Bí thư TPHCM: 'Chọn người thực tài, có khát vọng cống hiến khi tinh gọn bộ máy'
Bí thư Thành ủy TPHCM yêu cầu, khi tinh gọn bộ máy, phải chọn người có thực tài, có khát vọng cống hiến để sử dụng; những cá nhân, tổ chức mà sự tồn tại không đem lại nhiều giá trị thì cần thiết xem xét lại.
Quan điểm trên được Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên bày tỏ tại Hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025, diễn ra ngày 26/12.
Theo Bí thư Thành ủy, đây là công việc cấp thiết trong bối cảnh thành phố cùng cả nước chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới-kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ông Nguyễn Văn Nên chia sẻ, việc sắp xếp tinh gọn là yêu cầu bức thiết để tái cấu trúc bộ máy, chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Ông cũng thông tin, mới đây, Bộ Chính trị đã họp bàn về chính sách đối với tổ chức, cá nhân bị tác động, để giải quyết cân bằng, hài hòa, hợp lý và thỏa đáng khi tinh gọn bộ máy.
"Khi sắp xếp lại, có thể một bộ phận được lựa chọn để phân công, sắp xếp lại nhưng có người sẽ rời đi. Những vấn đề này cần được tính toán rất kỹ. Đây là trách nhiệm chung của bộ máy lãnh đạo, chứ không chỉ của riêng người chịu tác động", Bí thư Thành ủy TPHCM lưu ý.
Người đứng đầu Đảng bộ TPHCM nhấn mạnh, những người có thực tài, có khả năng, trình độ, khát vọng cống hiến sẽ được tính toán sử dụng phù hợp; những cá nhân, tổ chức mà sự tồn tại không đem lại nhiều giá trị thì cần thiết xem xét lại.
“Chúng ta muốn cống hiến thì chỗ nào, vị trí nào, trên cương vị nào cũng có cơ hội để cống hiến, hãy yên tâm về điều đó", Bí thư Nguyễn Văn Nên nhắn nhủ.
Đơn vị không sắp xếp cũng phải tái cơ cấu bộ máy
Liên quan vấn đề này, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chỉ đạo, các sở, ngành, địa phương dù không thuộc diện cần sắp xếp cũng cần tái cơ cấu trong nội bộ, rà soát quy trình, tinh gọn bộ máy để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Với các đơn vị thuộc diện sắp xếp, tinh gọn, ông Mãi yêu cầu phải sớm có kế hoạch, rà soát quy trình, có những đề xuất, kiến nghị tổng hợp báo cáo để UBND TP trình Trung ương cần sửa đổi quy định, văn bản quy phạm pháp luật thế nào nhằm phục vụ cho hoạt động của bộ máy sau tinh gọn.
"Bộ trưởng Tư pháp xác định có khoảng 184 luật và trên 200 văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi để phục vụ việc sắp xếp. Bản thân chúng ta là người làm trực tiếp thấy cần sửa đổi gì cũng phải nghiên cứu, đề xuất cụ thể từ thực tiễn địa phương", ông Phan Văn Mãi yêu cầu.
Liên quan đến tình hình kinh tế-xã hội, Chủ tịch TPHCM cho rằng, cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ thời gian tới, trong đó quan trọng nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.
Ông Phan Văn Mãi cho rằng, cần nhận diện rõ vấn đề "hạn chế của hạn chế", "điểm nghẽn của điểm nghẽn" tại TPHCM là công tác phối hợp giải quyết công việc giữa các sở, ngành, quận, huyện, để hiệu quả công việc đồng bộ hơn.
"Hôm nay, từng thành viên UBND TPHCM, từng thủ trưởng đứng đầu các đơn vị cần đặt câu hỏi, trăn trở để giải quyết vấn đề trên, thay vì hỏi tôi có nhập hay không, khi sáp nhập tôi sẽ về đâu…", Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.