Bị trừ hết 12 điểm, phải làm gì để phục hồi bằng lái?
Kể từ ngày 1/1 đến nay, đã có rất nhiều tài xế vi phạm giao thông bị xử phạt tiền và trừ điểm bằng lái. Vậy khi bị trừ hết điểm, tài xế phải làm những gì để phục hồi bằng lái?
Tài xế phải "thi lại" những kiến thức gì?
Nghị định số 168/2024 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (GPLX) có hiệu lực từ 1/1/2025 đã thay thế cho Nghị định 100/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/NĐ-CP).
So với các quy định trước đây, Nghị định số 168/2024 lần đầu tiên áp dụng việc trừ điểm giấy phép lái xe (GPLX) đối với người vi phạm giao thông.
Theo quy định mới, mỗi loại bằng lái xe có 12 điểm, người điều khiển phương tiện vi phạm giao thông tùy theo tính chất của hành vi sẽ bị trừ tối thiểu 2 điểm và tối đa 10 điểm.
Kể từ ngày 1/1 đến nay, đã có rất nhiều tài xế vi phạm giao thông, bị xử phạt tiền và trừ điểm GPLX.
Theo đại diện Cục Cảnh sát giao thông, GPLX chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng từ ngày bị trừ điểm gần nhất thì được phục hồi đủ 12 điểm. GPLX bị trừ hết điểm thì tài xế không được điều khiển xe theo giấy phép đó.
Sau thời hạn ít nhất 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, người có bằng lái xe được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự ATGT đường bộ, do CSGT tổ chức, có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.
Để được phục hồi điểm GPLX, tài xế sẽ thực hiện theo các quy định tại Thông tư số 65/2024 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025) quy định kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự ATGT.
Cụ thể, nội dung kiểm tra dành cho tài xế gồm: Lý thuyết kiến thức pháp luật về trật tự ATGT đường bộ căn cứ theo câu hỏi sát hạch lý thuyết để cấp GPLX; các bài mô phỏng những tình huống giao thông trên máy tính do Bộ Giao thông vận tải quy định.
Khi kiểm tra lý thuyết, người dự kiểm tra thực hiện bài trắc nghiệm trên máy tính theo phần mềm. Đối với kiểm tra kiến thức theo mô phỏng, thí sinh xử lý các tình huống giao thông theo mô phỏng trên máy tính.
Về thời gian, kết cấu bài kiểm tra và kết quả đạt yêu cầu, Thông tư số 65/2024 phân chia theo các hạng GPLX. Ví dụ như, người dự kiểm tra có GPLX hạng A, A1 và B1 làm bài trong 19 phút. Kết cấu bài kiểm tra gồm 25 câu hỏi trắc nghiệm, mỗi câu hỏi được tính 1 điểm, trong đó có 1 câu hỏi được tính là điểm liệt.
Người có GPLX hạng B làm bài kiểm tra trong 20 phút, gồm 30 câu hỏi trắc nghiệm, mỗi câu hỏi được tính 1 điểm, trong đó có 1 câu được tính là điểm liệt.
Đối với phần thi mô phỏng tình huống, Thông tư 65 quy định, thời gian kiểm tra không quá 10 phút, gồm 10 câu hỏi mô phỏng các tình huống giao thông tương ứng với 10 điểm. Mỗi câu hỏi có số điểm tối đa là 5 điểm và tối thiểu 0 điểm.
Số điểm đạt được của người dự kiểm tra tương ứng với thời điểm nhận biết và xác định tình huống tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông thông qua việc tương tác với máy tính có cài đặt phần mềm mô phỏng. Người dự kiểm tra đạt từ 35/50 điểm trở lên là đạt yêu cầu.
Ngoài ra, người có kết quả kiểm tra lý thuyết kiến thức pháp luật không đạt yêu cầu thì không được kiểm tra kiến thức pháp luật theo mô phỏng. Còn người có kết quả kiểm tra lý thuyết đạt yêu cầu nhưng có kết quả kiểm tra mô phỏng không đạt thì được bảo lưu kết quả kiểm tra lý thuyết trong thời gian 1 năm kể từ ngày kiểm tra.
Đáng chú ý, người dự kiểm tra có kết quả kiểm tra không đạt yêu cầu thì có thể đăng ký kiểm tra lại sau 7 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc kiểm tra trước đó.
CSGT kiểm tra kiến thức thế nào?
Thông tư số 65 còn quy định về cơ quan có thẩm quyền kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự ATGT, gồm Cục CSGT và Phòng CSGT công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Để thực hiện, các đơn vị này sẽ bố trí phòng kiểm tra kiến thức, trang bị máy tính kết nối mạng WAN Bộ Công an đến máy chủ đặt tại Cục CSGT và phần mềm kiểm tra.
Các "phòng thi" còn có camera giám sát được toàn bộ hình ảnh trong phòng, có thiết bị lưu trữ dữ liệu hình ảnh camera.
Cán bộ được giao nhiệm vụ kiểm tra kiến thức phải có GPLX mô tô hạng A và GPLX ô tô, được Cục CSGT tổ chức tập huấn, cấp thẻ sát hạch viên.
Đại diện Cục CSGT cho biết thêm, việc quy định trừ điểm GPLX vừa có tính chất răn đe vừa có tính chất giáo dục, động viên về việc chấp hành pháp luật về trật tự ATGT đường bộ.
"Mỗi lần bị trừ điểm như "tiếng chuông" cảnh báo tài xế chấp hành pháp luật tốt hơn. GPLX chưa bị trừ hết điểm, người lái xe tiếp tục được điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không ảnh hưởng đến hoạt động tham gia giao thông, hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân.