Bí thư Tỉnh ủy: Tập trung cơ cấu lại nông nghiệp và kinh tế nông thôn
Sáng 3/1, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn chủ trì họp nghe báo cáo chuyên đề: 'Đổi mới, sáng tạo cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; phấn đấu đến năm 2025 tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới, gắn với phát triển đô thị'.
Nhận thức rõ nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược lâu dài và là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục đổi mới phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo tinh thần Kết luận số 54-KL/TW ngày 07/8/2019 của Bộ Chính trị, đóng góp nội dung trực tiếp vào xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, tỉnh Hà Tĩnh xây dựng Chuyên đề “Đổi mới, sáng tạo cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; phấn đấu đến năm 2025 tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới, gắn với phát triển đô thị”.
Đến nay, chuyên đề đang giai đoạn dự thảo lần 2. Tại dự thảo lần này, chuyên đề gồm 3 phần: Phần 1 - Sự cần thiết, cơ sở pháp lý; phần 2 - đánh giá thực trạng phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới; phần 3 - quan điểm, mục tiêu, nội dung và giải pháp thực hiện đến năm 2025 và những năm tiếp theo.
Đại biểu đã phân tích các nội dung đề cập trong chuyên đề, đặc biệt là việc đánh giá thực trạng cần được làm rõ hơn phần nguyên nhân. Đại biểu cho rằng, cốt lõi của chuyên đề là cần tập trung sâu vào phát triển kinh tế nông thôn, làm thế nào để nâng cao thu nhập cho người dân.
Kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn ghi nhận Tổ Soạn thảo chuyên đề đã kịp thời bổ sung, tiếp thu những ý kiến góp ý lần 1. Tuy nhiên, tại dự thảo lần này vẫn cần tiếp tục bổ sung, điều chỉnh phù hợp. Cần nhận diện nguyên nhân chủ quan rõ hơn, tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp khả thi.
Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các sở, ngành, đơn vị chuyên môn tập trung cao trí tuệ, đóng góp vào chuyên đề đảm bảo phù hợp, tính khả thi cao. Nội dung trọng tâm tập trung vào cơ cấu lại nông nghiệp và kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân nông thôn.
Phải đi sâu vào việc tái cơ cấu để chuyển dịch cơ cấu lao động. Nông thôn phải gắn với đô thị. Kết nối kinh tế nông thôn với đô thị, hạ tầng nông thôn gắn với đô thị. Tháo gỡ và tạo điều kiện để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao; tổ chức sản xuất theo chuỗi.
Một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025 của chuyên đề (dự thảo):
Tốc độ tăng trưởng nông, lâm, thủy sản đạt trên 3%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động nông nghiệp đạt trên 4%/năm; giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đạt trên 130 triệu đồng/ha.
Có ít nhất 200 sản phẩm, dịch vụ được chứng nhận đạt chuẩn OCOP, trong đó có 30 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao.
Có 100% số xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 30% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 60% thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.
Thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm 2-3% theo chuẩn mới.
Thanh Hoài - Lê Tuấn