Bị vây tứ bề, triển vọng nào cho Nord Stream 2?
Nước Nga bày tỏ sự tin tưởng rằng, mặc dù có bất kỳ trở ngại nào, Nord Stream 2 sẽ được hoàn thành.
Đường ống dẫn khí từ Nga đến Đức qua Biển Baltic có chiều dài 1234 km với chi phí ước tính 9,5 tỷ euro, trong đó 50% được tài trợ bởi các công ty châu Âu Engie, OMV, Shell, Uniper và Wintershall. Dự kiến sẽ hoàn vốn trong khoảng từ 8 đến 30 năm. Đây là đường ống mở rộng của đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc. Đường ống đi qua các vùng đặc quyền kinh tế và lãnh hải của năm quốc gia: Đức, Đan Mạch, Nga, Phần Lan và Thụy Điển. Vào tháng 12/2019, việc xây dựng đường ống ngầm dưới biển hoàn thiện 93,5%, đã bị đình chỉ do các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.
Với luận điểm của mình và mong muốn cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng cho EU, Hoa Kỳ cho rằng “Nord Stream 2” là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ”, "đe dọa Ukraine và sự độc lập năng lượng của châu Âu" và “vì lợi ích của châu Âu”. Với sự đồng nhất của các nước đồng mình trong khối châu Âu: Ba Lan (đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Đức, tạo ra trung tâm khí đốt của riêng mình cho các nguồn cung cấp LNG từ Hoa Kỳ), Estonia, Latvia, Litva, Romania, Hungary và Ukraine (không nằm trong Liên minh châu Âu), Hoa Kỳ đã có kế hoạch mở rộng các hạn chế và sẽ được áp cho tất cả các hoạt động liên quan đến đặt ống và bảo hiểm.
Vào tháng 12/2019, Hoa Kỳ đã phê duyệt ngân sách quốc phòng của quốc gia (NDAA) trong đó trong đó quy định các biện pháp trừng phạt đối với năng lượng của Nga và đối với các tàu nước ngoài đặt đường ống dẫn khí đốt của Nga. Trong cuộc đàm phán của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel, TT Putin thể hiện quan điểm là Nga sẽ tự hoàn thành dự án muộn hơn vài tháng, có thể vào đầu quý I/2021.
Những nguy cơ và khó khăn
Để hoàn thành dự án trong thời hạn do Tổng thống Nga đề ra, Gazprom phải đệ trình lên Cơ quan Năng lượng Đan Mạch (DEA) để xin phép sử dụng các tàu có hệ thống định vị neo. Nhưng Đan Mạch - quốc gia EU cuối cùng phải đồng ý về xây dựng tuyến đường dự án, với sự ảnh hưởng từ Hoa Kỳ muốn trì hoãn hoàn thiện dự án nên có thể chỉ duyệt vào đầu tháng 8.
Vấn đề nghiêm trọng nhất đối với dự án là khi sau khi dự án đã khởi công thì mới bổ sung Chỉ thị Khí đốt của EU, yêu cầu nhà cung cấp khí đốt và chủ sở hữu đường ống phải là các đơn vị khác nhau và một nhà cung cấp độc lập chỉ được cung cấp 50% nhiên liệu được bơm. Có nghĩa là, Gazprom sẽ chỉ có thể sử dụng một nửa công suất đường ống và thời gian hoàn vốn của dự án ít nhất sẽ tăng gấp đôi. Gazprom đã đệ đơn lên tòa án quốc tế Toronto yêu cầu EU nếu không thay đổi điều kiện thì phải đền bù số tiền 8 tỷ euro tương đương số tiền đã xây dựng dự án.
Sau khi tàu của Swiss Allseas rời khỏi dự án do lệnh trừng phạt, Hoa Kỳ tiếp tục mở rộng ảnh hưởng của mình để cản trở việc hoàn thành “Nord Stream 2” bằng cách đưa ra tuyên bố sẽ trừng phạt tất cả các tàu nếu tham gia vào dự án. Ngoài mối đe dọa mới này, theo tờ Handelsblatt của Đức, Washington sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt với Gazprom đối với các công ty tham gia bảo trì đường ống nước sâu, cũng như người mua khí đốt của Nga. Ngoài ra, lệnh trừng phạt cũng sẽ được áp dụng đối với các cá nhân và tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ kiểm tra, kiểm tra hoặc chứng nhận liên quan đến hoạt động của đường ống dẫn khí. Sau khi hoàn thành xây dựng, toàn bộ và từng phần của đường ống dẫn khí phải được kiểm tra và chứng nhận bởi một tổ chức độc lập.
Nhưng dường như những đe dọa này không thể đẩy lùi quá trình việc hoàn thành theo kế hoạch của dự án khi mà dự án gần như được tài trợ hoàn toàn: Đến đầu tháng 5, Uniper đã chuyển 700 triệu euro trong số 950 triệu, Wintershall sẽ hoàn thành mọi nghĩa vụ của mình vào cuối tháng, hơn nữa có hơn 1000 công ty từ 25 quốc gia quan tâm và có liên quan đến dự án. Mặt khác, các biện pháp trừng phạt đối với các công ty lớn ở châu Âu sẽ làm cho mối quan hệ của Washington với châu Âu sẽ trở nên khó khăn hơn. Các nhà nghiên cứu thế giới cũng như cơ quan ngôn luận đều cho rằng Mỹ áp lệnh trừng phạt như vậy là bất hợp pháp, Mỹ cạnh tranh không lành mạnh về kinh tế và coi thường lợi ích của châu Âu. Người tiêu dùng cá nhân và công nghiệp châu Âu sẽ buộc phải trả tiền cho khí đốt nhiều hơn nếu đường ống dẫn khí không được xây dựng, cũng như Liên minh châu Âu bị tước bỏ quyền được xác định tương lai năng lượng của chính mình.
Vào tháng 1/2020, cơ quan quản lý chống độc quyền của Ba Lan (UOKiK) đã đệ đơn kiện và đòi phạt Gazprom 50 triệu euro vì không cung cấp thông tin phục vụ cho cuộc điều tra về các nhà đầu tư của Nord Stream 2. Bản chất của sự việc là sự không hợp tác trong quá trình điều tra chống độc quyền đang diễn. Các cuộc tấn công của Ba Lan vào dự án do nhiều lý do, bao gồm xung đột khí đốt ở châu Âu và sự phẫn nộ từ lâu đối với Nga. Ba Lan muốn giảm sự phụ thuộc vào Đức và mở rộng các nguồn cung cấp LNG từ Hoa Kỳ. Theo các chuyên gia, vụ kiện này có thể kéo dài và gây cản trở quá trình hoàn thành của dự án.
Triển vọng
Nord Stream 2 có được sự hậu thuẫn của phần lớn các nước trong khối châu Âu do các lợi ích từ dự án mang lại, bao gồm các quốc gia đầu tư thông qua các công ty năng lượng chiến lược của họ để xây dựng đường ống và nhận thu nhập từ các công ty đó hoặc sẽ được các đơn đặt hàng cung cấp khí đốt.
Đức, Pháp và Áo là những nước tích cực ủng hộ nhất vì họ muốn loại bỏ các chi phí không cần thiết cho các khoản thanh toán cho các quốc gia quá cảnh, và nhờ đó, được tiếp cận với các nguồn năng lượng rẻ hơn, kích thích tăng trưởng GDP.
Chủ tịch Ủy ban Kinh tế và Năng lượng Bundestag - Klaus Ernst tin rằng Berlin sẵn sàng đáp trả Washington bằng các biện pháp cụ thể nếu Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp trừng phạt ngoài lãnh thổ đối với đường ống dẫn khí. Vì "đây là sự xâm phạm chủ quyền của Đức và Liên minh châu Âu. Nếu điều này không dừng lại, chúng tôi sẽ phải xem xét các biện pháp nghiêm minh để bảo vệ chính mình. Ví dụ, tăng tỷ lệ phạt đối với khí đốt tự nhiên của Mỹ". Ông còn kêu gọi các nước EU tích cực hơn tham gia dự án khí đốt này.
Nước Nga bày tỏ sự tin tưởng rằng, mặc dù có bất kỳ trở ngại nào, Nord Stream 2 sẽ được hoàn thành. Đối phó với lệnh trừng phạt mới, để hoàn thành nốt 100km đường ống còn lại, đầu tháng 5, tàu Akademik Chersky đã cập cảng Mukran của Đức, căn cứ hậu cần đường ống khí đốt để tiếp tục hoàn thành việc xây dựng. Chủ sở hữu của tàu là một quỹ từ Samara (LB Nga), không sợ bất kỳ lệnh trừng phạt nào của Mỹ. Phía Nga có thể sẽ triển khai các công ty bảo hiểm của Nga để không chịu ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt.
Theo dòng sự kiện
Tổng thống Trump gây áp lực chính trị lên nước Đức bằng tuyên bố giảm lực lượng quân đội tại nước này xuống còn 25.000 người và cho rằng “Đức trả cho Nga hàng tỷ đô la năng lượng còn Hoa Kỳ phải bảo vệ Đức khỏi Nga”.
Ủy ban kinh tế và năng lượng Đức Bundestag vẫn giữ nguyên đề xuất các biện pháp trả đũa đối với các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với dự án. Cơ quan Năng lượng Đan Mạch (DEA) sẽ đưa ra quyết định mới trong vòng 4 tuần liên quan đến việc sử dụng tàu trên đoạn đường chưa hoàn thành của đường ống dẫn khí của dự án phía đông nam đảo Bornholm.
Tòa án đã xác nhận việc nhận được kháng cáo từ dự án Dòng chảy phương Bắc 2 chống lại quyết định của Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức về việc đánh giá không đáp ứng tiêu chí "hoàn thành dự án" khi xây dựng đường ống dẫn khí. Hạn đến 15/9 dự án phải chứng minh được quan điểm kháng cáo của mình.