Bị tước quyền tự quyết room ngoại, ngân hàng bị dồn vào thế khó - Bài 3: Nghị định 'xoay' chóng mặt, ngân hàng không kịp trở tay
Các kế hoạch dài hơi của các ngân hàng có nguy cơ đổ bể, nếu quyền định đoạt về room bị tước mất. Nhiều ngân hàng tỏ ra hoang mang.
Với nhiều điểm mới, Luật Chứng khoán 2019 (có hiệu lực đầu năm 2021) hứa hẹn làm tăng tính minh bạch của thị trường chứng khoán, bảo vệ tốt hơn nhà đầu tư.
Thế nhưng, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa đưa ra lấy ý kiến lại có nhiều điểm gây tranh cãi. Trong đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước dự kiến bỏ quyền tự định đoạt tỷ lệ sở hữu cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài (room vốn ngoại) của các doanh nghiệp đại chúng. Với ngành kinh doanh đặc thù, có nhiều yếu tố nhạy cảm như ngân hàng, quy định này đang ẩn chứa rất nhiều rủi ro. Nếu Ban soạn thảo không sửa đổi, các ngân hàng sẽ phải gánh chịu thiệt hại.
Đối với lĩnh vực ngân hàng, Chính phủ chỉ mở tối đa 30% room sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Đức Thanh
Bài 3: Nghị định “xoay” chóng mặt, ngân hàng không kịp trở tay
Khi chưa tính toán hết được mức độ thiệt hại liên quan đến vấn đề định đoạt room vốn ngoại của doanh nghiệp, Bộ Tài chính cần có quy định ngoại trừ với lĩnh vực ngân hàng để giảm bớt thiệt hại không đáng có với cổ đông, doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Luật mâu thuẫn, doanh nghiệp hoang mang
Hiện trên thị trường, nhiều ngân hàng vẫn còn dư room vốn ngoại. Phần room này không được mở hết, mà đa phần được giữ lại để chuẩn bị các kế hoạch dài hơi hơn như: bán cho đối tác chiến lược để tăng vốn, tái cơ cấu hoạt động, phát hành cổ phiếu ESOP cho nhân sự là người nước ngoài để thu hút nhân tài… Thế nhưng, các kế hoạch đang có nguy cơ đổ bể, nếu quyền định đoạt về room bị tước mất. Nhiều ngân hàng tỏ ra hoang mang.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, đại hội đồng cổ đông là cơ quan cao nhất của công ty cổ phần, được quyết định nhiều nội dung liên quan đến vận mệnh của doanh nghiệp, trong đó có thẩm quyền quyết định loại cổ phần và tổng số cổ phần từng loại được quyền chào bán. Luật Chứng khoán cũng không hề có quy định nào về tước đoạt quyền tự quyết room ngoại của doanh nghiệp.
Thế nhưng, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán lại bãi bỏ quyền lợi này của doanh nghiệp, đảo ngược hoàn toàn quy định trong Nghị định hiện hành (Nghị định 60/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán hiện hành).
TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia khẳng định, nguyên tắc của Nghị định bao giờ cũng là cụ thể hóa các điều luật cần Chính phủ quy định chi tiết, chứ không phải để phủ định hết nội dung của quy định cũ.
“Luật pháp bao giờ cũng có tính bảo thủ nhất định, nhằm tạo môi trường kinh doanh ổn định, chỉ thay đổi khi thật cần thiết, nếu các quy định cũ cản trở sự phát triển. Việc đưa ra quy định mới ‘phủ’ quy định cũ gây bất ổn cho nền kinh tế cần hết sức tránh. Trong quan hệ kinh tế, doanh nghiệp cần nhất là tính ổn định của pháp luật, của môi trường kinh doanh. Đáng lo là, trong lĩnh vực kinh tế đang tồn tại tình trạng nhiều luật chồng chéo, mâu thuẫn nhau”, ông Lịch nói.
Tán thành ý kiến này, TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, ngân hàng hiện vừa phải tuân thủ Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, vừa phải tuân theo luật chuyên ngành. Luật Doanh nghiệp, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán phải liên thông với nhau, vừa đảm bảo quyền tài sản của doanh nghiệp, vừa bảo đảm quyền tài sản của cổ đông.
“Có nghĩa là, phải cân bằng giữa bảo vệ quyền lợi của cổ đông nhỏ lẻ với quyền lợi của cổ đông lớn, quyền lợi của doanh nghiệp. Dự thảo Nghị định của Bộ Tài chính đang thiên về bảo vệ quyền lợi cổ đông nhỏ lẻ, mà coi nhẹ quyền lợi cổ đông nhà nước, quyền lợi của doanh nghiệp. Chúng ta quên mất rằng, doanh nghiệp được lợi thì tất cả cổ đông - dù lớn hay nhỏ đều được lợi và ngược lại”, ông Kiên cảnh báo.
Bỏ qua tính đặc thù của ngành ngân hàng, thiệt hại ai gánh chịu?
Bảo vệ quyền lợi của cổ đông nhỏ lẻ, minh bạch thị trường là mong muốn đúng đắn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khi xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, việc bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ đã nằm trong nhiều quy định khác. Việc tước quyền định đoạt room ngoại của doanh nghiệp là can thiệp thô bạo đến quyền của doanh nghiệp, trong khi không có ý nghĩa nhiều đến bảo vệ quyền lợi cổ đông nhỏ lẻ là không cần thiết.
Ngoài ra, giới chuyên gia cho rằng, trong trường hợp Ban soạn thảo kiên quyết áp dụng quy định trên, thì cần phải tính toán đến các lĩnh vực đặc thù và phải cân nhắc mức độ thiệt hại với các ngành này khi áp dụng.
Đối với lĩnh vực ngân hàng, Chính phủ kiên quyết chỉ mở tối đa 30% room sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài. Trong 30% đó, việc chào bán cho nhà đầu tư chiến lược nào lại phải được cơ quan quản lý đồng ý mới được thông qua. Không phải ngẫu nhiên mà cơ quan quản lý dè chừng với room vốn ngoại của ngân hàng như vậy. Việc dự thảo mới của Bộ Tài chính đánh đồng ngân hàng với tất cả loại hình kinh doanh khác là không phù hợp. “Không nên xem thường yếu tố nước ngoài trong các ngân hàng”, TS. Trần Du Lịch cảnh báo.
Theo các chuyên gia, điểm khác biệt lớn nhất của ngân hàng so với các doanh nghiệp khác, kể cả fintech, là ngân hàng được phép huy động vốn nội địa. Thế nhưng, việc ngân hàng mất quyền định đoạt về room có thể là kẽ hở để vốn ngoại thâu tóm ngân hàng. Khi đó, nguy cơ xảy ra là nguồn vốn huy động trong nước có thể bị tác động để “đẩy ra nước ngoài”, đây là nguy cơ rất lớn cho nền kinh tế.
TS. Nguyễn Đức Kiên cho rằng, kinh tế Việt Nam đang là nền kinh tế chuyển đổi, có những ngành Chính phủ phải can thiệp, vừa để cho doanh nghiệp phát triển, vừa hài hòa lợi ích các bên, như ngành ngân hàng. Tuy nhiên, Dự thảo Nghị định mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang chủ trì soạn thảo chưa tính tới yếu tố đặc thù của ngành này, gộp chung với các ngành khác. Điều này là không hợp lý, bởi ngân hàng là lĩnh vực đặc thù, là mạch máu của nền kinh tế, là công cụ để xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Việc bỏ quyền tự quyết định room ngoại với một doanh nghiệp đơn thuần có thể không gây vấn đề lớn, nhưng với ngân hàng lại có thể gây ra hệ lụy khôn lường. Ngân hàng là lực lượng, mà qua đó, Ngân hàng Nhà nước điều tiết chính sách tiền tệ quốc gia, giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, bất cứ thay đổi nào đối với ngành này cũng cần đánh giá kỹ tác động tiêu cực trước khi ban hành.
Gây bất ổn cho các ngân hàng.
TS. Trần Du Lịch
Tôi ủng hộ việc bán cổ phần cho nước ngoài để giúp ngân hàng trong nước nâng cao quản trị, tăng cường minh bạch. Song để làm được điều đó, ngân hàng phải có quyền định đoạt về room vốn ngoại, được chọn lựa nhà đầu tư chiến lược. Quy định như Dự thảo Nghị định sẽ làm mất đi quyền lựa chọn của ngân hàng, gây lo lắng cho nhà đầu tư chiến lược và gây bất ổn cho cả ngân hàng.
TS. Trần Du Lịch ủng hộ mong muốn của Ban soạn thảo trong việc bảo vệ quyền lợi cho cổ đông nhỏ lẻ, song chỉ bảo vệ cổ đông nhỏ lẻ là không ổn. Dự thảo tạo điều kiện cho các cổ đông nước ngoài nhỏ lẻ lướt sóng, song khiến cổ đông chiến lược cảm thấy áp lực. Trong khi đó, quan điểm của Chính phủ là lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài một cách có chọn lọc, ưu tiên các nhà đầu tư lâu dài.
“Quan điểm của tôi là chưa cần thiết phải thay đổi quy định về quyền tự quyết về room ngoại của doanh nghiệp, nhất là ngân hàng, nếu không chứng minh được rằng, quy định hiện tại cản trở phát triển ra sao. Chúng ta cũng không nên can thiệp quá sâu vào quyền tự quyết của doanh nghiệp bằng một văn bản hành chính”, TS. Trần Du Lịch đề nghị.
Trả lời phóng viên Báo Đầu tư, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thừa nhận, để dành room là nhu cầu thiết thực của ngân hàng. Tuy nhiên, với lĩnh vực đặc thù, Ban soạn thảo đã đưa ra phương án mở là do luật chuyên ngành quy định.
Vấn đề là, hiện Luật Các tổ chức tín dụng không có bất kỳ quy định nào về vấn đề này và nếu có sửa đổi, bổ sung cũng sẽ mất rất nhiều thời gian. Nếu Nghị định được ban hành, các ngân hàng thương mại sẽ gặp lỗ hổng pháp lý lớn. Như vậy, Trung tâm Lưu ký chứng khoán cũng không có cơ sở pháp lý để khóa room ngoại theo yêu cầu của ngân hàng thương mại và các nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhanh chóng mua hết room. Khi đó, thiệt hại xảy ra với ngân hàng, với các cổ đông - trong đó có cả cổ đông nhà nước, ai sẽ chịu trách nhiệm?
Câu hỏi này, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chưa trả lời, nhưng cho hay, việc xây dựng các quy định trong Dự thảo được đưa ra dựa trên nguyên tắc của các bộ luật hiện hành, song hiện nhiều quy định pháp luật đang chồng chéo, bên nào cũng có lý riêng. Một trong những phương án được tính tới là với lĩnh vực đặc thù, nếu luật chuyên ngành chưa quy định, thì cho một khoảng lùi để chờ hướng dẫn của luật chuyên ngành bổ sung. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một trong các phương án đưa ra để bàn thảo.
“Chúng tôi đang trong quá trình thảo luận, xin ý kiến Bộ Tư pháp và các bộ, ngành khác, chưa thể công bố phương án cuối cùng”, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho hay.
Trong khi các quy định pháp luật còn chồng chéo, luật chuyên ngành còn nhiều khoảng trống chưa kịp bổ sung, thì với lĩnh vực nhạy cảm như ngân hàng, các chuyên gia cho rằng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nên có quy định ngoại trừ cho các ngân hàng thương mại, chưa vội tước quyền định đoạt về room của nhóm doanh nghiệp này. Bởi như đã phân tích, quy định này chỉ có lợi cho các cổ đông nhỏ lẻ nước ngoài lướt sóng, còn với nền kinh tế, với các cổ đông cũng như với bản thân ngân hàng, thì mức độ thiệt hại rất khó lường trước.