Bí thư TP.HCM chỉ rõ 3 nguy cơ lây nhiễm Covid-19 giai đoạn mới
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, giai đoạn sắp tới phải cảnh giác cao với 3 nguy cơ lây nhiễm.
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM chiều nay đã họp rút kinh nghiệm và triển khai chống dịch trong giai đoạn mới và nhấn mạnh 3 nguy cơ lây nhiễm là người tái nhiễm, người Việt Nam từ nước ngoài về và đối tác đầu tư - khách du lịch nước ngoài.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết, 3 tháng qua, TP cùng cả nước đã đạt thành quả rất tốt trong việc kiểm soát và đẩy lùi dịch Covid-19.
Tuy nhiên, để giữ thành quả đạt được ông Nhân khuyến cáo phải cảnh giác cao độ, không chủ quan, nhất là trước nguy cơ lây nhiễm trong giai đoạn mới.
Theo ông Nhân, có 3 nguy cơ lây nhiễm mới phải biết để phòng, chống và kiểm soát tốt.
Thứ nhất, nguy cơ người chữa khỏi bệnh nhưng tái nhiễm. Ông nêu ví dụ, Hàn Quốc chữa khỏi 8.000 người nhưng có 200 người bị nhiễm lại.
“Lấy tỷ lệ trung bình, so với 268 ca bệnh Việt Nam chữa khỏi thì chỉ khoảng 6-7 người có thể tái nhiễm”, lời ông Nhân.
Do đó, ông Nhân yêu cầu cần theo dõi chặt 53 ca nhiễm Covid-19 mà TP đã chữa khỏi bệnh.
Nguy cơ thứ hai, là từ người Việt Nam ở nước ngoài về nước thời gian tới. Ông Nhân cũng lấy ví dụ, vừa qua có 2 du học sinh về từ Nhật Bản, hạ cánh sân bay Vân Đồn đã nhiễm Covid-19, được cách ly chữa bệnh.
Từ đó, ông cho rằng TP sắp đón hàng nghìn người từ nước ngoài về thì phải kiểm soát, cách ly ngay từ đầu. Ông Nhân yêu cầu TP tái sắp xếp và chuẩn bị các khu cách ly đầy đủ để ngăn chặn nguy cơ này.
Nguy cơ thứ 3 là khi mở cửa trở lại thì đối tác thương mại đầu tư, khách du lịch sẽ là rất lớn. Tuy chưa có phương án này, nhưng ông Nhân đề nghị TP phải bàn, có kế hoạch. Đón trở lại hàng ngàn chuyên gia cùng hàng triệu khách du lịch thì phải có phương án chặt chẽ.
“Đây là bài toán cực kỳ khó”, ông Nhân băn khoăn.
Bốn bài học cho TP.HCM
Người đứng đầu Thành ủy cho biết, có 4 bài học lớn đem lại thành công về kiểm soát và dần đẩy lùi dịch của TP nói riêng và cả nước nói chung.
Thứ nhất, vì sao chúng ta ở ngay gần nước là trung tâm dịch đầu tiên của thế giới diễn ra rất mạnh, nhưng qua 3 tháng chỉ có có 268 người nhiễm.
"Bài học chính là phòng bệnh trước chữa bệnh. Còn chữa bệnh thì phải hiệu quả, phát huy sức mạnh tổng hợp, phù hợp với điều kiện của Việt Nam và TP", lời ông Nhân.
Thứ hai, việc phòng dịch cũng như chữa bệnh là phải dựa trên quy luật sinh học. Ở đây là làm sao cắt được việc lây từ người này sang người khác, lây qua đường hô hấp là chủ yếu. Do đó, đeo khẩu trang, rửa tay, hạn chế tụ tập đông người, giữ khoảng cách… là những biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả.
Bài học thứ 3 là thực hiện tuyên truyền, vận động tổ chức phù hợp với quy luật của xã hội và phát huy sức mạnh hệ thống chính trị.
Người đứng đầu Thành ủy yêu cầu trong giai đoạn mới phải có một đợt truyền thông mới là người dân đừng chủ quan, không lơ là việc phòng, chống dịch Covid-19.
Cuối cùng là chỉ đạo của TP qua hoạt động thường xuyên, hàng ngày là kịp thời bám sát thực tiễn và chỉ đạo hiệu quả.