Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên: Pleiku chủ động xây dựng phương án thích ứng với điều kiện mới
Ngày 11-10, Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Pleiku đã tổ chức Hội nghị lần thứ 6 (mở rộng). Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên dự và chỉ đạo hội nghị.Cùng dự hội nghị có Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh. Hội nghị được trực tuyến đến 5 điểm cầu trên địa bàn thành phố.Còn nhiều khó khăn, vướng mắcTrong 9 tháng năm 2021, dù chịu tác động của đại dịch Covid-19 nhưng hệ thống chính trị TP. Pleiku đã chủ động vào cuộc, quyết liệt triển khai nhiệm vụ. Qua đó, thành phố đã cơ bản kiểm soát, khống chế dịch bệnh, góp phần duy trì, ổn định phát triển kinh tế-xã hội. Cụ thể, thu ngân sách trên địa bàn tính đến ngày 30-9 đạt 1.290 tỷ đồng, bằng 80,7% kế hoạch tỉnh giao và 76,6% kế hoạch HĐND thành phố giao. Công tác xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chỉnh trang đô thị được quan tâm chỉ đạo. Tỷ lệ đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị giảm so với cùng kỳ năm 2020. Công tác cải cách hành chính có nhiều tiến bộ, hồ sơ trễ hạn chiếm tỷ lệ thấp… Cùng với đó, thành phố đã kiện toàn các chức danh cán bộ 2 cấp theo quy định, đảm bảo bộ máy hệ thống chính trị hoạt động ổn định, hiệu quả.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ từ đầu năm đến nay. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Nguyễn Đình Thức cho biết: “Đến nay, cơ bản việc dạy và học trực tuyến trên địa bàn thành phố đảm bảo. Dự kiến trong tuần tới, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố cũng như tỉnh kiểm soát tốt, chúng tôi sẽ tham mưu UBND thành phố cho học sinh trở lại học trực tiếp. Tuy nhiên, qua rà soát cho thấy, ngành Giáo dục thành phố thiếu 395 người, trong đó có 292 giáo viên và 103 nhân viên. Trong khi đó, thành phố không được hợp đồng ngoài biên chế được giao (mức tối thiểu là 188 giáo viên) nên các trường sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi học sinh quay trở lại học trực tiếp".
Đặc biệt, tồn tại lớn nhất hiện nay của TP. Pleiku là việc giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ. Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Phúc Ánh thông tin: Theo kế hoạch từ đầu năm, thành phố triển khai 32 dự án đền bù, giải phóng mặt bằng nhưng hiện mới chỉ hoàn thành được 5 dự án. Trong 27 dự án đang tiếp tục triển khai, 5 dự án có giá đất cụ thể, 3 dự án đã niêm yết công khai giá trị bồi thường, hỗ trợ. Tuy nhiên, hầu như người dân không đồng ý với mức giá mà tỉnh thống nhất và thành phố đã ban hành. Điển hình như Dự án khu dân cư suối Hội Phú có 12/14 hộ không đồng ý; Dự án đường Nguyễn Chí Thanh sau khi niêm yết giá công khai thì cả 25/25 hộ dân không đồng ý, cho rằng giá đền bù thấp. Nguyên nhân do sự phối hợp giữa Hội đồng thẩm định giá đất, bảng giá đất tỉnh, đơn vị tư vấn và UBND thành phố chưa có ý kiến chung trong việc xây dựng giá đất. “Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Hội đồng Thẩm định giá đất, bảng giá đất tỉnh thực hiện quy chế làm việc biểu quyết theo đa số, đảm bảo nguyên tắc giá đất cụ thể sát với giá đất thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị tư vấn và UBND thành phố thực hiện, tránh tình trạng trả đi, trả lại nhiều lần. Nếu trả lại hồ sơ thẩm định thì phải có văn bản nêu rõ nguyên nhân để thành phố thực hiện"-Phó Chủ tịch UBND thành phố kiến nghị.
Phát triển kinh tế-xã hội thích ứng với tình hình mới
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông đề nghị: Để công tác đầu tư chỉnh trang đô thị, xây dựng đô thị thông minh, hướng đến thành phố "Cao nguyên xanh vì sức khỏe" thì Pleiku phải cụ thể từng nguồn lực cho từng lĩnh vực hạ tầng gắn với giải pháp cụ thể. Chẳng hạn như đầu tư vỉa hè, cây xanh, điện chiếu sáng như thế nào?… Thành phố nên tính toán đến việc thu hút nhiều đơn vị tham gia vào quản lý các dịch vụ công ích thay vì một đơn vị như hiện nay nhằm thực hiện tốt hơn cũng như huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội hóa.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng cho rằng TP. Pleiku cần quan tâm đến công tác thu ngân sách, đặc biệt là các khoản thu trong cân đối nhằm đảm bảo nhiệm vụ chi trong thời gian tới. Cùng với đó, cần quan tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn. Bên cạnh đó, thành phố cần tích cực phối hợp với các thành viên Hội đồng Thẩm định giá đất, bảng giá đất tỉnh để có sự đồng thuận trong ban hành giá đất nhằm đảm bảo đẩy nhanh thực hiện các dự án. Đặc biệt, hiện mặt bằng giá đất trên địa bàn cao dẫn đến khó thu hút các dự án đầu tư, thành phố cần có giải pháp đồng bộ để kéo giá đất xuống, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên yêu cầu: Các ngành, các Đảng bộ phường, xã phải cụ thể hóa các chương trình trọng tâm, nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố gắn với thích ứng trong điều kiện mới. Đồng thời, thành phố phải quan tâm tháo gỡ dần các khó khăn, vướng mắc để người dân an tâm sản xuất kinh doanh. Các ngành của thành phố phải chủ động xây dựng phương án thích ứng trong điều kiện mới, như ngành Giáo dục là việc dạy và học trực tuyến; ngành Y tế là tiêm chủng, nhất là phòng-chống dịch bệnh hiệu quả. Đặc biệt, thời gian qua, số lao động ở phía Nam về tỉnh rất nhiều. Khi tình hình dịch ổn định thì số lao động này nếu ở quê sẽ làm gì? Đây là bài toàn mà ngành Lao động-Thương binh và Xã hội phải tính toán.
Ngoài ra, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo TP. Pleiku cần tháo gỡ ngay những vướng mắc liên quan đến các dự án đã quá lâu chưa triển khai, chưa giải quyết dứt điểm. Thường trực Thành ủy chủ trì mời các ngành của tỉnh, các đồng chí Tỉnh ủy viên phụ trách Đảng bộ để cùng bàn giải pháp tháo gỡ. "Thành phố là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, là bộ mặt của tỉnh nhưng việc triển khai các dự án, đề án, nhất là các dự án lâu năm, kéo dài mấy nhiệm kỳ không triển khai được, tôi đề nghị xử lý ngay"-Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên cũng yêu cầu TP. Pleiku quan tâm nâng cao chất lượng đảng viên, chất lượng sinh hoạt chi bộ, nhất là đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt; quan tâm đến vấn đề giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội, nhất là ở các làng dân tộc thiểu số; tiếp tục giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.