyên đề về tài chính, ngân sách; cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội như: hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; mức chi hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; ưu đãi miễn tiền thuê đất đối với những dự án sử dụng đất vào mục đích sản xuất, kinh doanh; cơ chế hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội...
Dự kiến tại kỳ họp, HĐND TP dành thời gian nửa ngày cho hoạt động chất vấn, tái chất vấn trong đó có việc thực hiện quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.