Bị VN30 ngáng chân, VN-Index giảm nhẹ phiên 31/5
Dù có nhịp tăng đáng kể lên mức tham chiếu đầu phiên chiều, VN-Index giảm mạnh ngay sau đó và phải tới cuối phiên chỉ số này mới trở về ngưỡng 1.075 điểm.
Chốt phiên, VN-Index giảm 2,88 điểm (-0,27%) xuống 1.075,17 điểm, tổng khối lượng giao dịch đạt 924,4 triệu đơn vị, tương đương 15.819 tỷ đồng, giảm nhẹ so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 62,6 triệu đơn vị, giá trị 1.717 tỷ đồng.
HNX và UPCoM tích cực hơn khi dành phần lớn thời gian giao dịch trên tham chiếu. Kết phiên, HNX-Index và UPCoM tăng lần lượt 1,48 điểm và 0,38 điểm lên 222,81 điểm và 82,05 điểm.
Màu xanh vẫn chiếm chủ đạo toàn thị trường khi có 559 mã tăng so với 331 mã giảm. Điều này trái ngược với rổ VN30 khi 19/30 mã trong nhóm giảm điểm, dẫn đầu bởi bộ ba VHM (-2,6%), VRE (-2,2%), HDB (-2,1%). Các mã giảm điểm khác với biên độ trên 1% có thể kể đến là VJC, PLX, MSN, GRV.
Ở chiều ngược lại, NVL tuy chỉ tăng 1,1%, thanh khoản mã này lại lên tới 32 triệu đơn vị, cao nhất nhóm VN30 và đứng thứ 3 toàn thị trường. TPB là cổ phiếu tăng điểm mạnh nhất với 3,7% và thanh khoản 11 triệu đơn vị, theo sau bởi SAB (1,3%) và ACB (0,8%).
Dòng tiền đầu cơ hoạt động mạnh ở các mã vốn hóa nhỏ, thậm chí nhóm này đóng góp tới 19 trong tổng số 25 cổ phiếu kịch trần ở HoSE với các mã đáng chú ý là DAH, EVG, PTC, AAT, CRE, DRH, DXS.
Xét theo nhóm ngành, cổ phiếu ngân hàng có phần kém sắc so với hôm qua khi có 11 mã giảm so với 9 mã tăng điểm. Ngoài HDB đã nói ở trên, PGB (-3,3%), ABB (-1,2%) và VBB (-1%) là những mã giảm điểm mạnh nhất, nhiều ông lớn như CTG, OCB, VPB, TCB, MBB cũng kết phiên dưới mức tham chiếu tuy nhiên biên độ giảm dưới 1%.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán sau nhiều ngày giao dịch tích cực đã có những dấu hiệu phân hóa trong phiên 31/5. Đáng chú ý nhất là trường hợp của ABW của Chứng khoán An Bình, cổ phiếu này giảm 11,24% trong phiên giao dịch đầu tiên 30/5 và tiếp tục giảm 10,6% phiên hôm nay. Các mã giảm đáng chú ý khác là ORS (-2,1%), SHS (-1,7%), MBS (-1,1%), VCI (-1,1%).
Tuy vậy, vẫn có nhiều mã cổ phiếu tăng điểm mạnh như AAS (7,8%), DSC (14,7%), VDS (2,1%). Ông lớn của ngành là VND cũng tăng 0,6% với thanh khoản 38 triệu đơn vị khớp lệnh – dẫn đầu toàn thị trường.
Trong khi đó, cổ phiếu bất động sản giao dịch tích cực hơn cả, đặc biệt là ở nhóm vừa và nhỏ. Dù nhiều mã lớn như DXG, NLG, VIC, KDH, VIC, VRE hay VHM kết phiên ở dưới tham chiếu, hàng loạt cổ phiếu vẫn tăng trần như CRE, DRH, DXS, ITA, LGL, TDH, điểm chung của các mã này là thị giá đều dưới 10.000 đồng/CP.