Bia mất ngon vì Trái Đất nóng lên

Hiệu ứng nhà kính và Trái Đất nóng lên ảnh hưởng đến hương vị của bia, do các thành phần nguyên liệu bị tác động tiêu cực khi nhiệt độ trở nên ấm hơn.

 Hương vị bia bị ảnh hưởng khi Trái Đất nóng lên vì ngũ cốc và hoa bia bị tác động tiêu cực bởi nhiệt độ cao. Ảnh: Quỳnh Trang.

Hương vị bia bị ảnh hưởng khi Trái Đất nóng lên vì ngũ cốc và hoa bia bị tác động tiêu cực bởi nhiệt độ cao. Ảnh: Quỳnh Trang.

Hương vị của bia bắt nguồn từ thực vật và các loại men sử dụng trong quá trình sản xuất, cụ thể là lúa mạch, hoa bia và men biến đường thành rượu.

Theo các nhà khoa học thực phẩm, các alpha acid và tinh dầu từ hoa bia mang lại vị đắng và hương vị. Trong khi đó, alpha acid và tinh dầu trong hoa bia bị tác động trực tiếp bởi môi trường xung quanh và hoạt động của gen. Ví dụ, nhiệt độ tác động trực tiếp đến hoạt động của enzyme, làm tăng hoạt động các gen cụ thể, ảnh hưởng đến sự đa dạng và phong phú của các hợp chất và từ đó hưởng đến hương vị của thức uống.

Trong đồ uống có cồn, hiệu ứng này được gọi là thay đổi thổ nhưỡng và khí hậu. Ngoài hoa bia, các thành phần khác cũng bị ảnh hưởng bởi thổ nhưỡng và khí hậu, bao gồm lúa mạch, yến mạch, lúa mì hoặc gạo. Tinh bột, protein và lipid trở nên mất cân bằng trong điều kiện ấm hơn, do thực vật phải tự điều chỉnh để sống sót bằng cách tích tụ lượng protein cao. Hàm lượng protein cao có tác động tiêu cực đến vị bia nhưng lại tốt hơn cho sự sống thực vật.

Trái Đất ấm lên cũng ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu sản xuất bia nói chung, ảnh hưởng đến sản lượng và chi phí của đồ uống.

Một nghiên cứu năm 2018 phát hiện ra rằng hạn hán và căng thẳng nhiệt trong tương lai có thể gây thiệt hại 3-17% đối với năng suất lúa mạch toàn cầu. Các mô hình được sử dụng trong nghiên cứu dự đoán mức giảm năng suất gần 32% ở Argentina và tăng 193% chi phí bia ở Ireland.

Quy trình sản xuất nguyên liệu bia cũng bị ảnh hưởng bởi Trái Đất ấm lên. Nhiệt độ ban ngày ấm hơn thường ảnh hưởng đến mới nảy mầm, do các mô đang phát triển nhạy cảm. Trong khi đó, nhiệt độ ban đêm ấm hơn ảnh hưởng nhiều nhất đến cây non, vì ở giai đoạn này cây cần nhiệt độ mát ban đêm để phát triển tối ưu.

Trong khi đó, trên phạm vi toàn cầu, nhiệt độ ban đêm tăng nhanh hơn nhiệt độ ban ngày. Kết quả là các loại cây trồng, bao gồm cả lúa mạch, gặp căng thẳng nhiệt có thể ảnh hưởng đến sự sống còn.

Trước những thách thức ngày càng nghiêm trọng liên quan đến biến đổi khí hậu, các nhà sản xuất bia và các nhà nghiên cứu đang tìm cách thích ứng, chẳng hạn như phát triển hoa bia kháng sâu bệnh hoặc lúa mạch chịu hạn. Các nhà máy bia cũng tập trung vào việc giảm phát thải khí nhà kính bằng cách sử dụng chai tái chế, giảm tiêu thụ nước và năng lượng, đồng thời giảm sử dụng thuốc trừ sâu.

Dù vậy, tương lai của bia vẫn chưa chắc chắn. Các nhà sản xuất đã thử tạo ra một loại bia có tên "Trái Đất bị đốt cháy", được làm từ nước nhiễm khói và các loại ngũ cốc chịu hạn, để mô phỏng bia được sản xuất trong tương lai nhiệt độ cao, và loại bia này bị đánh giá là chất lượng hương vị kém. Do đó, những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu lên sản xuất bia đang được người tiêu dùng và các bên liên quan quan tâm.

Hoàng Nam

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bia-mat-ngon-vi-trai-dat-nong-len-post1444742.html