Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh điều hành phiên thảo luận tại tổ về Dự án Luật Phòng không nhân dân, Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 19/6/2024, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH); Dự án Luật Phòng không nhân dân. Đồng chí Trần Hồng Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh điều hành phiên thảo luận.

Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh điều hành phiên thảo luận tại tổ.

Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh điều hành phiên thảo luận tại tổ.

Dự án Luật PCCC&CNCH gồm 9 chương, 65 điều. Qua thảo luận, đa số ý kiến tại tổ 16 cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật PCCC&CNCH nhằm thể chế đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về PCCC&CNCH; luật hóa những quy định hiện hành và bổ sung quy định đầy đủ, toàn diện về hoạt động cứu nạn, cứu hộ. Việc ban hành luật nhằm khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập đang tồn tại, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và tăng cường công tác quản lý nhà nước về PCCC&CNCH trong tình hình mới.

Thảo luận tại tổ, các đại biểu cho rằng cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả PCCC&CNCH; quy định tiêu chuẩn kỹ thuật phòng PCCC; nghiệp vụ, điều kiện, phương án xử lý sự cố, tai nạn; củng cố mô hình lực lượng bán chuyên trách PCCC; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong trường học; điều kiện an toàn PCCC nhà ở, nhất là các khu vực khó tiếp cận; kinh doanh dịch vụ PCCC; biện pháp cơ bản phòng cháy.

Các đại biểu đề nghị xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật; phương tiện PCCC; phòng ngừa sự cố, tai nạn; bảo đảm an toàn, chất lượng thiết bị điện; quyền ưu tiên cho lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy; khắc phục hậu quả vụ cháy; trách nhiệm kiểm tra PCCC; đầu tư, phân bổ nguồn lực; huy động sức mạnh toàn dân tham gia PCCC; trang bị kiến thức, kỹ năng; nâng cao nhận thức, hành động về công tác PCCC.

Theo tờ trình của Chính phủ, việc ban hành Luật Phòng không nhân dân nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng không nhân dân, tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, huy động, tổ chức hoạt động phòng không nhân dân, quản lý các hoạt động liên quan đến tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không; xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước, giữ vững hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội để phát triển kinh tế; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Trên cơ sở 5 chính sách đã được Quốc hội thông qua, Dự thảo Luật Phòng không nhân dân được xây dựng có bố cục gồm 8 chương, 54 điều. Dự thảo luật quy định về xây dựng, huy động lực lượng; hoạt động phòng không nhân dân; quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không; nguồn lực, chế độ, chính sách, trang bị và quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đối với phòng không nhân dân.

Qua thảo luận, các đại biểu thống nhất cao với sự cần thiết ban hành Luật Phòng không nhân dân tạo cơ sở pháp lý xây dựng, tổ chức hoạt động phòng không nhân dân; bảo đảm an toàn phòng không; xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Các đại biểu đề nghị quy định cụ thể vai trò của lực lượng phòng không lục quân, phòng không quốc gia trong thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân; đăng kiểm tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; trách nhiệm quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không; quy định thống nhất về độ tuổi, thẩm quyền huy động, huấn luyện, diễn tập; điều hành và giám sát hoạt động bay; bảo vệ trận địa, công trình phòng không; nguồn lực, chế độ, chính sách, trang bị cho phòng không nhân dân. Cần quy định tiêu chí trọng điểm phòng không nhân dân; cơ chế chỉ huy điều hành, lực lượng phòng không nhân dân; lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân; xây dựng thế trận phòng không nhân dân; biện pháp bảo đảm an toàn phòng không; thủ tục rút gọn cấp phép bay cá nhân; cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động phòng không nhân dân.

Đồng chí Trần Hồng Minh đề nghị Tổ thư ký tổng hợp đầy đủ các ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội gửi Ban soạn thảo để nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện các dự án luật.

Lê Điệp

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/bi-thu-tinh-uy-tran-hong-minh-dieu-hanh-phien-thao-luan-tai-to-ve-du-an-luat-phong-khong-nhan-dan-lu-3170077.html