Bị xử phạt, vẫn tiếp tục dùng máy khai thác đá
Sau khi phát hiện, xử phạt hành vi khai thác đá trái phép, thay vì tạm giữ (hoặc niêm phong) phương tiện để ngăn chặn, phòng ngừa các đối tượng tái diễn hành vi, UBND xã Đắk R'Tíh, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông lại lập tổ, chốt ngăn chặn.
Kết quả là các đối tượng khai thác đá vẫn tiếp tục khai thác, còn UBND xã không ngăn chặn được là do… địa bàn rộng, đi lại khó khăn và không có xe chuyên chở các phương tiện trái phép ra khỏi hiện trường(?!).
Ngày 18/11/2019, ông Đặng Văn Lương, 37 tuổi, ngụ tại thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông đã đưa 3 xe cơ giới vào khu vực Bon Mê Ra, xã Đắk R’Tíh để khai thác đá trái phép. Ông Lương bị chính quyền xã phát hiện sau khi đã khai thác được 13,4 m3 đá. UBND xã Đắk R’Tíh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 4 triệu đồng đối với ông Lương vì hành vi khai thác khoáng sản mà không có giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Hành vi này vi phạm điều 44, Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 3/4/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác khoáng sản. UBND xã Đắk R’Tíh cũng buộc ông Đặng Văn Lương phải chấm dứt việc khai thác đá trái phép; khôi phục lại hiện trạng ban đầu đối với khu vực đã khai thác đá. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND xã Đắk R’Tíh được ký vào ngày 5/12/2019.
Song song với việc xử phạt hành chính, UBND xã Đắk R’Tíh ra quyết định thành lập Tổ trực, chốt chặn khai thác đá trái phép khu vực này; thành phần tham gia gồm 1 lãnh đạo xã và hơn… 30 cán bộ của xã. Nhiệm vụ của tổ công tác này là trực, chốt ngăn chặn hành vi khai thác và vận chuyển đá trái phép khu vực mới phát hiện khai thác đá lậu. Tuy nhiên, đối tượng khai thác đá lậu vẫn tiếp tục… khai thác đá. Nhiều người dân trong vùng cho biết, họ vẫn thường nghe tiếng máy múc và xe cộ chở đá di chuyển vào ban đêm trong khu vực này.
Đến ngày 23/12/2019, tại hiện trường khai thác đá trái phép, vẫn còn 3 chiếc xe máy múc, máy đào và một xe tải đầu kéo loại 6 “chân”. Chiếc xe này được hợp đồng và đưa vào hiện trường để vận chuyển đá. Theo UBND xã Đắk R’Tíh, đơn vị này không có phương tiện để kéo các loại máy móc cơ giới về để tạm giữ và đang kiến nghị ngành chức năng hỗ trợ, hướng dẫn.
Sự việc xảy ra trên địa bàn huyện đã hơn 1 tháng, UBND xã Đắk R’Tih đã báo cáo huyện Tuy Đức 2 lần nhưng đến ngày 23/12, UBND huyện Tuy Đức vẫn chưa có văn bản chỉ đạo cụ thể, rõ ràng. Nguyên do theo lãnh đạo UBND huyện là do Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện chưa tham mưu.
Ông Nguyễn Văn Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức cho biết sau khi nhận được tin báo về vụ việc vào ngày 25/11, ông đã chỉ đạo Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường, ngành chức năng liên quan của huyện và chính quyền địa phương phải tiến hành xử phạt vi phạm hành chính; có biện pháp hiệu quả để ngăn chặn, chấm dứt hành vi khai thác đá trái phép. Về việc vẫn còn các phương tiện cơ giới tại hiện trường vào ngày 23/12, ông Hiệp cho biết sẽ chỉ đạo kiểm tra và xử lý nghiêm.
Tỉnh Đắk Nông đã có nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành trong việc quản lý hiệu quả các loại tài nguyên, nhất là các loại tài nguyên chưa được khai thác. Tuy nhiên việc để một cá nhân tiếp tục khai thác đá sau khi bị xử phạt hành vi vi phạm hành chính cho thấy sự lỏng lẻo của cơ quan chức năng tại địa phương. Đây có thể là một tiền lệ xấu đối với việc quản lý, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn.