Bí thư tỉnh ủy Thái Nguyên: Bốn điểm đặc biệt nhất của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV
Theo Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, Kỳ họp thứ 5 có một số điểm đặc biệt.
Sau 23 ngày làm việc, chiều hôm nay (24/6), Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sẽ bế mạc. Nhìn nhận, đánh giá về Kỳ họp thứ 5, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đã đánh giá, với khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung quan trọng, Quốc hội đã làm việc rất hiệu quả và hết... công suất, các đại biểu phát huy tinh thần "Tận tâm - Tận lực - Tích cực - Tâm huyết - Trách nhiệm".
Tuy nhiên, theo Bí thư tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải, Kỳ họp thứ 5 đã có một số điểm “đặc biệt” so với các kỳ họp trước đó.
Thứ nhất, chưa kỳ họp Quốc hội nào có một tuần nghỉ giữa kỳ họp. “Là người đứng đầu địa phương, đây là phương pháp giúp cho chúng tôi vừa đảm bảo công việc họp Quốc hội chất lượng, hiệu quả. Nhưng vẫn đảm bảo công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của địa phương một cách kịp thời”, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải nói.
Thứ hai, khoảng thời gian nghỉ một tuần cũng đảm bảo cho các cơ quan tham mưu giúp việc của Quốc hội và cơ quan trình văn bản lập pháp, nghị quyết của Quốc hội được tiếp thu một cách đầy đủ, thấu đáo, thận trọng đối với các ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
Thứ ba, là đại biểu 3 khóa XIII, XIV, XV đây là lần đầu tiên nghỉ giữa kỳ. Đó là cách làm rất hiệu quả giúp cho các cơ quan thẩm tra, các cơ quan trình dự án luật, tiếp thu có điều kiện, thời gian để giải trình thấu đáo và tìm được sự đồng thuận thống nhất cao đối với dự án luật.
Thứ tư, báo cáo kiến nghị cử tri lần đầu tiên được đưa ra Quốc hội thảo luận. Trước đây, chỉ báo cáo trước phiên chất vấn để làm đề dẫn cho các đại biểu Quốc hội căn cứ vào những ý kiến tổng hợp kiến nghị cử tri sau đó chất vấn “trưởng ngành”. Việc dành thời lượng một buổi họp Quốc hội thảo luận báo cáo hết sức hiệu quả.
Bên cạnh đó, với khối lượng công việc rất lớn nhưng Quốc hội, chủ tọa kỳ họp, đại biểu Quốc hội, các cơ quan phục vụ cho Quốc hội đã làm việc rất hiệu quả và… “hết công suất”. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh về kết quả của Kỳ họp thứ 5 Khóa XV.
Theo Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Kỳ họp thứ 5 Khóa XV diễn ra trong 4 tuần, dư luận cử tri và bản thân tôi đã 3 khóa là đại biểu Quốc hội nhận thấy, với khoảng thời gian và khối lượng công việc rất lớn, nhưng Quốc hội, chủ tọa kỳ họp, đại biểu Quốc hội, các cơ quan phục vụ cho Quốc hội đã làm việc “hết công suất”.
“Không khí kỳ họp, sự chuẩn bị tài liệu, phát biểu của đại biểu Quốc hội trong các phiên thảo luận về kinh tế, xã hội, dự án luật, đặc biệt là tổ trưởng tổ thảo luận gồm 4 đoàn đại biểu Quốc hội tôi đánh giá các đại biểu Quốc hội phát biểu tại tổ rất chất lượng, có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, thời gian thảo luận ở tổ thường đến hết giờ”, đại biểu Nguyễn Thanh Hải bày tỏ.
Trong khi, tại các kỳ họp trước đây đại biểu thảo luận thường mong muốn đưa nội dung ra hội trường thảo luận. Nhưng vì việc tập hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội ở tổ rất tốt và được tiếp thu nhiều, nên việc thảo luận ở tổ trong kỳ họp này rất hiệu quả.
Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải chia sẻ: “Trong tổ của tôi có đoàn Thái Nguyên, Lâm Đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An đều nhận thấy có nhiều ý kiến phát biểu tại tổ đã được tổng hợp, giải trình và tiếp thu”.
Bên cạnh đó, phát biểu về các luật tại hội trường cũng rất chất lượng, điều này thể hiện các đại biểu Quốc hội đã có sự nghiên cứu sâu sắc và có tính tranh luận, phản biện.
Tuy nhiên, lần tranh luận, phản biện giữa các đại biểu Quốc hội không nhiều như các kỳ họp trước, nhưng các ý kiến khác nhau của các đại biểu đã được giải trình. Điều này cho thấy việc chuẩn bị của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan phục vụ cho Quốc hội như cơ quan trình, cơ quan thẩm tra về tài liệu, thông tin đi kèm rất đầy đủ. Việc này đã giúp cho các đại biểu Quốc hội có được một “hệ sinh thái” đầy đủ để chuẩn bị phát biểu.
Về mặt chuyên môn, với gần 500 đại biểu Quốc hội đi tiếp xúc hàng triệu cử tri theo hình thức trực tiếp và trực tuyến thì tất cả các ý kiến của các cử tri là “nguyên liệu” đầu vào để cho Quốc hội hoạt động thông qua gần 500 đại biểu Quốc hội với rất nhiều cuộc tiếp xúc cử tri đã được “cô đọng” trong báo cáo về tập hợp kiến nghị cử tri cũng như giải quyết kiến nghị cử tri thì đã được mang ra với Quốc hội để thảo luận.
Điều này có ý nghĩa chính trị rất lớn, người dân khi có ý kiến, kiến nghị thấy được ý kiến của mình đã được tập hợp, giải quyết và còn có những vấn đề chưa được giải quyết hoặc còn có khó khó khăn gì trong giải quyết thì đã được mang ra thảo luận, “mổ xẻ”.
Điều này khẳng định, Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất đại diện cho tiếng nói của người dân thông qua thảo luận đã mang một ý nghĩa chính trị rất lớn. “Cử tri nhận thấy tiếng nói nhỏ bé của mình từ một buôn, làng, xã hẻo lánh nhưng đã được mang đến Nhà Diên Hồng để thảo luận, trả lời và từng vị trưởng ngành phải trả lời. Điều này mang ý nghĩa hết sức quan trọng”, Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.