Bí thư Hà Nội nói về tiêu chí cán bộ chủ chốt 126 xã, phường mới
Bí thư Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài lưu ý khi bố trí cán bộ chủ chốt cho 126 xã, phường mới phải đảm bảo công tâm, khách quan, lựa chọn người có phẩm chất đạo đức tốt, đủ tiêu chuẩn, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu khó khăn, thách thức.
Chiều 28-4, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội (khóa XVII) đã tổ chức Hội nghị lần thứ 22 để xem xét nhiều nội dung quan trọng, trong đó họp bàn về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị TP Hà Nội.
Tên gọi xã phường mới đúng ý Đảng, lòng dân
Phát biểu bế mạc hội nghị về nội dung này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài nhấn mạnh Hội nghị đã thống nhất cao với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của Thành phố.
“Phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của Thành phố đã bám sát các chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; đã được xây dựng theo kế hoạch xuyên suốt thống nhất từ Thành phố đến cơ sở, nhằm cụ thể hóa chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, xây dựng chính quyền gần dân, sát dân, phục vụ kịp thời lợi ích thiết thực của nhân dân”- Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài.
Bà cho biết trong ngày mai (29-4), nội dung này sẽ được HĐND TP Hà Nội xem xét, thông qua, sau đó TP sẽ báo cáo, trình Trung ương xem xét, quyết định.
Theo đó, Hà Nội sẽ sắp xếp từ 526 đơn vị hành chính cấp xã (xã, phường, thị trấn) xuống còn 126 đơn vị hành chính cấp xã mới.
“Trong quá trình triển khai, Hà Nội đã bám sát tiêu chí, tiêu chuẩn, hướng dẫn của Trung ương và bám sát thực tế của TP, đó là TP Hà Nội là thủ đô, trái tim của đất nước; là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; là nơi hội tụ hồn thiêng sông núi, nơi lưu giữ nhiều công trình văn hóa, lịch sử của dân tộc với nhiều đặc thù liên quan tới phương hướng phát triển của Thủ đô trong hiện tại và tương lai”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.
Người đứng đầu Thành ủy Hà Nội cho hay những yếu tố đó đã được tính toán tỷ mỷ, kỹ lưỡng, khách quan, khoa học để đảm bảo đơn vị hành chính xã/phường sau khi được thành lập một mặt sẽ đạt được mục tiêu gần dân, sát dân, phục vụ tốt nhất cho người dân, đồng thời cũng phải mở ra không gian phát triển mới và đảm bảo phục vụ tốt cho công tác quản lý, quản trị của chính quyền các cấp sau sắp xếp.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng biểu dương tinh thần nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận cao với phương án sắp xếp.
“Những tên gọi xã, phường mới thật hay, thật đẹp, rất ý nghĩa được được nhân dân tán thành, đồng thuận rất cao đúng là ý Đảng, lòng dân”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.
Bố trí cán bộ phải công tâm, khách quan
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cũng lưu ý kết quả trên mới chỉ là bước đầu, thời gian tới (sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua), toàn TP cần phải khẩn trương bắt tay ngay vào việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy đảm bảo đúng tiến độ, lộ trình, kế hoạch đề ra.
Theo đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị Ban Tổ chức Thành ủy chủ trì tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy sớm ban hành kế hoạch hướng dẫn để triển khai thực hiện. Trong đó lưu ý: Công tác cán bộ là vấn đề hết sức hệ trọng. Trung ương đã giao cho Ban Thường vụ các Tỉnh ủy/Thành ủy có trách nhiệm quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy cấp cơ sở.

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 22 diễn ra chiều nay 28-4.
Thành ủy giao Ban Thường vụ, người đứng đầu cấp ủy các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm đánh giá cán bộ, dự kiến sắp xếp cán bộ báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, thẩm định và quyết định chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra các xã, phường.
“Đây là công việc hết sức quan trọng, quá trình triển khai thực hiện sẽ có sự phối hợp, hướng dẫn của các ban, sở, ngành của TP và Ban Thường vụ, Thường trực các quận, huyện. Ban Thường vụ Thành ủy sẽ phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy theo dõi, chỉ đạo các quận, huyện, thị xã”, Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý.
Theo đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý khi bố trí cán bộ phải công tâm, khách quan, lựa chọn người có phẩm chất đạo đức tốt, đủ tiêu chuẩn, điều kiện, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu khó khăn, thách thức vì yêu cầu, công việc chung để bố trí cán bộ, tránh tình trạng chạy chọt, tiêu cực trong công tác cán bộ.
“Những lúc này rất cần tập thể Thường vụ, Ban Chấp hành đảng bộ phải đoàn kết, bản lĩnh để chúng ta khách quan, dân chủ tìm được cán bộ xứng đáng để giới thiệu”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng lưu ý các đơn vị, địa phương cũng cần chú ý đến công tác quản lý tài sản, tài liệu, không để thất thoát tài sản, thất lạc tài liệu, dự kiến trụ sở làm việc của cấp cơ sở theo hướng dẫn của TP.
Cấp ủy, chính quyền các quận, huyện tiếp tục chỉ đạo để tất cả các hoạt động của các cấp ủy, chính quyền các cơ quan không để gián đoạn nhiệm vụ đang thực hiện, nhất là những nhiệm vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Tăng cường công tác quản lý đất đai, tăng cường kiểm tra, giám sát để ngăn chặn không để tình trạng vi phạm đất đai xảy ra ở xã, phường, thôn, xóm, không để lấn chiếm ao hồ, đất công, làm nhà trên đất nông nghiệp.
Sau sắp xếp, Hà Nội dự kiến sẽ có các phường, xã mang tên các quận, huyện, thị xã trước đây như: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Hà Đông, Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Xuân, Tây Hồ, Từ Liêm, Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Chương Mỹ, Hoài Đức, Ba Vì, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Mê Linh, Sóc Sơn, Thạch Thất, Quốc Oai, Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai, Phú Xuyên, Ứng Hòa và Sơn Tây.
Một số tên phường, xã mới mang dấu ấn văn hóa, lịch sử như Ngọc Hà, Giảng Võ, Cửa Nam, Láng, Ô Chợ Dừa, Kim Liên, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Phú Thượng, Bạch Mai, Vĩnh Tuy, Phù Đổng, Bát Tràng, Chương Dương, Hồng Vân, Bất Bạt...