Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương: phải lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng cho rằng, chuyển đổi số là phục vụ người dân. Do vậy, mỗi người dân trở thành công dân số thì chuyển đổi số mới thành công, phải lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số.
Sáng này (ngày 26/3), sự kiện Ngày Chuyển đổi số tỉnh Hải Dương đã được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa xứ Đông với sự tham dự của khoảng 500 đại biểu Trung ương và địa phương.
Phát biểu về Ngày chuyển đổi số, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng cho biết, đây cũng là lần đầu tiên tỉnh Hải Dương tổ chức Ngày chuyển đổi số gồm chuỗi sự kiện với chủ đề “chuyển đổi số hiện thực hóa khát vọng phát triển tỉnh Hải Dương”. Điều đó thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh trong việc thực hiện chiến lược phát triển "Tăng trưởng xanh - Chuyển đổi số" theo Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.
Tròn 1 năm qua, từ khi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương ban hành Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số đúng vào ngày 26/3/2021, tỉnh đã có những thay đổi, tiến bộ gì trong hành trình chuyển đổi số như: nhận thức được về tầm quan trọng và ý nghĩa thiết thực của chuyển đổi số trong cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đã được nâng lên một bước. Từ chỗ chưa hiểu biết về chuyển đổi số, nay ở nhiều diễn đàn, nhiều văn bản cụm từ chuyển đổi số đã trở thành cụm từ được nhắc đến với tần suất ngày càng nhiều hơn. Chuyển đổi số đã từng bước trở thành nhu cầu của thiết thân của nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân.
Những ứng dụng của chuyển đổi số trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 đã góp một phần không nhỏ cho những nỗ lực kiểm soát, đẩy lùi và thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh - đã trở thành 1 công cụ không thể thiếu trong công tác phòng chống dịch ở tỉnh Hải Dương. Không những vậy, nhờ chuyển đổi số mà quả vải thiều, cùng một số nông sản chủ lực và sản phẩm OCOP của Hải Dương đã cất cánh vượt qua dịch bệnh đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước, đem lại giá trị kinh tế vượt trội, với những con số biết nói như: lần đầu tiên giá trị quả vải thiều thu được lên tới 1.478 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với năm 2020.
Hiện Doanh nghiệp Hải Dương đã và đang trở thành lực lượng tiên phong trong ứng dụng chuyển đổi số để đem lại những giá trị gia tăng nhiều hơn. Một số trang trại, một số doanh nghiệp đã ứng dụng chuyển đổi số để nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm tăng sức cạnh tranh của hàng hóa.
Ngoài ra, trong các cơ quan Đảng, nhà nước, đoàn thể chưa có bao giờ việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong chỉ đạo, điều hành, hội họp, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số lại được ứng dụng mạnh mẽ như năm 2021 và đem lại những hiệu ứng to lớn và hiệu quả trong bối cảnh thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch COVID-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, 3 dự án thành phần của Đề án về chuyển đổi số là: “Xây dựng Hạ tầng công nghệ thông tin cho Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh”, “Xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành thông minh tỉnh Hải Dương”, “Xây dựng Trung tâm giám sát an ninh không gian mạng” cũng đã được triển khai giai đoạn 1. Tới ngày hôm nay đã có sản phẩm ra mắt và ứng dụng ngay vào chỉ đạo, điều hành và phục vụ cuộc sống của người dân.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, trong hành trình trên con đường chuyển đổi số, tỉnh đã có những người bạn đồng hành, sát cánh từ những bước đi đầu tiên như: Tập đoàn FPT, Tập đoàn Viettel, Liên minh SAIGONTEL-NGS; đặc biệt là nhận được sự chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ, khích lệ của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, của Bộ Thông tin và truyền thông đã tiếp thêm động lực mạnh mẽ cho Hải Dương trên hành trình chuyển đổi số.
Từ những bước đi đầu tiên rất thuyết phục của ứng dụng chuyển đổi số đã giúp cho Hải Dương rút ra được bài học: Đó là chuyển đổi số là một xu thế tất yếu cần phải nhanh chóng nắm bắt lấy thời cơ phát triển do chuyển đổi số mang lại; chuyển đổi số sẽ mang lại những cơ hội phát triển chưa từng có cho Việt Nam cũng như tỉnh Hải Dương. Nhưng vấn đề là làm sao có thể nhanh chóng nắm bắt cơ hội do chuyển đổi số mở ra, đi đầu và đi nhanh hơn nữa trong hành trình chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột về xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Hải Dương đã lựa chọn con đường phát triển theo hướng tăng trưởng xanh và chuyển đổi số; gọi tắt là Xanh - Số. Phát triển nhanh và bền vững theo hướng tăng trưởng xanh và chuyển đổi số là chiến lược phát triển xuyên suốt, bao trùm của tỉnh. Tỉnh quyết tâm phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại.
Muốn đạt được khát vọng phát triển lớn lao đó, đòi hỏi không chỉ có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả mà còn phải thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đổi mới, sáng tạo trên các lĩnh vực, dám chấp nhận từ bỏ thói quen cũ, thay đổi toàn diện cả về tư duy, nhận thức và phương thức hành động. Trong đó, chuyển đổi số - chính là sự đổi mới, sáng tạo mạnh mẽ nhất - không chỉ là cơ hội mà còn là động lực, là công cụ hữu hiệu để giúp Hải Dương đạt được khát vọng phát triển.
Với tinh thần đó, sau hành trình chuyển đổi số 1 năm qua, tỉnh Hải Dương đã quyết định chọn ngày 26/3 là ngày chuyển đổi số hàng năm, là ngày ban hành Nghị quyết số 06 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số - cũng là ngày thành lập đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Đây còn là ngày hội của người dân, doanh nghiệp và tuổi trẻ được hòa mình vào không khí của sáng tạo và đổi mới được tiếp cận với những ứng dụng mới nhất của chuyển đổi số qua đó thổi bùng nên cảm hứng và niềm đam mê về chuyển đổi số của mỗi người dân Hải Dương với mục tiêu mỗi người dân sẽ là một công dân số.
Với chủ đề “Chuyển đổi số hiện thực hóa khát vọng phát triển tỉnh Hải Dương”, toàn tỉnh cần nắm bắt thật tốt các cơ hội phát triển, khai thác thật hiệu quả các tiềm năng riêng có, thế mạnh nổi trội, tạo ra thật nhiều giá trị khác biệt. Chính quyền số sẽ giúp cho các cấp chính quyền trong tỉnh hoạt động hiệu quả, hiệu lực hơn, minh bạch hơn, giảm tham nhũng; kinh tế số thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, tạo ra giá trị mới...
Ngày chuyển đổi số sẽ phải biến thành ngày hội thực sự của người dân. Bởi lẽ xét cho cùng chuyển đổi số là phục vụ người dân, mỗi người dân trở thành công dân số thì chuyển đổi số mới thành công; phải lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương mong muốn, tỉnh sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn trên chặng đường sắp tới để thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình chuyển đổi số của Hải Dương.