Bị trả đũa vì tố cáo nạn quấy rối tình dục

Cứ 10 phụ nữ Singapore từng bị quấy rối ở chỗ làm thì có 3 người chịu cảnh trả đũa bởi cấp trên, đồng nghiệp, thậm chí chính kẻ tấn công.

Theo Straits Times, số liệu đó là kết quả từ nghiên cứu I Quit của Hiệp hội Phụ nữ Hành động và Nghiên cứu (Aware), được công bố đầu tháng này.

Nhóm vận động bình đẳng giới này cho biết tình trạng chèn ép, đổ lỗi nạn nhân và cô lập diễn ra ở nơi làm việc là cách các tổ chức và cá nhân bảo vệ hình ảnh công ty, đảm bảo nhân viên không chểnh mảng làm việc trước những lời tố cáo.

Tuy nhiên, những hành vi này lại như "nhát dao thứ hai" với nạn nhân, khiến họ bị suy sụp tinh thần, cô lập và ảnh hưởng sự nghiệp.

 Nghiên cứu I Quit chỉ ra cứ 10 phụ nữ Singapore từng tố bị quấy rối nơi công sở thì có 3 người phải chịu cảnh chèn ép, cô lập từ cấp trên, đồng nghiệp, thậm chí cả kẻ tấn công. Ảnh: Shutterstock.

Nghiên cứu I Quit chỉ ra cứ 10 phụ nữ Singapore từng tố bị quấy rối nơi công sở thì có 3 người phải chịu cảnh chèn ép, cô lập từ cấp trên, đồng nghiệp, thậm chí cả kẻ tấn công. Ảnh: Shutterstock.

Bị trả đũa

Reena, làm việc trong lĩnh vực tài chính, từng bị quấy rối bằng lời nói bởi một bên liên quan của công ty.

Khi báo cáo vụ việc, người quản lý bắt đầu rút ngắn thời gian công tác của cô một cách vô lý. Ví dụ, với những công việc cần ít nhất 2 tuần để hoàn thiện, Reena chỉ được phép làm trong vòng 3 ngày.

Thực tế, nạn nhân có thể bị trả đũa theo nhiều hình thức khác, bao gồm không có cơ hội thăng tiến, hiệu suất làm việc bị đánh giá thấp, thậm chí là kỷ luật hay đuổi việc.

Mei Ling, một người tham gia nghiên cứu, nói rằng cô từng bị đồng nghiệp buông lời suồng sã khi còn làm việc tại một trường học.

Sau khi nộp đơn tố cáo lên cấp trên, hiệu trưởng lại cáo buộc ngược lại Mei Ling, thay vì xem xét và điều tra cẩn thận vụ việc này.

"Trong đợt xếp hạng giáo viên, tôi bị đánh giá thấp vì 'thiếu chuyên nghiệp'. Hiệu trưởng khăng khăng tôi chểnh mảng công việc, thường xuyên vắng mặt trên lớp một cách tùy tiện. Điều đó không hề đúng", cô kể.

 Ngoài việc bị cấp trên gây khó dễ, nạn nhân thường bị đồng nghiệp xa lánh, đàm tiếu và đổ lỗi vì lên tiếng. Ảnh: iStock.

Ngoài việc bị cấp trên gây khó dễ, nạn nhân thường bị đồng nghiệp xa lánh, đàm tiếu và đổ lỗi vì lên tiếng. Ảnh: iStock.

Các hành động trả đũa tác động vào sự nghiệp của nạn nhân thường được gây ra bởi những người có quyền lực hơn.

Một khảo sát trên 1.167 nhân viên liên bang Mỹ cho thấy các nạn nhân bị trả thù vì tố cáo quấy rối nơi công sở thường có địa vị thấp trong tổ chức.

Ngoài việc bị cấp trên chèn ép, nghiên cứu còn chỉ ra nạn nhân dễ bị đồng nghiệp, cấp dưới tẩy chay, trở thành chủ đề bàn tán và đổ lỗi.

Một người được tổ chức Aware khảo sát chia sẻ rằng cô phải chịu nhiều bình luận khiếm nhã từ đồng nghiệp sau khi kể về trải nghiệm bị quấy rối.

"Nhiều đồng nghiệp còn né tránh tôi. Tôi cũng không được tham gia vào nhiều dự án, sự kiện quan trọng như trước", cô nói.

Sada, một nhân viên IT từng bị quấy rối tình dục nơi công sở, còn bị tẩy chay trên mạng xã hội.

"Họ đồn thổi rằng tôi 'chuyên gây rắc rối', không muốn nói chuyện cùng. Có người nghiệp còn khuyên đáng lẽ tôi không nên tố cáo vì thủ phạm 'chỉ quấy rối bằng lời nói, không động chạm thân thể nên không đáng ngại'", cô nói.

Cần sự thay đổi

Các chuyên gia cho rằng những hành vi cô lập, đàm tiếu xảy ra phổ biến hơn các hình thức trả đũa liên quan tới công việc.

Điều này có thể làm ảnh hưởng tới năng suất, mức độ hài lòng với công việc, sức khỏe tinh thần của nạn nhân.

Theo Straits Times, những hành động trả đũa này sẽ khiến nạn nhân sợ hãi, chọn cách im lặng và không dám tìm kiếm bất kỳ sự trợ giúp nào.

 Tổ chức Aware cho biết chính phủ cần đưa ra đạo luật bảo vệ quyền của nạn nhân, các nhà quản lý cần cải thiện môi trường làm việc để ngăn chặn tình trạng quấy rối nơi công sở. Ảnh: iStock.

Tổ chức Aware cho biết chính phủ cần đưa ra đạo luật bảo vệ quyền của nạn nhân, các nhà quản lý cần cải thiện môi trường làm việc để ngăn chặn tình trạng quấy rối nơi công sở. Ảnh: iStock.

Nghiên cứu I Quit cũng cho thấy người sử dụng lao động chỉ cần đe dọa gây khó dễ cho nạn nhân để ngăn họ tố cáo vụ việc quấy rối, tấn công tình dục ở nơi làm việc.

Các hành vi trên không thể được giải quyết kịp thời và ngăn chặn chúng tiếp diễn do vô số sự cố không được báo cáo. Đồng thời, nạn nhân cũng đối diện với hàng loạt nguy cơ về sức khỏe như trầm cảm, rối loạn lo âu... vì bị chèn ép.

Thực tế, cơ chế ba bên về Giải quyết nạn Quấy rối ở nơi làm việc có nguyên tắc không trả đũa trong hướng dẫn dành cho người sử dụng lao động: "Người cung cấp thông tin, tố cáo không thể trở thành nạn nhân của người sử dụng lao động sau khi báo cáo".

Tuy nhiên, số lượng người quản lý ở Singapore áp dụng nguyên tắc này không được theo dõi cụ thể nên không thể ước tính có bao nhiêu nạn nhân được bảo đảm quyền lợi này.

Nghiên cứu trên khuyến nghị chính phủ Singapore ban hành đạo luật nhằm quy định rõ ràng về các hành vi trả đũa, bảo vệ các nạn nhân để đối phó với vấn nạn quấy rối tình dục nơi công sở.

Đồng thời, các nhà quản lý cần thực hiện chính sách chống quấy rối tình dục tại công ty, đào tạo về sự nhạy cảm giới nhằm tạo môi trường làm việc an toàn hơn.

Ngọc Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bi-tra-dua-vi-to-cao-nan-quay-roi-tinh-duc-post1285764.html