Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy dự Hội thảo góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại Yên Bái
Sáng 30/8, tại Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Yên Bái, Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Bảo hiểm xã hội, Hội Luật gia tỉnh Yên Bái tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).
>> Ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân
Dự chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Văn Quyền - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam.
Tham dự Hội thảo có sự tham dự của đại diện Bộ Lao động- Thương binh và xã hội, BHXH Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học, các cán bộ, hội viên Hội Luật gia Việt Nam, các đại biểu các cơ quan Trung ương và địa phương.
Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2016. Qua hơn 7 năm thi hành, Luật đã đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn của chính sách, chế độ BHXH theo nguyên tắc đóng - hưởng, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện Luật BHXH năm 2014 đãbộc lộ những tồn tại, hạn chế, bất cập như: diện bao phủ đối tượng tham gia và thụ hưởng BHXH trên thực tế còn thấp so với tiềm năng; tính tuân thủ pháp luật về BHXH còn chưa cao, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, nhiều địa phương; chính sách BHXH tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn người dân tham gia; một số quy định không còn phù hợp với bối cảnh, điều kiện thực tiễn hiện nay... Do đó, Tổng Thư ký Quốc hội vừa có Văn bản số 2733/TB-TTKQH thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo việc xem xét, cho ý kiến về Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Phát biểu chào mừng Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy nhấn mạnh: Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, coi đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước, thể hiện tính ưu việt, bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Trong đó, chính sách bảo hiểm xã hội đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi gặp những rủi ro trong cuộc sống.
Bám sát chỉ đạo, định hướng của Tỉnh ủy, BHXH Việt Nam, những năm qua, BHXH tỉnh Yên Bái đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương tham mưu, xây dựng kế hoạch, hướng dẫn và tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, toàn tỉnh có trên 79.000 người tham gia BHXH, chiếm 19,06% lực lượng lao động trong độ tuổi; 46.436 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp; số người tham gia BHYT đạt trên 750.000 người, đạt tỷ lệ bao phủ 88,59%. Các chế độ, chính sách được giải quyết kịp thời, đúng, đủ theo quy định của pháp luật. Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, đã giải quyết chế độ cho trên 180.000 lượt người với tổng số tiền chi trả gần 7.900 tỷ đồng...
Đồng chí cũng khẳng định: công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT đã có những chuyển biến rõ nét, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Yên Bái
Tham gia góp ý tại Hội thảo, các đại biểu đã tích cực thảo luận, đóng góp ý kiến về từng nhóm vấn đề trọng tâm của Dự thảo Luật.
Cụ thể như: Dự thảo Luật có 9 chương, để tôn trọng quyền được hưởng BHXH thì từ chương 3 đến chương 6 cần được đưa lên đầu; Điều 1 Dự thảo Luật về Phạm vi điều chỉnh xác định "Luật này quy định về chế độ… tố cáo và xử lý vi phạm về BHXH”, xác định như này vừa dài dòng vừa không đầy đủ; nên hoàn thiện lại các chương và chuẩn xác các tên chương, sau đó viết về phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật dựa theo các tên chương.
Tại Điều 31, Dự thảo Luật đề xuất bổ sung thêm đối tượng là người lao động làm việc không có hợp đồng lao động nhưng thực tế có làm việc theo thỏa thuận với người sử dụng lao động và có phát sinh thu nhập so người sử dụng lao động trả; đề nghị bổ sung Điều 21c quy định về Quyền và trách nhiệm của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân; đề nghị bổ sung Chế độ thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm vào khoản 2 Điều 5…
Kết quả Hội thảo sẽ được Hội Luật gia Việt Nam tổng hợp để báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và gửi đến các cơ quan hữu quan để nghiên cứu, tham khảo, góp phần phục vụ việc Quốc hội xem xét, cho ý kiến về Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trong thời gian sớm nhất.
Được biết, trong Văn bản số 2733/TB-TTKQH thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã đề nghị Chính phủ, các cơ quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì thẩm tra để chuẩn bị dự án Luật có chất lượng trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe Chính phủ báo cáo lại để xem xét, quyết định trước khi trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).