Bia tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ C90: Niềm mong mỏi khôn nguôi

Sau gần 1 năm đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, những cựu chiến binh của Đại đội Đặc công 90 (C90) có thêm niềm vui khi nguyện vọng dựng bia tưởng niệm 40 đồng đội hy sinh trong trận đánh Tết Mậu Thân năm 1968 sắp thành hiện thực.

Chiều cuối năm, trong căn nhà nhỏ trên đường Đinh Tiên Hoàng (TP. Pleiku), ông Nguyễn Thế Lương-nguyên Tiểu đội phó thuộc C90 lặng lẽ ngồi nhìn mưa phùn lất phất ngoài hiên chốc chốc lại đưa tay lau vội nước mắt. Hơn 50 năm đã trôi qua nhưng lần nào nhắc về trận đánh Tết Mậu Thân năm 1968 tại thị xã Pleiku, ông vẫn không kìm được xúc động. Lần giở xấp tài liệu về C90, ông Lương run run cho tôi xem những tấm ảnh tư liệu quý được cất giữ cẩn thận bấy lâu nay. “Đại đội có 47 người thì 40 người hy sinh trong trận đánh này. Giặc đem xác đồng đội tôi chất thành đống thị uy trước quân lính và người dân. Không ai ra nhận, chúng lại đem các anh lấp vào ngôi mộ chung, bây giờ khu vực ấy là Đền tưởng niệm liệt sĩ Hội Phú”-ông Lương hồi nhớ.

Trong ký ức của ông Lương, khi ấy, cả đại đội ẩn nấp trong một lô cốt đối diện ngã ba đường Hùng Vương-Lê Lai (khu vực Siêu thị Điện máy Vĩnh Tín, cạnh Trường THPT chuyên Hùng Vương ngày nay). Không ai phải ngụy trang mà thay vào đó là những bộ quần áo tươm tất, trong tâm thế sẵn sàng ăn mừng giải phóng thị xã Pleiku. Đại úy Nguyễn Văn Xuân-nguyên Trung đội trưởng Trung đội 1 (quê tỉnh Hà Nam) kể: “Trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt, kéo dài đến tận buổi chiều. Sau khi bị hao tổn quá nhiều lực lượng, quân địch cay cú đem súng phun lửa vào lỗ châu mai của lô cốt, tôi cùng 6 đồng đội may mắn thoát chết. Còn 40 đồng đội phải nằm lại khi đang tuổi đôi mươi”.

Ông Nguyễn Thế Lương-cựu chiến binh Đại đội Đặc công 90 xem lại những tư liệu về đồng đội của mình. Ảnh: Phương Vi

Ông Nguyễn Thế Lương-cựu chiến binh Đại đội Đặc công 90 xem lại những tư liệu về đồng đội của mình. Ảnh: Phương Vi

Hòa bình lập lại, những người lính C90 năm nào trở về quê hương, nhưng lòng vẫn không thôi nhớ về trận đánh oanh liệt, giây phút cận kề cái chết. “Từ trước đến nay, gia đình của 40 đồng đội vẫn thường xuyên liên lạc với tôi. Thỉnh thoảng có gia đình vào Pleiku, tôi lại đưa họ đi thắp hương tại Đền tưởng niệm liệt sĩ Hội Phú rồi thăm lại nơi mà các anh đã hy sinh. Không chỉ người thân của các liệt sĩ mà ngay cả chúng tôi cũng đều mong mỏi lãnh đạo tỉnh, TP. Pleiku quan tâm cho dựng một tấm bia tưởng niệm các anh, là địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ mai sau”-ông Lương mong mỏi.

Nguyện vọng ấy đã được Thường trực Tỉnh ủy thống nhất giao cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy làm việc cùng với các cơ quan, đơn vị có liên quan để đề xuất phương án, địa điểm đặt bia tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ Đại đội Đặc công 90. Ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku-cho hay: “Hiện nay, khu vực gắn với chiến công của C90 nằm trong khuôn viên Di tích Nhà lao Pleiku, Nhà khách 64 Hùng Vương-Công an tỉnh, Trường THPT chuyên Hùng Vương và xung quanh Nhà Văn hóa Lao động tỉnh. Qua khảo sát, thành phố cũng xác định được 4 chứng tích gồm: lô cốt bê tông, lô cốt dã chiến, đài quan sát, tháp nước. Đây là điểm quan trọng để xác định vị trí xây dựng bia tưởng niệm”.

PHƯƠNG VI

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/202112/bia-tuong-niem-can-bo-chien-si-c90-niem-mong-moi-khon-nguoi-5758944/